Tiêu điểm:

Dám nói lời trung thực

(Dân trí) - Nguyễn Minh Thắng, học sinh lớp 9B1, Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM viết một bức thư gửi cho thầy Hoàng Đức Huy, giáo viên dạy văn của lớp. Học trò viết thư cho thầy giáo là chuyện bình thường, nhưng đây là lá thư không bình thường như những lá thư khác.

Em Thắng đã dám nói về thầy giáo mình bằng sự trung thực theo cảm xúc và suy nghĩ của mình. Sự trung thực là của hiếm thời nay.

Trước tiên là em xưng “tôi” một cách tự tin (tại đại hội sinh viên VN vừa qua, nhiều đại biểu lên phát biểu vẫn xưng cháu với các vị lãnh đạo). Em nói về giờ học văn đầu tiên với thầy, và em thất vọng như thế nào. Em thất vọng vì :”Thầy dành hơn một tiết để nói về thầy hay ít nhất là những gì liên quan đến thầy. Nào là những cuốn sách thầy viết hay những học trò thành đạt từng qua tay thầy. Dù những điều này làm giảm khoảng cách giữa thầy và trò, hay cũng làm giảm sự kính trọng của tôi đối với thầy”. Cuối thư em Thắng viết: “Thầy giỏi thật đấy. Thầy hiểu học sinh thật đấy. Nhưng tôi vẫn có chút gì đó ác cảm với thầy. Tôi không thích cách thầy khoe khoang về mình. Tất nhiên là tôi không có quyền phán xét thầy, nhưng tôi chỉ nói lên sự thật là: nếu khiêm tốn hơn thì thầy sẽ là một người thầy hoàn hảo trong mắt mọi học sinh”.

Một học sinh dám nói lên một cách trung thực suy nghĩ của mình, mặc dù lời nói đó là phê bình người thầy giáo trực tiếp dạy mình. Nếu gặp người lòng dạ hẹp hòi, em có thể gặp bất lợi. Nhưng em đã không sợ hãi, em còn nói rằng “em chỉ nói lên sự thật”. Thầy giáo Hoàng Đức Huy là người nổi tiếng trong giới dạy văn tại TP. HCM, là thần tượng của nhiều thế hệ học trò, nhưng em Thắng không bị cuốn theo nhận thức thần tượng số đông đó, em quan sát và không phục, mặc dù người khác đã khoác lên thần tượng nhiều chiếc áo rất đẹp.

Một học sinh lớp 9 đã có bản lĩnh như vậy là điều rất đáng mừng. Bởi vì còn có quá nhiều người không bao giờ dám nói lên một cách trung thực suy nghĩ của mình, nhất là khi nói về những người cao hơn mình, những người là thần tượng của đám đông. Nhiều người không dám phê bình một điều không đúng của ai đó hay của một tổ chức nào đó, vì sợ bị cấp trên không hài lòng, hoặc sợ bị trừng phạt. Nói lên sự thật đôi khi cần có bản lĩnh, có dũng khí. Người hèn không dám nói, hèn mà cộng thêm cơ hội nữa thì không bao giờ có lời nói trung thực.

Thầy Hoàng Huy Đức nói: “Càng đọc thư tôi càng mừng vui vì đã có học sinh làm theo những điều mình dạy”. Thầy dạy gì vậy, đó là: “Tôi dạy các em phải có suy nghĩ độc lập, phải trung thực trong mọi vấn đề”. Mong rằng sẽ có nhiều thầy giáo dạy điều vô cùng cần thiết đó cho thế hệ thanh niên VN như thầy Hoàng Đức Huy, và có nhiều người can đảm nói lên sự thật như học sinh Nguyễn Minh Thắng.

 

Nguyên văn bức thư của học sinh Nguyễn Minh Thắng
Trong suốt những năm học trước đây, việc học văn đối với tôi gần như là bất đắc dĩ. Mặc dù sức học tại môn này không đến nỗi tệ, nhưng tôi không hề có hứng thú để học. Đặc biệt là ở phần tập làm văn, tôi lại càng khó tiếp thu nổi. Những bài văn của tôi tuy chưa bao giờ dưới trung bình nhưng nó cũng không làm tôi có thiện cảm với việc viết và viết. Đỉnh điểm của sự chán chường này là việc sử dụng sách giải như là biện pháp đối phó “tối ưu”. Và những tiết văn luôn bao trùm không khí im lặng (đến nỗi buồn ngủ) kỳ lạ. Điều tất yếu là môn văn được tôi liệt vào danh sách “những môn học mà chỉ cần học cho có”.

Năm nay là năm học cuối cấp II, một năm học vô cùng quan trọng. Vì thế tôi không muốn phải nhờ vào may rủi tôi mới tốt nghiệp được. Tôi quyết tâm cải thiện những môn sở đoản (hay còn gọi là những môn mà trước đây tôi học cho có). Và môn văn là mục tiêu đầu tiên (vì đây là một trong những môn chính). Tôi đã được “các bậc tiền bối” năm trước rỉ tai về thầy dạy văn năm nay, tức thầy Hoàng Đức Huy.

Và theo như những gì các bậc tiền bối “mách nước” thì tình hình có vẻ khả quan. Tôi bắt đầu mừng thầm trong bụng. Nhưng khi học tiết đầu tiên với thầy, “niềm tin chiến thắng” của tôi vơi đi hơn nửa. Thầy dành hơn một tiết để nói về thầy hay ít nhất là những gì liên quan đến thầy. Nào là những cuốn sách thầy viết hay những học trò thành đạt từng “qua tay thầy”. Dù những điều này làm giảm khoảng cách giữa thầy trò (đặc biệt là trong tiết đầu tiên), nhưng nó cũng làm giảm sự kính trọng của trò đối với thầy (hay chỉ mình tôi có suy nghĩ này?). Tuy nhiên phương pháp dạy của thầy khá mới mẻ và hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho học sinh chúng tôi.

Và điều mới mẻ đầu tiên tôi được học là “bản đồ tư duy”. Với tôi, ấn tượng ban đầu về cái bản đồ này không mấy sáng sủa. Tôi cười khẩy và thực hiện cái bản đồ đầu tiên với sự khinh thường. Mà cũng phải nói đôi chút về cái gì đó gọi là “bản đồ tư duy”. Đây là cách gọi khác của thuật ngữ 5W1H đã được phổ biến từ lâu ở nước ngoài. 5W gồm: what, where, why, who, when và 1H là how. Cách suy luận này không có gì phải chê trách ngoại trừ việc phải học thuộc nó và diễn giải nó qua bút màu. Quay lại với cái bản đồ của tôi. Tôi không cho rằng cứ “phang” càng nhiều màu vào cái bản đồ thì sẽ làm tôi tăng sự sáng tạo cũng như nhớ lâu hơn, đơn giản vì tôi chúa ghét sự màu mè. Nhưng có vẻ tiêu chí của thầy lại không giống tôi. Và hình như tôi trở thành một trong những gương mặt “trong tầm ngắm” của thầy.

Tôi cố chấp là thế, nhưng tôi cũng biết phân biệt đúng sai. Dần dần tôi càng cảm nhận được lợi ích của 5W1H. Tôi viết văn lưu loát hơn. Các bài văn của tôi dần dài ra. Còn cách dạy của thầy làm giảm áp lực thường thấy trong những tiết văn.Tôi không còn thấy chán nản về môn văn nữa. Thầy giỏi thật đấy. Thầy hiểu học sinh thật đấy. Nhưng tôi vẫn có chút gì đó ác cảm với thầy. Tôi không thích cách thầy khoe khoang về mình (dù tôi biết rằng có câu “tôi giỏi nên tôi có quyền”). Tất nhiên là tôi không có quyền phán xét thầy, nhưng tôi chỉ nói lên sự thật là: nếu khiêm tốn hơn thì thầy sẽ là một người thầy hoàn hảo trong mắt mọi học sinh.

Lê Chân Nhân