Bạn đọc viết:

“Đầu vào” ngành sư phạm đang suy giảm

Đến thời điểm này, các trường đại học đã công bố điểm chuẩn kì thi tuyển sinh vào đại học năm 2010. Nhìn chung, năm nay điểm lấy vào của tất cả các ngành dao động không nhiều. Riêng ngành sư phạm, điểm “đầu vào” tương đối thấp.

Cụ thể các trường đại học sư phạm tên tuổi như ĐHSP TP Hồ Chí Minh, ĐHSP Huế, ĐHSP Vinh, ĐHSP Đà Nẵng…có điểm đầu vào ở tất cả các ngành đều từ 19 điểm trở lại cho từng khối thi. Có những ngành, điểm đầu vào chỉ dao động từ 13 đến 16: ĐHSP Huế: SP Tin 13, SP Vật lí 15.5, SP Kĩ thuật công nghệ 13, SP Giáo dục mầm non 13.5;  ĐHSP Đà Nẵng: SP Giáo dục tiểu học 13, SP sinh 15; ĐH Qui Nhơn: SP tin 13, SP Giáo dục chính trị 14… Chỉ riêng trường ĐHSP Hà Nội, ngành SP Hóa có điểm cao nhất là 21,5; SP Địa 21, SP Toán 21; SP Ngữ văn 20; còn lại các ngành khác đều nằm ở tầm 15 đến 17.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

“Đầu vào” ngành sư phạm đang suy giảm - 1
Chỉ riêng ĐH Sư phạm Hà Nội là điểm đầu vào vẫn cao
Từ những năm chín mươi của thế kỉ trước, ngành sư phạm bắt đầu lấy lại vị trí của mình trong xã hội. Điểm đầu vào các trường sư phạm những năm 1998, 1999, 2000… tương đối cao so với các trường khác vì sinh viên sư phạm được cấp học bổng. Tâm lý xã hội cũng cũng có sự biến chuyển vì phát triển sự nghiệp giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, nghề giáo là nghề cao quý.

Tuy vậy, những năm gần đây, số lượng thí sinh nộp hồ sơ thi vào sư phạm cứ ít dần. Nhiều phụ huynh học sinh ngày nay không muốn con em mình thi vào sư phạm bởi đơn giản các ngành khác dễ tìm việc làm, lương cao, nhiều cơ hội thăng tiến, và chưa kể một số thuận lợi khác.

Về phía xã hội cũng tác động mạnh đến yếu tố chọn nghề sư phạm của tuổi trẻ hôm nay. Đó là chưa giải quyết được số đông sinh viên sư phạm ra trường, đặc biệt là những sinh viên khá, giỏi còn tồn đọng; việc tuyển chọn giáo viên còn nặng về các mối “quan hệ” quen biết hoặc chạy chọt đút lót, cho nên thiếu công bằng.

Có những trường hợp tốt nghiệp đại học tại chức, chuyên tu vẫn được phân công dạy cấp III, trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm lọai khá giỏi không có việc làm và không biết phải chờ đến bao giờ mới được tuyển dụng?

Đối với những giáo viên giỏi, chưa dược phát hiện, động viên kịp thời, cũng không có chế độ ưu đãi cần thiết, cho nên chưa khuyến khích giáo viên phấn đấu và tâm huyết với nghề. Ngoài ra, các yếu tố về lương bổng, đời sống khó khăn của giáo viên cũng tác động không nhỏ đến tâm lý học sinh không muốn chọn nghề sư phạm.

Có rất nhiều lí do làm cho tuổi trẻ ít chọn nghề giáo viên. Vì vậy, nhiều học sinh giỏi chọn nghề khác để lập nghiệp, lập thân là điều đương nhiên, đó cũng là quy luật của cuộc sống.

Điều được xã hội quan tâm nhiều hiện nay là phải có đội ngũ giáo viên giỏi. Nghề dạy học được xem là thầy của các nghề khác Nghề Làm thầy vừa đòi hỏi chuyên môn vững vàng, có phương pháp sư phạm, vừa đòi hỏi người thầy có tâm huyết, có lí tưởng nghề nghiệp. Thử hỏi, không có những người thầy như vậy thì làm sao có nhiều trò giỏi.

Nước ta đang chú trọng đầu tư nhiều mặt cho sự nghiệp phát triển giáo dục, được xem  là quốc sách hàng đầu - một yếu tố nền tảng nhằm xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Mọi sự phát triển đều lấy nhân tố con người làm gốc. Và yếu tố được xem là hạt nhân của giáo dục là những người thầy. Làm sao để có những người thầy giỏi để chăm lo cho sự nghiệp trồng người là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, quản lý đất nước cũng như tòan xã hội và mọi gia đình. Vậy điểm chuẩn đầu vào ở các trường sư phạm hiện đang  có chiều hướng suy giảm thì đấy có phải là một điều đáng báo động và quan tâm hay không?

Đào Tấn Trực

Trường THPT Lê Thành Phương Tuy An, Phú Yên

LTS Dân trí - Ông cha ta từ xưa đã nhấn mạnh yếu tố quyết định của Người Thầy trong giáo dục: “Không Thầy đố mày làm nên!” hay :”Thầy nào trò nấy”! Đấy là những chân lý vượt thời đại.

Muốn chấn hưng sự nghiệp giáo dục không có con đường nào khác là phải bắt đầu từ sự chấn hưng sự nghiệp đào tạo những Người Thầy. Công việc hệ trọng này không mang lại kết quả mong muốn nếu chỉ bằng lời hô hào suông mà phải bằng những chính sách đòn bẩy cần thiết để “chiêu hiền đãi sĩ” vào ngành sư phạm và tự giác gắn bó suốt đời với nghề cao quý này.

Xã hội ta hiện nay dường như mắc phải một “căn bệnh” nan giải là nói giỏi nhưng làm không giỏi, thậm chí không đúng hoặc trái với điều đã nói. Mong rằng chính sách đối với giáo sinh cũng như đối với Người Thầy nói chung không mắc phải “căn bệnh” tai hại đó!