Điểm nhấn Ấn Độ trong chuyến công du của Tổng thống B. Obama

(Dân trí) - Tôi may mắn được hai lần tới Ấn Độ nên có phần yêu quý và quan tâm hơn tới đất nước của Mahadma Gandhi. Đặc biệt lần này, Ấn Độ là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du một số nước châu Á của vị Tổng thống Mỹ da màu đầu tiên.

Điểm nhấn Ấn Độ trong chuyến công du của Tổng thống B. Obama - 1

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân Michelle lên đường thăm một số nước châu Á.
 

Lần thứ nhất cách đây đã nhiều năm, khi tôi còn là sinh viên báo chí học tại thủ đô New Delhi và đã từng chia sẻ với bạn bè các nước và nhất là báo giới Ấn Độ cảm giác nín thở dõi theo từng thông tin liên quan đến cuộc bầu cử  đã đưa ông Bill Clinton vào Nhà Trắng.

 

Lần sau tôi lại một lần nữa nín thở theo từng diễn biến cuộc bầu cử Mỹ, với niềm tin sẽ bảo vệ được quan điểm: đã tới lúc nước Mỹ có vị Tổng thống da màu đầu tiên, dù ứng viên John McCain được nhiều người cho là “nặng ký” hơn. Thượng nghĩ sĩ Mỹ McCain cũng là một trong những chính khách Mỹ rất có cảm tình với Việt Nam. Ông cùng một cựu ứng viên Tổng thống khác là thượng nghị sĩ John Kerry thực hiện nhiều chuyến đi tới Việt Nam thời thập niên 1990, đóng góp tích cực cho các nỗ lực bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

 

Lần thứ hai có vẻ “oách” hơn, chúng tôi được tham gia một tour xuyên Ấn và được ở trong một chuỗi khách sạn năm sao tại nhiều thành phố lớn. Tại thủ phủ tài chính Mumbai, nhóm nhà báo Châu Á chúng tôi  ở khách sạn ngay cạnh Taj Mahal Palace – nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân Michelle và đoàn tháp tùng lưu lại trong chặng dừng chân mở màn chuyến thăm Ấn Độ.

 

Ở Ấn Độ, công tác bảo đảm an ninh luôn được tuân thủ nghiêm ngặt, nhất là tại các địa điểm nhạy cảm như các công sở, tư dinh các chính khách, những nơi công cộng tập trung đông người như khách sạn, sân bay… Mỗi lần ra vào khách sạn, xe chở chúng tôi đều phải dừng lại cho các nhân viên an ninh vũ trang kiểm tra rất cẩn thận.

 

Nhắc tới cái tên Mumbai là như lại hiển hiện trong trí óc những người dân Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung những hình ảnh đau thương của vụ tấn công khủng bố kiểu biệt kích cách đây hai năm, cướp đi mạng sống của 166 người. Dư âm của nó tới nay vẫn còn đó và là lý do khiến một số nước đã tổ chức những cuộc diễn tập “chống khủng bố kiểu Mumbai”. Và cũng dễ hiểu lý do để bảo vệ an ninh cho ông Obama, khoảng 5.000 nhân viên an ninh, trong đó có mật vụ Mỹ, đã được triển khai quanh Mumbai.  Tại các điểm Tổng thống Mỹ dự kiến tới thăm, các cuộc diễn tập an ninh, chống khủng bố đều được thực thi nghiêm ngặt.

Trong hoàn cảnh khó khăn sau cú đòn mà các cử tri “vỡ mộng” giáng vào đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 2/11 càng gia tăng sức ép về tạo việc làm lên Tổng thống Obama, có thể thấy rõ sức nặng của mục đích chuyến thăm được được đặt ra là nhằm củng cố và tăng cường sự cam kết của Mỹ với châu Á. Ông Obama cũng được cho là hy vọng chuyến thăm sẽ mang lại các thỏa thuận thương mại  (ưu tiên hàng đầu) giúp thúc đẩy nền kinh tế  Mỹ và tăng cường uy tín trên trường quốc tế, nhằm cải thiện các triển vọng tái đắc cử năm 2012.

Và việc ông Obama dành thời gian lưu lại Ấn Độ dài nhất (ba ngày rưỡi) với nhiều kế hoạch hợp tác quy mô lớn, cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Ấn, mà theo giới phân tích, là trọng tâm của Mỹ. Khai thác tiềm năng thương mại với Ấn Độ rõ ràng là vấn đề mà ông Obama quan tâm. Mặc dù quy mô của kinh tế Ấn Độ rất lớn, song quốc gia Nam Á này hiện chỉ là đối tác thương mại thứ 14 của Mỹ.

 

Còn với Việt Nam, trong chuyến thăm cuối tháng 10 vừa qua, bà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết: khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, một trong những ưu tiên cao nhất của chính phủ Mỹ là tái khẳng định cam kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà cũng nhấn mạnh: Mỹ cam kết mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam, một đối tác ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ hơn của Mỹ với một khu vực đang nổi lên. Tổng thống Obama mong đợi được tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) vào năm sau tại Indonesia – bà Clinton lưu ý.

 

Dấu ấn Việt Nam, hy vọng rằng ông Obama sẽ ghi trong tương lai gần.

 

Kiều Anh