Để sớm có đường trên cao tại Hà Nội

Đầu năm Canh Dần đã dồn dập các đề xuất về giao thông Hà Nội: kế hoạch lập 6 tuyến đường trên cao , tổ chức làn đường và hạn chế xe ô tô cá nhân…

Dưới đây là ý kiến tôi muốn tham gia thảo luận về vấn đề này:

Không thể vận hành không gian 5 chiều bằng lối tư duy 2 chiều

Ngày 14/1/2010, Sở Giao thông Vận tải HN đề xuất với TP dự kiến xây dựng đường trên cao. Hơn một tháng sau (ngày 26/2 ) đã có phương án cụ thể 6 tuyến, 34 km dự kiến gần 1.000 tỷ đồng /1km.

So sánh với bản minh hoạ giao thông nội đô (GTNĐ) - QH chung Hà Nội, ta thấy tuyến 1và 2 trùng với QH đường trên cao vành đai 2  nhưng lại bị ngắt rời – Đúng ra nó nối liền mạch với nhau và kéo dài để nối luôn với vành đai 3 . Tuyến 3 trùng QH đường trên cao vành đai 3 dù chưa cấp bách nhưng dễ làm. Tuyến mới toanh là số 4 và 6 - Trong QH chỉ là đường trục chính đô thị. Tuyến 5 vốn đã  rộng lại có QH  tuyến đường sắt… Rất có thể ý tưởng này là ngẫu hứng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bản QH-GTNĐ nhấn mạnh đường trên cao chủ yếu dành cho xe buýt nhanh (RBT ) đây là kết quả nghiên cứu của nhiều tư vấn quốc tế uy tín.Kế hoạch chọn 6 tuyến đường  trên cao chưa cho biết trên cơ sở  tính toán khảo sát nào.

Để sớm có đường trên cao tại Hà Nội - 1

 1-   Giao thông nội đô (GTNĐ) trong tài  liệu  báo  cáo  QH chung Hà Nội  lần 3 (ảnh nhỏ). 2-  Đề xuất 6 tuyến trên cao của sở GTVT và phương án nối liền tuyến đê với vành đai 2.
 
Tất cả các đô thị lập QH-GTNĐ hiện nay đều có sự trợ giúp các phần mềm tính toán xuất xứ từ Âu-Mỹ. Không chỉ thiết kế rồi diễn họa bằng phim mô phỏng 3 chiều (3D) giờ đây đã thành 5D vì thêm 2 khả năng : phân tích theo thời gian làm thay đổi mật độ, công suất sử dụng và quan hệ tương tác với môi trường, cảnh quan, xung đột giữa các phương tiện và các luồng tuyến khác nhau. Tại Olempic Bắc Kinh 2008, các phần mềm này hỗ trợ tạo lập tuyến giao thông huyết mạch nối sân bay quốc tế với trung tâm  tổ chức Thế vận.

Sân vận động "Tổ chim" Bắc Kinh cũng vậy, khung thép khổng lồ bao bọc không thể tính theo mô hình kết cấu xây dựng mà phải sử dụng giải pháp tính toán tổ hợp không gian dùng để thiết kế máy bay . Đây cũng là một minh chứng nữa về khả năng lập trình 5D- nhờ đó mà hàng chục quốc gia phối hợp nhịp nhàng để cùng chế tạo, bàn giao Airbus A 380 theo lộ trình chuẩn xác .

Thế kỷ 21,cả nhân loại đang liên hệ chặt chẽ với nhau bởi những công cụ tương thích để tiến hoá . Hà Nội cũng chẳng thể làm ra hệ thống GTNĐ hiện đại trị giá hàng tỷ USD bằng cảm tính , hoặc loay hoay bàn luận nên chặn ngã tư hay bật tắt đèn tín hiệu – tương ứng với tư duy  2 chiều ( gọi tắt là2D).

Ngay hôm nay, tại Hà Nội đã có doanh nghiệp tin học  hợp tác với tập đoàn CNTT của Pháp phát triển giải pháp 5D phục vụ các dự án đô thị lớn ở Châu Á.

Chiếm đường dừng đỗ xe : lỗi tại taxi hay TP không quy hoạch bãi đỗ?

Một phát hiện mới của HN về nguyên nhân tắc đường do hơn 1vạn xe tắc xi dừng đỗ đón khách tùy tiện, chiếm đường. Hà Nội có 30 vạn xe ô tô các loại trên 600km đường, xe nào cũng chiếm đường đi và đường đỗ. So sánh xe taxi với xe riêng thì thấy ngay cái nào công xuất chuyên chở người km lớn hơn? Không phải tự dưng mà các  TP lớn  đều khuyến khích xe chở hơn 2 người?
 
Để sớm có đường trên cao tại Hà Nội - 2

3-  Đường cao tốc ven sông Hàn (nơi trước kia là đê đất) nối trung tâm Seoul ra bên ngoài (ảnh tr). 4 -G ra cao tầng tự động hoá của IMPAC (VN) đã lắp dựng tại Hà Nội , TPHCM


Không cần phần mềm 5 D cũng có ngay câu trả lời : Hà Nội có đủ 30 vạn chỗ đỗ xe ô tô. Nếu ưu tiên làm đường trên cao toàn tuyến đê sông Hồng và vành đai 2 . Đê sẽ đảm đương 3 chức năng: bảo vệ TP không bị lũ lớn đe dọa, giao thông vành đai tầng cao , giao thông tĩnh và dịch vụ tầng dưới.

Không ai dám nói là lũ lụt không đe dọa HN , ngay cả khi ở thượng nguồn ,các hồ đập trữ nước ngày một nhiều - nguy cơ khô hạn hạ lưu ngày một trầm trọng. Đê qua HN cần gia cường tốt hơn, nhưng không đắp đất trồng cỏ mà cần bê tông hóa. Trước đây , chuyện này là không tưởng nhưng với giá trị không gian đô thị tăng , chi phí bê tông hóa đê hiệu quả kinh tế rõ ràng.  Dài 40Km ,mặt cắt trung bình 50m, HN có 2 triệu m2 gara, đây mới tính 1 sàn , tại vị trí cao trình đê 5-7 m làm nhiều sàn , đủ chứa vài triệu ô tô - xe máy toàn TP trong tương lai .

Có nhiều lối đi từ trong phố ra ngoài bãi sông , đưa không gian cảnh quan sông Hồng vào lòng TP. Bê tông hóa đê thuận cho việc lắp dựng các cổng kim loại đóng khi mùa lũ , mở thông thương khi mùa cạn trở nên an toàn, gọn nhẹ và dễ dàng. Trước khi bê tông hóa đê, TP làm mới con đường bên mép sông : vừa tạo lối thoát khi đào bới đê vừa làm kè chống sụt lở lại chấm dứt  lấn chiếm bờ sông - Thật là nhất cử tam tiện.
 
Để sớm có đường trên cao tại Hà Nội - 3

5 -  Đề xuất của GS Kelly Shanon - ĐH KU LeuVen ( Bỉ) về Sông hồ và đô thị HN: giải pháp khai thác tổng thể phối hợp không gian công cộng với hệ thống đê  sông Hồng. 6 -  Xe buýt nhanh - RBT, minh hoạ GTNĐ trong báo cáo QH chung Hà Nội lần 3.

Để hạn chế xe vào trung tâm TP gây tắc nghẽn thì phải có chỗ đỗ xe .Chỗ đỗ tốt nhất là ở vành đai - Mái đê là đường vành đai, các thiết bị nâng hạ ô tô trong gara cao tầng, tiết kiệm đường dẫn đang phổ biến, giá thành ngày càng rẻ.

Từ đường vành đai đi vào TP dùng toàn xe điện 2 toa, 1 toa hay taxi điện , xich lô điện hay xe đạp cho thuê (giống hệ thống velo ở Paris). Các đại gia muốn đi xe vào TP , xin mời, miễn là trả nhiều tiền cho TP tái đầu tư GTCC, họ là khách hàng đáng quý sử dụng mặt đường đắt đỏ trung tâm TP, xe riêng hay taxi thì tùy.

                                   

 Trần Huy Ánh

 

LTS Dân trí - Bài viết trên nêu lên ý tưởng cơ bản, lâu dài cho việc giải quyết tình trạng giao thông nan giải của thủ đô chúng ta. Đề xuất này phù hợp với xu thế phát triển thủ đô theo hướng hiện đại hóa và dựa trên cơ sở vận dụng kinh nghiệm có tính phổ biến của thế giới.

Đề xuất trên đây cần được xem xét và cân nhắc nhiều mặt cùng với nhiều ý kiến đóng góp khác để cuối cùng thủ đô chúng ta có được quy họach tổng thể cũng như bản thiết kế hệ thống giao thông có đầy đủ cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn, có tính hiện thực và đáp ứng được yêu cầu phát triển của thủ đô xứng với tầm vóc thời hiện đại.