Cà Mau:

Dự án hỗ trợ con giống cho dân vào nhà cán bộ và người thân!

(Dân trí) - Thời gian qua, người dân xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) rất bức xúc vì dự án hỗ trợ con giống thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương nơi đây lại “ưu ái” dành cho cán bộ và người thân cán bộ, còn dân nghèo thì… đứng ngoài cuộc.

Từ Chi hội trưởng bán cua giống cũng được hỗ trợ cua giống...

Tiếp xúc với PV Dân trí, nhiều người dân và cán bộ hưu trí rất bức xúc trước việc làm của chính quyền xã Viên An Đông, khi xã này tranh thủ chính sách hỗ trợ sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới để “ưu ái” cho cán bộ ấp và người thân.

Người dân cho rằng, việc hỗ trợ giống cho người dân đáng lẽ phải công khai họp dân, bình xét đối tượng, nêm yết danh sách… “Đây là mô hình điểm, khi thực hiện thành công sẽ nhân rộng, nên cần phải ưu tiên cho những nông dân có kinh nghiệm, sản xuất giỏi mới đạt kết quả cao và không gây bức xúc”, một cán bộ hưu trí nêu quan điểm.

Theo tìm hiểu của PV, việc hỗ trợ nói trên thuộc Dự án và kinh phí hỗ trợ sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Viên An Đông, có 3 mô hình: Chăn nuôi dê thịt, nuôi cua thương phẩm, nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với nuôi cua biển. Tổng kinh phí trên 520 triệu đồng, trong đó có một phần vốn đối ứng của dân. Đơn vị chỉ đạo, quản lý dự án là UBND huyện Ngọc Hiển; chủ dự án là ông Võ Thành Lĩnh- Phó Chủ tịch UBND xã Viên An Đông. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2016 đến tháng 1/2017.

Theo danh sách đăng ký thực hiện mô hình mà PV có được, hầu hết những người được cấp con giống đều là cán bộ và người thân cán bộ. Trong số đó có ông Phan Văn Thiết (cha vợ ông Dương Văn Nguyện-Chủ tịch hội nông dân xã); ông Nguyễn Văn Tánh (anh vợ ông Võ Thành Lĩnh- Phó Chủ tịch UBND xã) và các Bí thư, Trưởng ấp, Chi hội trưởng Hội nông dân các ấp thuộc xã Viên An Đông…

Đặc biệt, có trường hợp hết sức “vô lý” là ông Phạm Đến Tiếp, là Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Nhưng Miên. Theo người dân phản ánh, gia đình ông Tiếp chuyên kinh doanh mua bán cua giống, nhưng lại được hỗ trợ cua giống từ chương trình là không thể chấp nhận được.

Biên bản này được cho là lập khống để đối phó vì có chữ ký của… người mù.
Biên bản này được cho là lập "khống" để đối phó vì có chữ ký của… người mù.

... đến người mù cũng biết ký tên

Cũng theo hồ sơ mà PV có được, trong các biên bản họp dân tại các ấp để xét chọn đối tượng hỗ trợ gửi về cấp trên, trong số người dân tham gia ký tên có ông Phan Văn Chủ (anh ruột ông Phan Văn Thiết, người được xét chọn). Điều đáng nói là ông Chủ bị mù, không viết được, nhưng lại có ký tên vào biên bản (?)

Điều bất thường nữa là, phần mở đầu của biên bản ghi cuộc họp dân diễn ra vào ngày 5/6/2016, nhưng khi kết thúc biên bản lại ghi ngày 5/10/2016 (tức cuộc họp kéo dài đến 4 tháng). “Chúng tôi được biết biên bản họp dân bình xét chủ yếu là do nội bộ tự làm để đối phó, chứ thực chất không có họp dân nào cả”, một cán bộ hưu trí bức xúc.

Trao đổi với PV xung quanh những vấn đề mà người dân phản ánh, ông Dương Văn Nguyện - Chủ tịch Hội nông dân xã Viên An Đông, thừa nhận là khi triển khai thực hiện dự án, do không nắm vững quy trình nên làm không đúng. “Khi ấp lập danh sách, có bản đề nghị gửi lên nên chúng tôi nghĩ hợp lý và duyệt. Trong khi đó, hướng dẫn của huyện là phải tổ chức hợp dân xét đối tượng, nêm yết công khai danh sách”, ông Nguyện phân trần.

Khi PV hỏi ông Nguyện có biết trong sách có cả cha vợ của mình được chọn? Ông Nguyện nói là ông có biết và cho rằng cha vợ mình cũng… xứng đáng. Còn việc lập các biên bản họp dân là khi huyện tiến hành kiểm tra, thì các ấp mới “hợp thức hóa để đối phó”.

UBND xã Viên An Đông, nơi xảy ra nhiều khuất tất hỗ trợ kinh phí sản xuất chương trình nông thôn mới.
UBND xã Viên An Đông, nơi xảy ra nhiều khuất tất hỗ trợ kinh phí sản xuất chương trình nông thôn mới.

Khi vào cuộc tìm hiểu các vấn đề trên, PV Dân trí được biết, việc hỗ trợ con giống của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không phải là việc “khuất tất” duy nhất của xã Viên An Đông.

Tiếp xúc với PV, nhiều người dân còn cho biết, đường giao thông nông thôn mới tại ấp Đồng Khởi (xã Viên An Đông) có chiều dài 2.170 m, nhưng khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện chiều dài thực tế của đoạn đường này chỉ có 2.026 m, tức xã “ăn gian” 144 m bằng cách kê khống chiều dài.

Không những thế, chủ đầu tư là UBND xã Viên An Đông còn “hào phóng” cho nhà thầu ứng vượt số tiền vượt khối lượng so với thực tế khi công. Kết quả là trong một thời gian khá lâu, nhưng nhà thầu không làm tiếp tuyến đường, khiến người dân bức xúc.

Ông Trần Văn Trong - Chủ tịch UBND xã Viên An Đông cho biết, xã đã yêu cầu ông Võ Thành Lĩnh (Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách xây dựng lộ giao thông ấp Đồng Khởi) và ông Dương Văn Nguyện (Chủ tịch Hội nông dân xã) báo cáo các vụ việc trên. “Bước đầu, cả 2 ông Lĩnh và Nguyện đã thừa nhận có sai sót. Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của các đồng chí này”, vị Chủ tịch xã thông tin.

Trả lời PV về các vấn đề nói trên, ông Lý Hoàng Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành xác minh vụ việc, nếu có sai phạm sẽ xử lý đúng quy định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Tuấn Thanh