Hà Nội:

Đề nghị làm rõ khiếu nại của người dân trước nguy cơ mất nhà sau vụ kê biên thi hành án

(Dân trí) - Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của bà Lê Thị Hồng Huyến (số 87 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội) phản ánh về việc Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội kê biên, bán đấu giá đối với nhà đất tại 87 Hoàng Hoa Thám có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 Theo nội dung Đơn kêu cứu thì bố mẹ bà Huyến là cụ Lê Bá Diệp và cụ Nguyễn Thị Bách có 7 người con gồm: bà Lê Thị Hồng Huyến, bà Lê Thị Cầm, ông Lê Thế Kỳ (Sinh năm: 1949, hi sinh năm 1971); bà Lê Thị Hiền; ông Lê Bá Khôi (vợ là bà Bùi Minh Hằng), ông Lê Bá Trọng và ông Lê Bá Tuân.

Năm 1967, cụ Diệp mất và năm 1994, cụ Bách cũng qua đời, không để lại di chúc cho các con. Sinh thời, hai cụ có tạo lập được tài sản là nhà đất tại số 87 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Sau khi hai cụ mất thì bà Huyến và vợ chồng ông Khôi là những người quản lý, sử dụng căn nhà trên.

Đề nghị làm rõ khiếu nại của người dân trước nguy cơ mất nhà sau vụ kê biên thi hành án - Ảnh 1.

Đề nghị làm rõ khiếu nại của người dân trước nguy cơ mất nhà sau vụ kê biên thi hành án - Ảnh 2.

Đơn kêu cứu bà Lê Thị Hồng Huyến gứi báo Dân trí.

Ngày 24/7/1995, bà Huyến và các anh chị em đã họp gia đình, lập biên bản thống nhất giao tài sản chung là toàn bộ ngôi nhà và đất tại số nhà 32a Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (nay là số 87 Hoàng Hoa Thám) cho vợ chồng ông Khôi quyền được sinh sống, quản lý, chăm sóc và đảm bảo duy trì thờ cúng tổ tiên, cha mẹ với các điều kiện đó là: Không được tự ý dịch chuyển; Không được tự ý mua bán trao đổi; Không được sang tên, chuyển nhượng khi không được sự đồng ý của tất cả các anh chị em còn lại. Bản thân bà Huyến do chưa lập gia đình nên vẫn chung sống cùng với anh trai trong căn nhà tại địa chỉ trên.

Năm 2004, vợ chồng ông Khôi chưa được sự đồng ý của các anh chị em còn lại trong gia đình nhưng đã làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho thửa đất tại địa chỉ trên. Ngày 12/11/2004, UBND quận Ba Đình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và đất ở số 10101212862 đứng tên vợ chồng ông Khôi.

Đề nghị làm rõ khiếu nại của người dân trước nguy cơ mất nhà sau vụ kê biên thi hành án - Ảnh 3.

Đề nghị làm rõ khiếu nại của người dân trước nguy cơ mất nhà sau vụ kê biên thi hành án - Ảnh 4.

Biên bản họp gia đình thống nhất về tài sản nhà đất của 6 đồng thừa kế.

Sau khi được cấp GCNQSDĐ, năm 2007, vợ chồng ông Khôi đã mang đi thế chấp bảo lãnh cho bà Đỗ Thị Liên - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dược phẩm Nhật Tân vay tiền tại các ngân hàng. Tính đến ngày 02/11/2007 số tiền mà vợ chồng ông Khôi đã bảo lãnh cho Công ty của bà Liên vay tiền tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam là 4.563.000.000 đồng.

Năm 2010, bà Liên đã bị bắt vì tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạn tài sản" và bị kết án tù chung thân. Vì vậy, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã khởi kiện ra tòa án để buộc Công ty Cổ phần thương mại dược phẩm Nhật Tân phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Theo phán quyết của Tòa án thì trường hợp Công ty Cổ phần thương mại dược phẩm Nhật Tân không thanh toán được những khoản nợ trên và những người bảo lãnh (trong đó có vợ chồng ông Khôi) không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo Hợp đồng đã ký kết thì Ngân hàng có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án kê biên tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Ngày 03/10/2011 Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội đã có Quyết định thi hành án số 16/QĐ.CTHA. Theo đó, cơ quan thi hành án đã tiến hành kê biên xử lý đối với nhà đất tại số 87 Hoàng Hoa Thám để bán đấu giá nhà đất nêu trên.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: Qua những thông tin và hồ sơ mà bà Huyến cung cấp cho thấy trong quá trình thi hành án và bán đấu giá tài sản đã có dấu hiệu sai phạm của cả cơ quan thi hành án và tổ chức bán đấu giá tài sản. Cụ thể:

Thứ nhất, cần phải xem xét lại về việc cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Khôi của UBND quận Ba Đình: Theo quy định tại Bộ luật dân sự 1995, Bộ luật dân sự 2005, khi một người mất đi không để lại di chúc định đoạt tài sản thì tài sản sẽ được chia theo pháp luật. Ở đây, bố mẹ bà Huyến chết mà không để lại di chúc. Vì vậy, phần tài sản của bố mẹ bà Huyến để lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật cho tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Ở đây, cụ Diệp mất năm 1967 còn cụ Bách mất năm 1994 không để lại di chúc đồng thời cho tới thời điểm này, tất cả các thành viên trong gia đình đều đồng ý nhà đất tại số 87 Hoàng Hoa Thám là tài sản do bố mẹ để lại, không có tranh chấp về hàng thừa kế. Do đó, phần di sản sẽ thuộc đồng sở hữu của 7 người con (phần của anh Lê Thế Kỳ được hưởng từ mẹ bà Huyến sẽ do các con anh được hưởng theo thừa kế thế vị).

Đề nghị làm rõ khiếu nại của người dân trước nguy cơ mất nhà sau vụ kê biên thi hành án - Ảnh 5.

Đề nghị làm rõ khiếu nại của người dân trước nguy cơ mất nhà sau vụ kê biên thi hành án - Ảnh 6.

Bản án của TAND Tối cao tuyên về khoản nợ giữa Công ty Cổ phần Thương mại dược phẩm Nhật Tân và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam với nhà đất 87 Hoàng Hoa Thám là tài sản đảm bảo.

Trong biên bản họp gia đình ngày 24/7/1995, các anh chị em trong gia đình đã họp thống nhất giao di sản chung là nhà ở và đất tại 87 Hoàng Hoa Thám cho vợ chồng ông Khôi quản lý, sử dụng. Như vậy, nhà đất trên vẫn là thuộc đồng sở hữu của 7 anh chị em, vợ chồng ông Khôi chỉ có quyền quản lý, sử dụng chứ không thể định đoạt tài sản này.

Như vậy, rõ ràng, việc UBND quận Ba Đình cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Khôi là hành vi vi phạm pháp luật khi mà cơ quan này không xác minh rõ các chủ sở hữu hợp pháp của nhà đất nói trên. Chính vì điều này sẽ kéo theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Khôi và Chi nhánh ngân hàng ngoại thương Ba Đình không hợp lệ.

Thứ hai, việc Cục THADS TP Hà Nội kê biên, xử lý tài sản là nhà đất trên mà không xác minh rõ nguồn gốc tài sản là không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, cụ thể:

Căn cứ theo quy định tại Luật thi hành án dân sự năm 2008 (Luật THADS) thì xác minh tài sản, điều kiện thi hành án là một thủ tục rất quan trọng, không thể thiếu trong quá trình tổ chức thi hành án. Việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án là cơ sở pháp lý để Chấp hành viên đề ra biện pháp thi hành án phù hợp đối với từng vụ việc.

Tại khoản 4 Điều 20 Luật THADS quy định chấp hành viên có nhiệm vụ, quyền hạn đó là: "4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.".

Đối với nhà đất tại số 87 Hoàng Hoa Thám, bà Huyến vẫn ở đây cùng với vợ chồng ông Khôi từ nhiều năm nay đồng thời sau khi có bản án, bà Huyến cũng đã gửi đơn từ tới nhiều cơ quan đề nghị xác định lại quyền sở hữu đối với nhà đất trên. Tuy nhiên, Cục THADS TP Hà Nội vẫn kê biên, bán đấu giá nhà đất trên cho thấy rằng chấp hành viên Cục THADS TP Hà Nội chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, không xác minh rõ ràng về tài sản dẫn tới việc kê biên, xử lý tài sản trái với quy định của pháp luật.

Tại Điều 75 Luật THADS cũng quy định trong quá trình thì hành án mà có tranh chấp tài sản thi hành án thì chấp hành viên có trách nhiệm hướng dẫn các đương sự có tranh chấp khởi kiện tại toàn án và khi đó, việc thi hành án có thể bị tạm dừng để chờ kết quả giải quyết từ tòa án.

Nhà và đất là tài sản chung của 7 anh chị em bà Huyến, tài sản này chưa được phân chia rõ ràng từng phần quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, khi thi hành án, cơ quan thi hành án không thực hiện việc thông báo cho những người đồng sở hữu về quyền khởi kiện tại tòa án mà vẫn tiếp tục thi hành án là trái với các quy định pháp luật, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huyến và những người đồng sở hữu còn lại.

Thứ ba, việc cơ quan thi hành án, tổ chức bán đấu giá tài sản không kiểm tra tính hợp pháp của các thông tin về nguồn gốc tài sản mà vẫn tiến hành việc bán đấu giá là vi phạm quy định của pháp luật, gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huyến và các đồng sở hữu còn lại bởi:

Để tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện việc bán đấu giá tài sản thì người có tài sản bán đấu giá phải ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản thì:

"Điều 26. Ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản

3. Tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của các thông tin về nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu, quyền sử dụng của tài sản do người có tài sản bán đấu giá cung cấp.".

Như vậy, cùng với cơ quan thi hành án thì tổ chức bán đấu giá tài sản đã ký hợp đồng với cơ quan thi hành án cũng có trách nhiệm xác minh rõ tài sản bán đấu giá. Cụ thể tổ chức bán đấu giá phải có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của các thông tin về nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu tài sản. Rõ ràng, tổ chức bán đấu giá tài sản cũng đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, không kiểm tra, xác minh trên thực tế về nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu tài sản nên mới dẫn tới việc bà Huyến đang sinh sống trong căn nhà, có quyền lợi ích hợp pháp đối với nhà đất là tài sản bán đấu giá nhưng cơ quan bán đấu giá vẫn tiến hành bán đấu giá là đi ngược lại các quy định pháp luật.

Báo Điện tử Dân trí đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xem xét, rà soát lại toàn bộ vụ việc, làm rõ việc có hay không sai phạm của chấp hành viên, xác định rõ và có kết luận cụ thể về việc giải quyết quyền - lợi ích hợp pháp của người dân trong quá trình thi hành án, đồng thời đảm bảo việc thi hành án được thực thi theo đúng quy định của pháp luật.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế