Đưa môn gia phả học vào các trường văn hóa

Chương trình học một số trường văn hóa tại TPHCM và những địa phương khác đã đưa vào môn du lịch, văn hóa dân gian… Còn môn gia phả học giúp việc tìm hiểu nguồn gốc gia đình, dòng tộc chưa thấy có trong chương trình giảng dạy.

Nhiều nhà nghiên cứu gia phả cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên do người am hiểu về gia phả học không nhiều; giáo trình, giáo án lại chưa có cho nên đến nay vẫn chưa hình thành được môn học này.

Dòng họ và gia đình là nền tảng hình thành và phát triển của xã hội qua các thời kỳ lịch sử cổ đại, có vị trí chi phối trong cuộc sống và trong việc tạo ra lịch sử. Lịch sử dòng họ chính là gia phả, tộc phả. Hệ thống vấn đề: Đồng bào - dân tộc - dòng họ - gia đình - cá nhân có mối liên quan mật thiết với nhau. Có thể qua môn gia phả ta sẽ cụ thể hóa việc hình thành các cụm dân cư Nam Bộ qua các cuộc Nam tiến…

Ông Võ Ngọc An, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả TPHCM, cho biết: “Hơn 30 năm đất nước giành được thống nhất, các dòng họ đã truy tìm, kết nối và đã có nhiều cuộc họp mặt dòng họ định kỳ hàng năm tới vài ngàn người. Việc làm này đặt ra cho những người quan tâm phải nhận thức lại vấn đề dòng họ và gia phả một cách khoa học, sâu sắc và việc đưa môn gia phả vào chương trình học là cần thiết”.

Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả TPHCM, thuộc chi hội Gia phả và hồi ký thành phố, hoạt động mười mấy năm qua. Trong quá trình nghiên cứu và thực tiễn tiếp cận với các dòng họ cả nước, các nhà nghiên cứu đã đề xuất một số vấn đề như việc phục hồi ngành gia phả Việt Nam. Nay, trung tâm đề xuất công việc thiết yếu có ý nghĩa bền vững là phải giảng dạy cho học sinh, sinh viên về môn gia phả. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Theo ý kiến đề xuất của ông Võ Ngọc An, trước mắt, các trường cao đẳng, đại học văn hóa đưa vào những bài học phổ thông, cơ bản giới thiệu về: mối quan hệ dân tộc, dòng họ, gia đình và gia phả; lịch sử gia phả Việt Nam (trong đó có gia phả mẫu hệ); phả ký, phả hệ, phả đồ và ngoại phả; gia phả và các môn học khác; hôn nhân và di truyền; gia phả và địa bạ; gia phả và Hán - Nôm; định hướng và quản lý gia phả. 

Nâng cao hơn còn cần đề cập những nội dung: Nguồn gốc con người giải thích bằng môn gia phả học; khi nào hình thành dòng họ; mẹ nguyên mẫu là gì?; tổ quán chính là địa chí xã ấp; kỷ sự và tiểu sử nhân vật gia phả; cưới gả tạo ra các mối quan hệ nội thân ngoại thích và tạo sự liên thông huyết tộc trong xã hội…

Trước mắt, ngành giáo dục nên chọn trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM dạy thử nghiệm, sau đó nhân ra các trường văn hóa trong thành phố rồi nhân ra các tỉnh. Cho đến nay, Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả TPHCM đã dựng được hơn 90 bộ gia phả các dòng họ. Các nhà nghiên cứu đã tổ chức những buổi nói chuyện với nhiều bạn trẻ tại Nhà văn hóa Thanh Niên (TPHCM) về gia phả và việc giáo dục truyền thống gia đình, phát huy tinh thần hiếu học trong các dòng họ.

Tú Anh

LTS Dân trí - Gia đình và dòng họ là những tế bào nền tảng của xã hội. Tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống gia đình và dòng họ qua môn Gia phả học có ý nghĩa thiết thực đóng góp vào việc tìm hiểu lịch sử phát triển của dân tộc, của các phong tục, tập quán, và truyền thống văn hóa nói chung.

Môn Gia phả học nên được thử nghiệm đưa vào giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng văn hóa như ý kiến đề xuất của tác giả bài viết trên đây.

Điều ấy cũng đáp ứng đúng nhu cầu của nhiều người muốn tìm về cội nguồn qua việc tìm hiểu và xây dựng gia phả của dòng họ được hình thành và phát triển qua các thời kỳ lịch sử.