Đầu phố hằng đêm

(Dân trí) - Góc phố nhỏ trên con đường hướng ra ngoại ô phảng phất hương cau toả ra từ một ngôi chùa cổ. Những ồn ã phố phường như sững lại.

Người đi khoan thai điềm tĩnh hơn. Không còn cái vẻ băm bổ, chen lấn sục sôi nội thành. Nhưng đó chỉ là vào ban đêm, khi những cửa hàng, cửa hiệu mặt phố vợi bớt ánh đèn.

Mấy giờ ở một thành phố sáu triệu dân thì được gọi là đêm? Không ai dám chắc. Thời gian ở thành phố hình như không được đo đếm bằng những công cụ thông thường. Có người đeo chiếc đồng hồ chết hai ba ngày mà vẫn chưa biết để lấy lại giờ. Một việc làm không cần thiết. Mọi sinh hoạt phố phường kéo người ta đi như một chiếc đồng hồ chung.

Buổi sáng ở quán phở quen, ngày nào cũng ngần ấy khuôn mặt. Muộn hơn chút nữa vẫn ngần ấy khuôn mặt lại vác về quán cà phê. Hàng quán cũng theo giờ của từng loại khách mà phục vụ. Người lao động và công chức không bao giờ có mặt ở hàng ăn, quán nước buổi sáng cùng lúc với đám văn nghệ sĩ lè phè râu ria, sực nức mùi áo quần. Những người có nếp sinh hoạt kênh kiệu thường tách biệt ra khỏi đám nhân quần bình dân đầy toan tính.

Đêm trên những con phố đoạn gần đến ngoại thành bắt đầu sớm hơn. Sau những rời rạc tiếng chổi của công nhân vệ sinh môi trường vừa mất hút cuối con đường, bụi chắc hẳn còn chưa kịp lắng, đã thấy những chiếc xe hàng bốn bánh đẩy tay thấp tè thập thò kéo ra từ những con ngõ nhỏ. Họ tập trung nơi đầu phố. Nơi có duy nhất một ngọn đèn cao áp vàng khè toả sáng. Ánh sáng bao trùm hết ngã tư vừa vặn chớm đến vỉa hè, không mảy may động chạm đến riêng tư những ngôi nhà mặt phố. Không mảy may tranh chấp với ngọn đèn đỏ quạch thâu đêm dưới mái tam quan ngôi chùa cổ gần đấy

Những người bán hàng dọn ra nào ấm chén, chai lo, điếu cày và những chiếc ghế nhựa xinh xinh, những bếp than tổ ong âm ỉ cháy hắt ánh lửa hồng ấm áp lên gương mặt những bà già lam lũ ngồi bán hàng. Khách của họ là cánh xe ôm lần lượt tụ tập về đây sau một ngày làm việc, người dăm ba chén rượu suông xua đi cái rét đầu đông. Người sang hơn có thể gọi thêm mấy đĩa trứng ngải cứu, một nắm xôi giò chả hoặc vài chiếc bánh khúc. Họ vừa ăn vừa uống, vừa cắm cúi bên trò chơi "chùa lúa" đen đỏ bằng đồng xu năm nghìn, thắng thua chẳng đáng là bao, nhưng vui và hồi hộp hi vọng thì tràn đầy...

Ở góc đường tối tăm nhất trước cửa chùa, một người chữa xe co ro nhẫn nại ngồi cạnh chiếc bơm mới sơn đỏ chót. Hình như anh ta phải riêng mình một cõi? Đám xe ôm khề khà bảo nhau, cái mặt thằng ấy trông rất "rải đinh"! Lại bảo, không rải đinh thì đêm tối thế này làm gì có ai mang xe ra vá săm? Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng ác cảm của đám xe ôm dành cho anh ta thì đã rõ.

Đầu phố đêm đêm không có mùi hoa sữa nồng nàn, là thứ chỉ có trong khu phố cũ, cũng không có phấn son lượn lờ là thứ chỉ có ở nơi vườn hoa công viên phố cũ. Chợt ai cũng nhớ đến nao lòng. Vài mươi năm trước những khu phố cũ cũng như vậy. Cũng những gương mặt vài bác xích lô nghỉ đêm uống rượu bên những hàng nước tù mù ánh đèn dầu. Cũng những hàng quán nghèo nàn câm lặng bên những người đàn bà ngồi bán hàng như hoá đá ở các ngã tư đường phố. Chợt thấy những hình ảnh tương đồng của con người mưu sinh nơi phố thị theo thời gian cũng như xoay vòng lan toả, kéo người ta theo một cách thật tình cờ chậm rãi. Nằm bên ngoài tốc độ đổi thay, bộ mặt đô thị cứ như luôn muốn chứng tỏ mình đang ở phía trước.

Chẳng biết vài mươi năm nữa có còn gặp những con người như vậy? Ở đâu...?

11/2008
Hòa Phong