Phú Yên

Di tích thắng cảnh cấp quốc gia Đầm Ô Loan bị lấn chiếm tràn lan!

(Dân trí) - Đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1996. Thời gian qua, do công tác quản lý chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra nên việc lấn chiếm di tích thắng cảnh này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Theo UBND huyện Tuy An, đầm Ô Loan có diện tích khoảng 1.570ha. Từ năm 1995, nghề nuôi tôm phát triển mạnh ở đầm này, đến thời điểm năm 1998 ở khu vực đầm Ô Loan có gần 390ha nuôi tôm nhưng chỉ có 65,7ha mặt nước được cấp quyền sử dụng.

Sau đó, do công tác quản lý chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra nên việc lấn chiếm di tích thắng cảnh đầm Ô Loan ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp lấn chiếm mặt nước đầm để nuôi trồng thủy sản trái phép.

Do buông lỏng, thiếu quản lý nên Di tích thắng cảnh cấp quốc gia Đầm Ô Loan bị lấn chiếm tràn lan
Do buông lỏng, thiếu quản lý nên Di tích thắng cảnh cấp quốc gia Đầm Ô Loan bị lấn chiếm tràn lan

Đến nay có 221 trường hợp lấn chiếm đất ven đầm Ô Loan để xây nhà ở và công trình trái phép với diện tích gần 28.500m2. Đối với việc lấn chiếm đất ven đầm để xây lán trại nuôi tôm có 198 trường hợp với diện tích gần 9.000m2.

Theo người dân địa phương phản ánh, chỉ sau một đêm, nhiều hồ nuôi thủy sản rộng hàng nghìn mét vuông đã lấn chiếm hoàn thành. Nghĩa là, cọc nhọn và lưới mùng đã chuẩn bị trước, chỉ cần đóng cọc và kéo lưới mùng bao quanh là hoàn thành xong một hồ nuôi thủy sản. Nếu chính quyền địa phương không phát hiện thì những bờ lưới và cọc sẽ được thay thế bằng bờ đá, bờ đất kiên cố.

Ông Huỳnh Văn Cư, người nuôi tôm ở đầm Ô Loan thuộc địa bàn xã An Cư, cho biết: Từ khi khởi công tuyến đường giao thông An Cư - An Hiệp - An Hòa đến nay, nhiều người dân đã lấn chiếm đầm Ô Loan để nuôi thủy sản, hiện phần lớn mặt nước đầm đã lấn chiếm hết. Chính quyền địa phương có triển khai xử lý các hộ lấn chiếm, nhưng không hiểu có chủ trương gì mà gần đây UBND xã An Cư lại phân chia và cấp quyền khai thác, sử dụng mặt nước đầm Ô Loan cho một số hộ dân. Các hộ này dùng cọc đóng dày đặc để nuôi vẹm, hàu, thậm chí có hộ dùng lưới mùng bao quanh làm cho nước trong đầm không lưu thông được…

Nhiều hộ chuẩn bị sẵn cọc tre, vải mùng tối đến là ra lấn chiếm khoang vùng để nuôi hải sản
Nhiều hộ chuẩn bị sẵn cọc tre, vải mùng tối đến là ra lấn chiếm khoang vùng để nuôi hải sản

Không chỉ lấn chiếm đầm Ô Loan để nuôi trồng thủy sản mà việc lấn chiếm để xây nhà trái phép càng phức tạp hơn và diễn ra một thời gian dài.

Trả lời về vấn đề lấn chiếm phức tạp tại đầm Ô Loan, ông Tiếu Văn Cừ, chủ tịch UBND xã An Cư, cho biết: Năm 2002, huyện và xã đã có kế hoạch giải tỏa số diện tích lấn chiếm, nhưng khi triển khai thì người dân tụ tập đông người và kéo đến UBND xã, sợ xảy ra điểm nóng nên huyện dừng việc giải tỏa.

Từ đó đến nay, người dân thấy thế nên lấn tới, người này lấn chiếm được thì người khác cũng làm theo nên tình hình quản lý đất đai ở địa phương gặp nhiều khó khăn.

Các trường hợp vi phạm nêu trên, UBND xã đều lập biên bản nhưng không thể ra quyết định xử phạt vì vi phạm đất di tích thắng cảnh cấp quốc gia nên mức phạt quá cao, thuộc thẩm quyền cấp trên. Đối với mặt nước đầm Ô Loan, vì người dân lâu nay sống chủ yếu dựa vào nuôi trồng và đánh bắt nên xã đã có chủ trương giao mặt nước cho dân và chỉ trong phạm vi 100m tính từ bờ trở ra, ngoài phạm vi này xã kiên quyết xử lý…

Cũng theo ông Cừ, hiện tại tên địa bàn xã hiện có 243 hồ nuôi thủy sản với diện tích khoảng 992.570m2 không có quyết định giao đất, nhưng địa phương chưa năm rõ trong số này có bao nhiêu cán bộ, đảng viên vi phạm…

Trong thời gian đến đối với nhà ở nằm trong diện tích thuộc khu vực 1 đầm Ô Loan thì buộc phải tháo dỡ
Trong thời gian đến đối với nhà ở nằm trong diện tích thuộc khu vực 1 đầm Ô Loan thì buộc phải tháo dỡ

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An thừa nhận: Công tác quản lý, bảo vệ di tích thắng cảnh cấp quốc gia đầm Ô Loan của chính quyền các xã ven đầm và cơ quan chủ quản thuộc Sở VH-TT-DL hầu như buông lỏng. Các ngành chức năng không thường xuyên kiểm tra, xử lý nên tình hình vi phạm không những không giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đến nay, số diện tích lấn chiếm nuôi trồng thủy sản tăng hơn so với năm 2002 là khoảng 43ha. Khó khăn nhất hiện nay đối với các trường hợp lấn chiếm này là khung xử phạt rất cao, cao hơn 30 triệu đồng (thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh) nên UBND xã và huyện gặp khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả để tháo dỡ công trình.

Theo ông Thanh hướng xử lý trong thời gian đến là: Đối với công trình xây dựng nhà ở trái phép nằm trong diện tích thuộc khu vực 1 đầm Ô Loan thì buộc phải tháo dỡ. Riêng các khu vực thuộc thôn Tân Hòa (xã An Hòa), xóm Bến (xã An Hiệp), xóm Chuối, xóm Chiếu, xóm Đá (xã An Cư) có số hộ vi phạm nhiều, các hộ dân ở từ trước năm 1996, nếu di dời sẽ gây thiệt hại lớn nên đề nghị tỉnh xem xét cho phép tồn tại.

Đối với số diện tích hồ nuôi tôm đã có quyết định giao đất của UBND huyện nhưng đến nay đã hết thời hạn, UBND huyện Tuy An thống nhất không tiếp tục gia hạn. Việc tồn tại các khu vực nuôi trồng thủy sản trong đầm Ô Loan sẽ thực hiện và xử lý theo quy hoạch của tỉnh.

UBND huyện Tuy An đề nghị Sở VH-TT-DL sớm tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản giao mốc khu vực 1 đất di tích thắng cảnh đầm Ô Loan cho các địa phương để quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm.

Trung Thi