Đổi mới phương pháp giáo dục: Cần tránh xu hướng “theo phong trào”?

Gần đây, ngành giáo dục có chủ trưởng đổi mới phương pháp dạy học, cách đánh giá, kiểm tra thi cử theo hướng coi học sinh (HS) là chủ thể trung tâm của quá trình dạy học, tích cực hóa hoạt động học tập của HS.

Gắn với quá trình đó có một số yếu tố mới được đưa vào nhà trường, trong đó nổi bật nhất là phương pháp thi trắc nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy.                                                                                    

Về phương pháp trắc nghiệm, lúc đầu Bộ GD-ĐT dự định triển khai đại trà cho tất cả các môn, nhưng sau khi có nhiều ý kiến phản biện của dư luận nên hiện chỉ dừng lại ở các môn như Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngoại ngữ...

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Phương pháp này có ưu điểm là kiểm tra kiến thức toàn diện, đánh giá khách quan, dễ ứng dụng CNTT trong đánh giá, chống được hiện tượng học tủ, học lệch. Tuy nhiên, hạn chế rất lớn (điểm yếu "chết người") của phương pháp này là không phát huy được tinh thần độc lập suy nghĩ, khả năng diễn đạt, sáng tạo của người học, kiến thức thiếu chiều sâu, khâu ra đề hay bị “lỗi”, ngân hàng đề thi khó đáp ứng đủ nhu cầu.

Đối với các môn Toán, Ngữ văn thì thi trắc nghiệm xem ra không thích hợp, ngay cả các môn khác cũng bộc lộ nhiều hạn chế (ví dụ Ngoại ngữ).                                                           

Thế nhưng, khi phong trào thi trắc nghiệm vừa được phổ biến, đã được rất nhiều giáo viên hưởng ứng rầm rộ, tiến hành “trắc nghiệm hóa” toàn bộ khâu kiểm tra, các cuốn sách ngân hàng đề thi trắc nghiệm xuất bản nhiều, trong đó có không ít câu hỏi “ngớ ngẩn”… đúng là “người người trắc nghiệm, nhà nhà trắc nghiệm”, nhiều người coi đây là một “khâu đột phá” quan trọng.

Các lớp dạy thêm cũng quảng cáo rầm rộ "luyện thi trắc nghiệm"…Thế nhưng sau một thời gian không lâu, phong trào đã lắng xuống, và nay đã rút lui “không kèn không trống” ở các môn như Ngữ văn, Toán và chỉ còn được áp dụng hạn chế ở một số môn như Lịch sử, Địa lý, GDCD… Những chiếc máy chấm trắc nghiệm giá trị hàng trăm triệu đồng có nguy cơ "thất nghiệp".

Còn chủ trương ứng dụng CNTT trong dạy học đang được ngành giáo dục đẩy mạnh. Bộ GD-ĐT xác định chủ đề năm học 2008-2009 là “Năm ứng dụng CNTT”. Đây là một hướng đi đúng, có nhiều ưu điểm để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thay đổi tư duy, phương pháp quản lý giáo dục, hòa nhập với xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, dù trong trạng thái “hân hoan” của phong trào, cũng cần tỉnh táo nhìn nhận về những ưu nhược điểm của chủ trương trong từng lĩnh vực cụ thể để rồi có cách vận dụng thích hợp nhất, tránh được những hạn chế không đáng có.

Xin lấy ví dụ phong trào soạn giáo án trên máy vi tính và soạn giáo án điện tử (kết hợp với máy chiếu Projector) để giảng dạy. Việc soạn giáo án trên máy tính có nhiều ưu điểm là đẹp, không phải chép lại mà các năm sau chỉ cần bổ sung, bớt đi một khâu vô bổ, để dành được nhiều thời gian cho giáo viên (GV) đọc thêm tài liệu, nghiên cứu học hỏi nâng cao trình độ.  

Tuy nhiên, mặt trái của việc này là việc “nhân bản vô tính” giáo án, dẫn đến việc GV không làm việc, ngay cả giáo án cũng không đọc, không chịu tìm tòi nên chất lượng giảng dạy ngày càng đi xuống.

Hiện tượng này dẫn đến một số trường, một số cơ quan quản lý giáo dục có một số "chế tài" riêng như: GV phải có chứng chỉ tin học hay phải có máy tính riêng mới được phép dùng giáo án đánh máy vi tính.

Có vị trưởng phòng GD kiểm tra 4 GV dùng giáo án đánh vi tính thì chỉ có 1 người đạt yêu cầu (biết sử dụng thành thạo các thao tác soạn bài). Tuy nhiên, việc một số trường quy định không cho phép GV soạn bài trên máy vi tính là bất hợp lý (sai luật).

Vấn đề là cần có những cách thức để kiểm tra, nhắc nhở GV như buộc GV phải chứng minh được khả năng sử dụng tương đối thành thạo máy vi tính, tăng cường dự giờ, thao giảng, kết hợp với kênh thông tin từ nhận xét, kết quả học tập của HS…nghĩa là phải có cách đánh giá công bằng, đúng thực chất, tạo động lực để người GV phấn đấu vươn lên.                                            

Cần phải tạo ra các động lực để người GV tự học, nâng cao trình độ, trau dồi chuyên môn. Một khi không còn động lực phấn đấu, người GV sẽ có nhiều cách đối phó với các cấp quản lý giáo dục.                 

Việc lên lớp bằng giáo án điện tử cũng vậy, bên cạnh việc tạo ra sự hấp dẫn, hứng thú cho HS, tạo nhiều không gian ảo, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, thuận lợi cho GV không cần viết bảng…thì cũng cần nhận thấy phương án này không phải không có nhược điểm.         

Ví dụ, nếu GV thao tác không hợp lý, thời gian trình chiếu nhanh, HS không theo dõi kịp dẫn đến không nắm chắc được thông tin. Một số em mãi theo dõi hình ảnh mà không ghi chép, ghi nhớ được gì.

Có khi GV vừa nêu xong câu hỏi thì trên màn hình đã hiện ra đáp án, phần thuyết giảng của GV cũng bị phân tán, không có chiều sâu. Một số GV thiết kế những hàng chữ có màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt, đưa vào một số tư liệu không phù hợp…            

Hiện nay, nhiều trường đã tổ chức cho GV học phương pháp soạn bài giảng điện tử để trình chiếu, nhiều GV đã sử dụng giáo án điện tử trong các giờ thao giảng, hội thi GV giỏi…Thậm chí có người quan niệm giáo án điện tử nghĩa là đổi mới phương pháp.

Xin thưa, mục đích quan trọng nhất của đổi mới phương pháp dạy học là biến người học thành chủ thể, phát huy tính tích cực, chủ động của người học để chiếm lĩnh tri thức, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong học tập.

Còn giáo án điện tử hay thi trắc nghiệm, thảo luận nhóm…chỉ là những biện pháp, phương tiện để đạt được mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Không nên quá câu nệ vào hình thức, đánh đồng giữa phương tiện và mục đích.                               

Đối với môn Ngữ văn (và một số môn khác), những lời giảng, câu chuyện, lời bình truyền cảm, những hàng chữ nắn nót trên bảng đen của thầy cô vẫn có một sức hút riêng không dễ gì thay thế được. Việc lạm dụng máy chiếu sẽ khiến sở trường này bị hạn chế, biến không ít giờ học rơi vào hình thức, tẻ nhạt.

Vì vậy, có ý kiến cho rằng có thể kết hợp cả hai phương pháp hiện đại và truyền thống để tận dụng ưu thế của cả hai, và cần nghiên cứu ở những bài phù hợp để có cách vận dụng đúng.

Nhạy cảm với cái mới là một ưu điểm, nhưng  không ít người thấy cái mới thì nhanh chóng bắt chước mà thiếu suy nghĩ sâu, lật đi lật lại vấn đề nên không tránh khỏi những ngộ nhận, dẫn tới sai lầm (phong trào nuôi ốc bươu vàng, mua xe đạp điện…).

Dĩ nhiên, tư tưởng bảo thủ, ngại đổi mới, lười nhác là kẻ thù của sự tiến bộ. Vì vậy, các nhà giáo cần suy nghĩ chín chắn để có những bước đi, việc làm phù hợp để làm sao vừa tiến bộ, đi kịp với thời đại vừa khỏi vương vào vết xe đổ của xu thế “chạy theo phong trào”.    

Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ.

LTS Dân trí - Người thầy luôn giữ vai trò quan trọng có ý nghĩa quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục, còn phương tiện dạy học như công nghệ thông tin chỉ có vai trò hỗ trợ người thầy thực hiện mục tiêu của mình.

Đúng như ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên đây, không nên “chạy theo phong trào” một cách hình thức, mà phải đi vào thực chất và lấy hiệu quả làm thước đo trong việc ứng dụng thi trắc nghiệm cũng như đưa công nghệ thông tin vào trường học. Dù áp dụng phương pháp mới hay phương tiện công nghệ mới, bên cạnh những ưu điểm cũng có những nhược điểm.

Vai trò quan trọng của người thầy là biết vận dụng một cách sáng tạo những phương pháp mới, phương tiện mới như thế nào cho thích hợp, để tạo ra sự hứng thú học tập, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong mỗi giờ học. Chỉ có như vậy mới đem lại hiệu quả thiết thực đối với quá trình dạy và học.