Đường một chiều gây ra sự lãng phí?

Thời buổi lạm phát, giá xăng dầu tăng vọt, tôi muốn tiết kiệm xăng tối đa, cho nên trước khi cần đi đến địa điểm nào ở TPHCM, tôi thường xem bản đồ để tính toán đường đi ngắn nhất. Nhưng ôi thôi nhiều khi lại hóa ra… mua đường chỉ vì những con đường một chiều!

Không hiểu có thành phố nào ở Việt Nam có số lượng đường một chiều nhiều như thành phố Hồ Chí Minh hay không? Đi đâu cũng gặp vô số đường một chiều, lắm lúc khiến người đi đường như lạc vào mê cung. Chưa kể là lúc xe đang chạy bon bon trên đường hai chiều, tự nhiên xuất hiện biển cấm, bắt buộc phải rẽ sang đường khác, một lộ trình nằm ngoài dự tính của người đi vì trên bản đồ không thể hiện hết các chiều đường trong thành phố. Vậy là lạc và chạy vòng vòng một hồi lâu mới thoát ra.

Đơn cử là hội chợ Expo gần đây, mở bản đồ xác định vị trí ở đường Hoàng Văn Thụ, tôi yên tâm lên đường. Khi chạy gần đến, chỉ còn 1 khoảng cách cực ngắn thì đường 2 chiều thành một chiều, bắt buộc rẽ phải, thế là tôi đành chạy xe theo đám đông, vòng vòng một hồi thì đâm ra một giao lộ lớn lạ hoắc, phải loay hoay tìm bảng tên đường Hoàng Văn Thụ, vừa chạy vừa run vì không biết có đi đúng đường hay không? Mất hơn 10 phút mới đến được Trung tâm triển lãm. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Vào thứ hai tuần trước, có hẹn bàn công việc với người bạn ở quán café trên đường Đinh Bộ Lĩnh, tôi lại vòng vèo từ Xô Viết Nghệ Tĩnh sang Nguyễn Xí mới đến được Đinh Bộ Lĩnh!!! Mất gấp đôi thời gian và độ dài lộ trình ngắn nhất nếu không vì đường một chiều.

Lạm phát, giá xăng dầu tăng cao, ai cũng muốn tiết kiệm xăng tối đa. Vậy mà, những con đường một chiều khiến người dân không còn cách nào đi bằng con đường ngắn nhất để tới nơi cần đến như trong tính toán trên bản đồ. Vào giờ tan tầm, dễ dàng bắt gặp những con đường vắng người qua lại sát bên những con đường đang kẹt cứng, từng xe phải nhích từng chút một mà không thể thoát vào đường khác vì biển cấm một chiều.

Tôi từng chứng kiến nhiều người vì ngán ngẩm cảnh kẹt xe trên đường Điện Biên Phủ đành lao vào đường Lê Quý Đôn đang vắng hoe để thoát thân mặc cho biển cấm đường một chiều. Thiết nghĩ, thành phố nên hạn chế lại các làn đường một chiều để hỗ trợ người dân lưu thông dễ dàng và tiết kiệm thời gian, nhiên liệu trong bối cảnh lạm phát. Lộ trình đi càng xa thì khả năng bị vướng vào kẹt xe càng cao, thời gian và chi phí đó không phải là con số nhỏ?! 

Lê Ngọc Hân
ngochan.sg@gmail.com 


LTS Dân trí - Tạo điều kiện thuận tiện cho người đi lại trên đường và đỡ ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm là mục đích của công việc điều phối giao thông. Quy định những con đường đi một chiều cũng không ngoài mục đích này. Nhưng nếu việc làm đó thiếu những căn cứ thực tiễn, sinh ra tình trạng “lạm phát” đường một chiều như tình hình ở TP.Hồ Chí Minh mà tác giả bài viết trên đây phản ảnh thì không nên, làm cho người tham gia giao thông phải chạy vòng vo, vừa mất thời gian vừa tốn xăng nhớt.

Sắp xếp hợp lý những con đường chạy một chiều và hai chiều ở những thành phố lớn đông dân cũng là một giải pháp tiết kiệm và chống lạm phát . Các cơ quan có trách nhiệm ở TP.Hồ Chí Minh nên lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân để có giải pháp điều phối giao thông hợp lý hơn.