Hà Nội:

“Doanh nhân Thăng Long tiêu biểu” bị “tố” lừa đảo hàng chục tỷ đồng

(Dân trí) - Sở hữu hàng loạt phần thưởng trong lĩnh vực kinh doanh, “Doanh nhân Thăng Long tiêu biểu” Nho Hồng Long huy động hàng chục người góp vốn hơn 30 tỷ đồng. Khi hoa hồng chưa kịp hưởng, những người này đã lên tiếng tố cáo hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn tố cáo của đại diện hàng chục nạn nhân gửi đến Cơ quan điều tra CATP Hà Nội và báo Dân trí, suốt giai đoạn 2009 - 2011, ông Nho Hồng Long và vợ là Dương Thị Lệ Huyền có địa chỉ thường trú tại ngõ Thống Nhất, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội đã có hành vi huy động vốn với mục đích lừa đảo nhằm chiếm đoạt số tiền góp vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Ông Nho Hồng Long là người giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty  Cổ phần đầu tư công nghệ Huy Long có trụ sở đăng ký kinh doanh khi còn hoạt động tại số nhà 26 Trường Chinh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
 
Trong đơn tố cáo các nạn nhân cho biết, kể từ năm 2009, với lý do cần vốn mở rộng đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ, ông Nho Hồng Long đã tận dụng tối đa các mối quan hệ với họ hàng và bạn bè thân thuyết phục góp vốn, đi kèm là thỏa thuận phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn hàng tháng. Với uy tín và tên tuổi của một doanh nhân sở hữu hàng loạt các giải thưởng cá nhân danh giá trong lĩnh vực kinh doanh như: Doanh nhân thương mại và dịch vụ tiêu biểu; Doanh nghiệp vì cộng đồng; Doanh nhân tâm tài; 1000 doanh nhân Thăng Long tiêu biểu... ông Nho Hồng Long dễ dàng thuyết phục được hàng chục người thân và bạn bè tham gia góp vốn dưới nhiều hình thức khác nhau.

Không nghi ngờ mục đích huy động vốn của Nho Hồng Long, hơn 10 người đã tin tưởng cho ông Long mượn sổ đỏ đi cầm cố vay tiền tại ngân hàng, hoặc ký hợp đồng góp vốn tiền tỷ với mong muốn được chia hoa hồng đều đặt cuối tháng nhằm cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, khi còn chưa tận hưởng được thành quả, tất cả đều ngã ngửa khi công ty Huy Long đột ngột dừng hoạt động vào cuối năm 2011. Vợ chồng Chủ tịch HĐQT cũng “mất tích” suốt nhiều tháng, cho đến khi Cơ quan điều tra triệu tập đến làm việc tại trụ sở Công an TP. Hà Nội đặt tại số 6 Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội do các nạn nhân lên tiếng tố cáo.

Theo phản ánh của anh Phạm Tiến Dũng, người từng đảm nhận chức vụ Thủ quỹ công ty Huy Long và có vợ gọi ông Nho Hồng Long là chú ruột. Từ tháng 6/2010, với lý do thiếu tiền làm dự án, ông Nho Hồng Long nhờ anh Dũng giúp vay mượn tiền giải quyết khó khăn. Anh Dũng đã thuyết phục bố mẹ cho ông Long mượn sổ đỏ mảnh đất 207m2 tại Đông Anh để vay 1,3 tỷ đồng, trong đó ông Long sử dụng 650 triệu đồng. Ngoài ra, ông Long còn mượn anh Dũng chiếc xe Toyota hiệu Inova BKS 29A – 229.82 (ngày 28/5/2011) đi cầm cố. Nhờ cầm cố hộ chiếc xe hiệu Fortuner BKS 30S – 5773 (ngày 30/10/2011) để vay 600 triệu đồng, sau đó ông Long thuyết phục anh Dũng cho cầm cố tạm bằng chiếc xe Altis BKS 30F – 0330 để rút ra Fortuner ra để chủ nhân mang đi đổi bằng lái, nhưng thực chất ông Long không muốn lấy lại chiếc xe cầm cố thay thế, bởi giá trị xe thấp hơn nhiều lần số tiền đã vay.
 
Đơn tố cáo anh Minh gửi phòng An ninh kinh tế (Ảnh: Ngọc Cương)
Đơn tố cáo anh Minh gửi phòng An ninh kinh tế (Ảnh: Ngọc Cương)

Qua sự giới thiệu của bạn bè, ngày 5/9/201, anh Hoàng Bình Minh trú tại chung cư 151 Nguyễn Đức Cảnh đồng ý tham gia góp 2,7 tỷ đồng cùng Nho Hồng Long mua căn biệt thự trị giá 25 tỷ đồng. Ông Long hứa sẽ tiến hành chuyển nhượng cho khách trong vòng 15 ngày, sau đó ông Long có trách nhiệm trả lại số tiền gốc 2,7 tỷ đồng và 108 triệu đồng lợi nhuận. Nhưng sau đó anh Minh đã không thể lấy lại tiền góp vốn, không thể liên lạc với ông Long. Dựa trên biên bản thỏa thuận góp vốn được ký kết với Nho Hồng Long, anh Hoàng Bình Minh làm đơn gửi đến Phòng An ninh kinh tế CATP. Hà Nội tố cáo hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của cựu Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần đầu tư công nghệ Huy Long. Ngoài anh Minh và anh Dũng, danh sách nạn nhân của “doanh nhân thành đạt” Nho Hồng Long còn có nhiều họ hàng và bạn bè thân thiết như: Nguyễn Văn Bôn, Phạm Văn Lợi, Nguyễn Minh Lưu...

Với mong muốn thu lại những khoản tiền đã góp vốn cho ông Nho Hồng Long, các nạn nhân kiến nghị Cơ quan điều tra sớm làm rõ những dấu hiệu lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của cựu Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần đầu tư công nghệ Huy Long, Nho Hồng Long. Trao đổi với PV Dân trí sáng 14/8/2012, đại diện Phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội cho biết hiện đã phát hiện ra dấu hiệu lừa đảo của Nho Hồng Long đối với một số nạn nhân.
 

Đại tá Trần Văn Hanh, Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội cho biết, “cơn bão” vỡ tín dụng xảy ra năm 2011 ở Hà Nội gây rúng động. Nếu không vì lòng tham, sẽ không có việc người ta tự nguyện đem tiền đến cho các con nợ vay...

Khi vụ vỡ nợ của Nguyễn Thị Cúc, ở Phú Xuyên xảy ra, người ta ngạc nhiên vì số tiền 300 tỷ đồng mà người này được thiên hạ cho vay. Trong bối cảnh lãi suất tăng, ngân hàng siết chặt các khoản cho vay tín dụng mà chỉ bằng danh nghĩa cá nhân, Nguyễn Thị Cúc huy động được số tiền này khiến người ta choáng là đúng. Cách hút tiền thiên hạ của Cúc “xưa như Diễm”, nghĩa là vẫn dùng chiêu lãi suất cao. Cái khác “bậc tiền bối” là chị này còn thẳng tay trả lãi cao ngay khi chủ nợ đem tiền đến cho vay. Tiền gốc vẫn còn nguyên vẹn, lại vừa trao tay đã nhận tiền lãi, nhiều người mờ mắt. Chẳng tốn một giọt mồ hôi, chẳng mất nhiều công sức mà đồng tiền vẫn sinh lời.

Thế là, nhiều người bị lòng tham làm cho quên hết những rủi ro. Người ta không chỉ đem tiền nhà mà còn đứng ra làm đầu mối thu gom rồi chuyển tiền cho con nợ. Ở vai trò trung gian này, người ta được ăn chênh lệch lãi suất. Chỉ đến khi đứng trước nguy cơ vỡ nợ người ta mới hốt hoảng tìm cách thu hồi. Thế nhưng kể cả khi cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi phạm pháp của con nợ thì khả năng thu hồi nợ cũng rất mong manh. Giá như đừng có tham thì ...

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương