Dạy con nên người:

Đưa con lên... rừng

(Dân trí) - Lâu lắm mới thấy ông anh về chơi, quà cáp không phải chai mật ong, bó măng khô như mọi khi, ông Cột lạ lắm:

Năm nay anh chị trên ấy làm ăn có vẻ khá?

Ông Kèo thủng thẳng:

- Khá nỗi gì. Ruộng thì ít. Bạch đàn thì chẳng ai mua, chặt đống làm củi dần. Chè thì chết nắng.

- Sao em thấy anh lần này có vẻ phởn phơ, tươm rất thế?

- Nuôi khoán học sinh miền xuôi đấy. Nhà gần trường, nhận nuôi ba đứa, mỗi tháng thu gần triệu, bằng mấy nuôi lợn, trồng lúa, làm đồi rừng.

- Anh cứ đùa.

- Đùa là thế nào? Mấy năm nay xứ ta có "phong trào" cán bộ miền xuôi cho con lên miền núi học rầm rầm, chú không biết sao.

Nghe đâu ở huyện B.T và Q.H có tới nửa học sinh miền xuôi lên học với học sinh miền núi. Ở huyện N.L ta, có dễ đến cả chục. Riêng tôi đã nuôi ba đứa rồi.

Nhìn nét mặt ngơ ngác của ông em, ông Kèo càng đắc thắng:

- Hoá ra chú không biết gì thật. Lại còn nhận họ Mường, họ Dao nữa. Ông Bí thư huyện mình ấy, bố Kinh con Mường, cả huyện đều biết! Mà chẳng riêng ông ấy, người ta thay quê quán, đổi hộ khẩu, thay họ cho con ngang nhiên.

- Quá thế cơ ư! Nhưng mà để làm gì? Gần hết lớp 12, gửi con lên miền núi rồi chạy chọt đổi học bạ làm người dân tộc, người vùng sâu vùng xa, kiếm điểm ưu tiên khi thi vào đại học. Xa con ít tháng, tốn kém hơn triệu tiền trọ mà con chắc đỗ chứ đâu như chú.

- Khiếp quá! Ông cột lè lưỡi.

- Nhưng có quyền có chức, người ta có tiền mới làm được thế. Còn như mình, miền xuôi vẫn là miền xuôi thôi.

Vũ Duy Thông