Dạy và cấp bằng chữ “Tâm”, tại sao không?

Chữ “Tâm” là chữ của muôn đời, nó gắn liền với lịch sử phát triển của con người - nhất là con người của các nền văn hoá phương Đông như dân tộc Việt Nam ta.

Hơn 300 năm trước, đại thi hào Nguyễn Du, bằng sự chiêm nghiệm cuộc sống của một thiên tài dân tộc, đã đúc kết một luật đời: “ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài ”.

 

Muốn có chữ “Tài” không thể không học. Muốn học thì phải có trường. Trong thời hội nhập ngày nay, không nói để trở thành GS, TS, mà muốn trở thành một doanh nhân tài năng ư - ai dám nói rằng mình không cần học? Có bằng trường Đại học Ha-vớt (Hoa Kỳ) chả càng được trọng vọng đó sao? Cho nên các trường ĐH đa ngành trong nước đang đua nhau mọc lên, âu cũng là lẽ thường tình của qui luật cung-cầu vậy thôi.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Sự phát triển ngoạn mục của đất nước trong thập kỷ qua là thành quả của đường lối đúng, là kết quả phấn đấu của toàn dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người đã đạt được chữ “Tài” trong mọi lĩnh vực của xã hội, dù rằng vẫn còn những nhức nhối ngày một lộ rõ: đường càng to vấn nạn giao thông càng lớn, trường càng nhiều nhưng chất lượng và hiệu quả giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế v.v…

 

Trong những điều đáng quan tâm được các diễn đàn xã hội phản ánh, có một nhức nhối về chữ “Tâm”: cái “Tâm” của nhà quản lý, cái “Tâm” của doanh nhân, cái “Tâm” của người Thầy, cái “Tâm” của Bác sĩ, cái “Tâm” của người trông trẻ, cái “Tâm” của người trồng rau, cái “Tâm” của người bán thực phẩm v..v… Gần đây vang lên đòi hỏi chữ “Tâm” trong những qui định muốn làm cho đô thị Việt Nam văn minh lên và đặc biệt là cái “Tâm” của người trông trẻ.

 

Không hiểu sao chữ “Tâm” lại làm cho giấy mực tốn đến thế trong những ngày đáng phấn khởi này của cả một đất nước vừa chuyển mình cất cánh? Tôi cứ ngẫm nghĩ cái hay thật đơn giản trong câu nói của anh bạn làm nghề Y: khi bạn phải nghĩ về một bộ phận trong cơ thể mình như tim, phổi, gan… thì là bạn có vấn đề về nó rồi đấy! Mà đúng thật, trong những năm gian khổ, khi “tất cả cho tiền tuyến”, có ai bàn về chữ “Tâm” đâu (!), có trường học nào căng khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” đâu (!). Phải chăng người ta đã nhanh chóng hiểu ra rằng “cơ chế thị trường” là cơ chế gắn liền với đồng tiền, “tiền trao cháo múc” cho nên chữ “Tâm” trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội?

 

Ở thời nay, “Có Tiền mua Tiên cũng được”, nhưng Tiên có “Tâm” không thì nào ai biết thực hư? Cho nên các bậc cha mẹ có lương tri thường khuyên bảo con cái phải học lấy chữ “Tâm” vì làm gì cũng cần đến chữ Tâm. Nhưng học chữ “Tâm” ở trường nào vậy? Có trường nào cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp chữ “Tâm” đâu? Thực sự trong văn bằng từ cổ đến kim chưa từng thấy ghi nội dung: “Tâm” đạt loại giỏi, “Tâm” đạt loại trung bình khá… hay bằng “đỏ” bao gồm cả tiêu chí xuất sắc về chữ “Tâm”(?).

 

Có lẽ sự khác nhau giữa chữ “Tài” và chữ “Tâm” ở đây chăng? 

 

Còn những nhận xét : Đạo đức tốt, Đạo đức trung bình… thì lại tràn lan trong học bạ, mà sao xa vời vợi, đến mức chả nói lên được điều gì trong thực tế cuộc sống với những cách hiểu khác nhau và làm vô hiệu việc giáo dục chữ “Đạo đức” hiện nay. Nhưng nếu là chữ “Tâm” được dạy thì có lẽ không rơi vào tình trạng như vậy chăng? Đấy là một ý tưởng đề xuất thật hay, nhưng điều cốt yếu là học ở đâu và làm sao có được “bằng chứng nhận” chữ Tâm đây? Thật là “cái khó bó cái khôn” vậy!

 

Không thể nói với con trẻ rằng: hãy học ở “trường đời” - đã ai dám nói rằng mình hiểu về “trường” ấy (?). Nhưng dân ta chả đã từng sửa lại câu tục ngữ “cái khó bó cái khôn” , theo phát hiện mới, trở thành “cái khó ló cái khôn” rồi cơ mà! Đúng, thực sự “cái khó ló cái khôn”: nếu ta đã có thể đưa vào ngay ở  trường phổ thông “Giáo dục giới tính”, mà chắc chắn đối với các cháu đến tuổi “cập kê” thì không thể không đề cập đến chữ “Tình” - khó còn hơn chữ “Tâm” - thì sao lại không thể đưa chữ “Tâm” vào dạy trong nhà trường được nhỉ  Hay lắm chứ, vì bản thân chữ “Tâm” đã rất đẹp - có thế người ta mới lồng nó vào khung kính hoành tráng mà treo trên tường chứ!

 

Hãy bắt đầu đi để “các vị” sau này không nói được rằng chữ “Tâm” không được dạy! Hơn nữa, một xã hội dân chủ thực sự - điều mà xã hội ta đang hướng tới - nơi mà mọi người dân, dù còn phải “chân lấm tay bùn”, đều có tiếng nói và được tôn trọng, chính là nơi cấp bằng cho chữ “Tâm” chính xác nhất.

 

Rất may, trong xã hội ta hiện nay, nối tiếp truyền thống của dân tộc ngàn năm văn hiến, không hiếm nội dung và cách thức để dạy (và cho tốt nghiệp) về chữ “Tâm” mà ai ai cũng dễ dàng thấy. Có chăng, đúng là ta có muốn tạo “cơ hội” hay không mà thôi!

 

Không bi quan như Nguyễn Du: “Có Tài mà cậy chi Tài”, vì Việt Nam đang kỳ vọng vươn ra biển lớn trong trào lưu hội nhập quốc tế, chữ “Tài” đang cần lắm thay! Thế nhưng, không thể không đồng ý và nhớ lời của thiên tài Nguyễn Du để lại: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài ”.

 

Xin hãy cho con cháu ta sớm được được giáo dục và đào tạo chữ “Tâm” từ trên ghế nhà trường và nhận “văn bằng tốt nghiêp” - sao lại không?

   

Hà Nội, 09/01/2008

Hoài Phương

 

LTS Dân trí - Chương trình và nội dung giáo dục trong nhà trừơng luôn nhằm đáp ứng những nhu cầu của thực tiễn cuôc sống. Vì vậy, nếu quả thật “chữ Tâm” là cái đang thiếu hụt trong giai đoạn quá độ của xã hội ta hôm nay, mà Cái Tâm lại ở “cấp bậc” quan trọng bằng những… ba Cái Tài như đại thi hào Nguyễn Du đã từng nhận định ở tầm khái quát cao, thì sao ta không cụ thể hóa những tiêu chí của Chữ Tâm để  đưa vào nội dung  giáo dục trong nhà trường?

 

Ý tưởng đề xuất của tác giả viết bài trên đây là điều đáng suy ngẫm không chỉ đối với ngành giáo dục mà cả xã hội ta: Chúng ta cần làm gì để xác lập chữ Tâm trong mỗi con người để khi làm bất cứ một điều gì hay công việc nào đều phải thể hiện đúng chữ Tâm trong sáng của mình. Nếu được như vậy thì chắc chắn hiệu quả công việc sẽ cao hơn nhiều, người với người đối xừ với nhau sẽ hữu hảo hơn, và xã hội sẽ tốt đẹp lên nhiều.

 

Và khi ấy Chữ Tâm vốn rất đẹp được lồng kính treo trang trọng trên tường phòng khách mỗi nhà sẽ có cơ hội “hóa thân” đi vào cuộc sống làm cho “cây đời mãi mãi xanh tươi”!