Bạn đọc viết:

Danh hiệu và chính hiệu

Danh hiệu chỉ tồn tại, có giá trị ngoài sự thừa nhận của cộng đồng, xã hội, nó còn phải có tác dụng giáo dục, thuyết phục, tạo động lực cho mọi người và tập thể học tập và làm theo.

Năm 1989, nhân dân thôn Tráng Liệt xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh xây dựng thành công mô hình Làng văn hoá. Kể từ đó đến nay trải qua hơn 20 năm xây dựng "Làng văn hoá" thành phong trào sâu rộng khắp cả nước.

Làng văn hoá trở thành động lực thúc đẩy và phát triển là nền tảng tinh thần ở cơ sở, nhân cách văn hoá xã hội! Theo thống kê của Cục văn hoá thông tin cơ sở thuộc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, đến nay cả nước có 38.443/88.603 làng, thôn, bản chiếm 43,4% làng trong cả nước, được công nhận là làng văn hoá.

Trong 38.443 làng văn hoá lại chỉ có 4.533 làng văn hoá tiêu biểu được công nhận ở 3 cấp: Huyện, tỉnh và Trung ương, chiếm 11,8% trong tổng số làng văn hoá được công nhận. Nếu tính bình quân cứ 4 làng văn hoá "phong trào" có 1 làng văn hoá "tinh hoa".
Danh hiệu và chính hiệu  - 1
Rước bằng văn hóa về làng

Dù rằng không nói ra nhưng số liệu trên chứng minh cho ta thấy cái chất văn hoá "chính hiệu" ở gần 89% số làng văn hoá vẫn còn là số "ép" (có danh không có hiệu). Làng văn hoá danh hiệu cao quý, đáng được nâng niu, trân trọng, thế nhưng hiện nay không ít làng văn hoá ở miền xuôi, đồng bằng, thị thành... các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút vẫn còn.

Ở miền núi nhiều làng văn hoá tỷ lệ hộ nghèo đói còn rất cao, các hủ tục, tập quán lạc hậu như ma chay, cưới hỏi rườm rà chưa được chấm dứt, thậm chí ngày càng rình rang hơn.

Danh hiệu chỉ tồn tại, có giá trị ngoài sự thừa nhận của cộng đồng, xã hội, nó còn phải có tác dụng giáo dục, thuyết phục, tạo động lực cho mọi người và tập thể học tập và làm theo. Còn nếu làm ngược lại, ngoài phản giáo dục, chạy theo thành tích, làm đà cho kẻ háo danh tiến thân, thì lại là là "Thiếu văn hoá"!

Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Bác Hồ chưa nhận một danh hiệu nào vì tự Bác thấy miền Nam chưa được giải phóng, nước nhà chưa thống nhất, nhân dân còn khó khăn, đói khổ, Bác chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Đất nước đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, đòi hỏi cao tính rõ ràng, chính xác, công khai, minh bạch. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ cho dân thấy những cái cần phải làm, những điều cần phải sửa.

Và để phong trào phát triển đi lên, có thực chất, thì điều cần sửa trước tiên là bệnh thành tích, bệnh phong trào, hữu danh vô thực, thì đất nước mới phát triển đi lên bền vững.

Phùng Văn Mùi