Đừng biến "mầm non" cũng thành nỗi ám ảnh...

(Dân trí) - Không chỉ những phụ huynh có con đến tuổi học mẫu giáo mới lên tiếng, mà những hình ảnh xếp hàng từ đêm để xin học mầm non cho con cháu đã trở thành nỗi ám ảnh chung với nhiều người dân thành thị.

Tôi là người dân tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Giờ đây con tôi đến tuổi đi học nhưng không biết đi học ở đâu vì phường này không có trường học. Theo tôi được biết đất xây trường thì có, nhưng kinh phí xây trường thì không. Đất bỏ không đã nhiều năm mà các cháu thì không có chỗ học. Ai trả lời được vấn đề này cho tôi đây?” - Linh: hoacomay_0107@yahoo.com

Mặc dù ba năm nữa con tôi mới đến tuổi đi học mầm non, nhưng không hiểu sao vợ chồng tôi đã giờ đã cảm thấy lo lắng rồi. Hình ảnh chen lấn xếp hàng cả đêm để xin học mầm non cho con đã ám ảnh tâm trí cả gia đình chúng tôi” - Mẹ Maixinh: Maingoc@yahoo.com 

Chủ đề xin học mầm non một lần nữa lại “nóng” lên khi được các cử tri đưa ra tại cuộc họp thứ 2 HĐND Hà Nội khóa XIV. Đây là một trong những đề tài được nhiều độc giả quan tâm đóng góp ý kiến.
 
Thứ đầu tiên để XH hiện đại văn minh, phát triển là cần ươm mầm tài năng trẻ thơ. Thế mà trẻ đi học ở nước ta đâu có được như vậy. Theo tôi, cần học theo cách của Nhật. Miễn phí tiền học cho trẻ em từ mẫu giáo đến cấp 1. Trẻ em cần được hưởng những chế độ đặc biệt như bảo hiểm y tế. Đối với những trường hợp bị khuyết tật cần được đặc cách dự thi đại học.... Qua báo Dân trí, chúng ta hãy cùng góp ý kiến để NN có những chính sách cụ thể, rõ ràng, phù hợp hơn với hoàn cảnh nước ta” - huong: vuhuong166@gmail.com kêu gọi mọi người cùng lên tiếng để xóa bỏ tình trạng gây nhức nhối ngay từ bậc giáo dục mầm non. 
 
Đừng biến "mầm non" cũng thành nỗi ám ảnh... - 1
Trường Thành Công A, Hà Nội chật cứng người xếp hàng xin học mầm non cho con từ đêm 30/6.

“Mục tiêu hàng đầu của nhà nước mình là phổ cập giáo dục... Mà bây giờ ngay ở tại thủ đô đang còn như thế, thì các huyện vùng sâu sẽ như thế nào. Vấn đề này không phải tồn tại 1,2 năm trở lại đây mà đã diễn ra rất lâu, tỉnh nào cũng vậy mà khi họp hay định hướng phát triển không thấy các ban ngành đề cập đến. Nếu không làm ngay  sẽ có nguy cơ gây ra tụt hậu cho Việt Nam”Led: datngheforever@yahoo.com  
 
Trong thời chiến tranh và hậu chiến tranh khi những cơ sở trường lớp thiếu thốn, chúng ta đã từng dành những ngôi chùa, những nhà kho hợp tác để cho các cháu học tập. Thế sao ngày nay có nhiều nhà văn hóa cụm, phường, xã để không sử dụng, có khi vài tháng, vài tuần mới họp một lần vài chục phút đồng hồ. Thế nhưng không ai dám quyết định đưa bớt những diện tích nhà văn hóa đó cho các cháu mầm non học tập... Cơ quan chức năng thiếu linh hoạt hay không cảm thông với thực trạng các cháu mầm non và tiểu học thiếu cơ sở học tập trầm trọng?...” - Hạnh Nguyên: hanhnguyen@eresson.vn  

 
Gợi ý lời giải bài toán khó
 
Trong khi số lượng trường công lập vẫn dậm chân tại chỗ suốt nhiều năm qua, thì trường tư thục lại mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên dù trường tư thục, dân lập đầy  ra đấy, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện cho con theo học đúng như lời một cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội đã bày tỏ: “Trường tư học phí quá cao nên chúng tôi vẫn mong muốn cho con cháu học tại trường công”.

 

Vậy muốn trường dân lập phát huy tác dụng cũng như “gánh” bớt lượng học sinh cho trường công lập, trong khi chờ cơ quan chức năng tìm ra giải pháp thiết thực, không ít độc giả đưa ra những gợi ý:

 

Nguyễn Ngọc Huân: huanbeo@yahoo.com nêu rõ:

 

Cần khuyến khích phát triển hệ thống giáo dục dân lập để tạo ra sự linh hoạt và giảm gánh nặng cho Nhà nước. Nhưng phải có quy định rõ ràng, phải có sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên hơn, kể cả huy động sự giám sát của người dân như những sự phát hiện trong thời gian qua.

Cần có sự kiểm tra, đánh giá về hệ thống giáo dục và công bố công khai để người dân được biết. Ngành giáo dục cần lắng nghe người dân hơn, giải quyết kịp thời nhu cầu, bức xúc của người dân có con, cháu đang trong độ tuổi mẫu giáo.

 

Hiện tượng này cũng cho thấy thể hiện sự đánh giá của nhân dân thông qua tâm lý của họ (khác với đánh giá của hệ thống giáo dục) về chất lượng các trường mẫu giáo tại các nơi, các khu vực có sự khác nhau về nhiều mặt. Từ cơ sở vật chất, giáo viên và sự quan tâm chăm sóc các cháu.

Cần có chính sách tuyên truyền, hỗ trợ và quan tâm những trường mẫu giáo công lập hoặc dân lập ít danh tiếng, để thu hút các cháu và làm yên lòng cha mẹ các cháu. Không phải chỉ nghe tin đồn, kể cả trường có chất lượng nhưng nếu tỷ lệ các cháu trên giáo viên và diện tích, môi trường không đảm bảo để tiếp nhận số lượng lớn cháu sẽ dẫn đến chất lượng chưa chắc đã hơn các trường, lớp mẫu giáo ít danh tiếng hơn.

Hãy thử làm con tính: các cháu ở trường từ 8 đến 10 giờ, trừ thời gian ăn ngủ, hỏi mỗi cháu sẽ được các cô giáo dành bao nhiều phút và giây để quan tâm. Chúng ta chưa có điều kiện điều tra so sánh chất lượng các trường trên một mặt bằng đánh giá sau một thời gian học nhất định, nên chưa thể nói lên được điều gì.

Hãy quan tâm đầu tiên là sự chăm sóc, sức khỏe của các cháu, dịch vụ y tế, ăn uống vệ sinh. Hãy để các cháu được vui chơi, phát triển theo đúng tâm lý và sinh lý trẻ thơ, chứ không phải như là trường đại học hoặc trở thành lò luyện thi vào lớp 1
”.

 

Binh: binh@gmail.com  phân tích sâu hơn về những những việc cần làm từ phía Bộ GD-ĐT:
 
“Là một thầy giáo đang trực tiếp giảng dạy ở một trường tại Hà Nội, tôi cảm thấy Bộ GDĐT còn rất nhiều việc phải làm:

 

1 - Cần nâng cao chất lượng đội ngũ GV ngay từ bây giờ. Các trường cao đẳng và đại học sư phạm cần tuyển và cho ra lò đội ngũ GV có trình độ, có đức và có tài, để thực thi các cải cách giáo dục được tốt, kể cả với hệ mầm non.
2 - Việc thay SGK vừa rồi tốn quá nhiều tiền mà hiệu quả thấp, hình như không thấy ai chịu trách nhiệm. Nên khi thay SGK đợt này cần tham khảo GV trực tiếp giảng dạy và mọi ngành, đồng thời cần có cả quần chúng nhân dân tham gia đóng góp. Nên qui trách nhiệm cụ thể.

3 - Đồ dùng dạy học cũng vậy, chất lượng kém mà tốn nhiều tiền của quá, cuối cùng cũng không có ai chịu trách nhiệm.

 4 - Ở các thành phố lớn nên mở rộng trường Mầm non công lập chất lượng cao, để những người lao động không phải xếp hàng như tình cảnh báo chí đã nêu.

5 - Cuối cùng là chống tham nhũng. Tôi cảm tưởng ngành giáo dục cho rằng từ trước đến nay không có tham nhũng? Nhưng theo tôi là có rất nhiều đấy. Bộ GDĐT cần chống tham nhũng từ Bộ xuống cơ sở và làm thật quyết liệt. Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân với ngành giáo dục nước ta”
.

 

Một lần nữa các ông bố bà mẹ lại tiếp tục chờ đợi và hy vọng vào một tương lai không xa, khi những vấn đề bất cập của giáo dục sẽ được xóa bỏ từ bậc mầm non, để con em họ sẽ được hưởng những gì đúng với phương châm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

 

Toàn:  uocmovuontoimotvisao@yahoo.com.vn cảnh báo:

 

Trẻ em là mầm non của đất nước, vậy mà bây giờ xin học cho con vào trường mầm non còn khó hơn vào đại học, làm cho các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi đi học rất lo lắng. Nếu gửi con ở trường tư thì giá cao, khó khăn cho những người có thu nhập thấp và trung bình. Muốn gửi con vào trường công thì những trường tạm được (gọi là trường chuẩn quốc gia) lại ít, dẫn đến tình trạng xét tuyển hồ sơ như thi đại học.
 
Trẻ em thì ngây thơ như nhau, đã biết gì về cuộc sống mà phải xét và duyệt dẫn đến tình trạng bố mẹ cố đua nhau cho con  vào trường tốt... Rồi lại dẫn đến sự phân hóa giàu - nghèo... Tôi hi vọng tình trạng này sang năm không phải nghe, không phải nhìn thấy nữa. Xin nói thêm là tình trạng đó xảy ra hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam ta rồi”.
 
Linh Nhã