Đắk Nông: Lo lắng vì “tử thần” lơ lửng trên mái nhà

(Dân trí) - Đường dây điện cao thế 220Kv đã kéo vắt ngang qua đất thổ cư của nhiều hộ dân ở thôn Thuận Sơn (xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) 20 năm nay. Những điểm võng cực đại chỉ cách mái tôn nhà dân chỉ hơn 1m gây nguy hiểm đe dọa tính mạng hàng chục con người.

Người dân địa phương rất bức xúc trước tình trạng đường dây điện cao thế kéo qua đất thổ cư của họ trong gần 20 năm qua. Chính điều này đã gây cho người dân rất nhiều những khó khăn trong việc sinh hoạt, sản xuất.

Đơn cử như trường hợp của gia đình ông Nguyễn Hữu Thịnh (ở thôn Thuận Sơn, xã Thuận An) sống ở đây từ năm 1990, khi đó khu vực này chưa có điện mà chỉ sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Năm 1996 thì Nông trường cà phê Thuận An đã tự ý kéo đường dây điện cao thế đi qua đất của nhà ông lúc nào không hay. Trong quá trình thi công đường điện, để tránh việc đổ trụ điện trên qua diện tích đất của người dân thì đơn vị thi công đã kéo dài giữa hai trụ điện lên đến hơn cả trăm mét và chỉ có đường dây điện đi trên không gian đất đai của người dân (trong khi giữa hai trụ điện trên đường dây này chỉ có 50m).

 

dien-di-ngang-sat-nha-dan-1b624
Điện đi ngang qua sát vách nhà dân

Một điều đáng nói nữa là vị trí từ mặt đất đến đường dây điện khá thấp nên nguy cơ mất an toàn là rất cao.Mặt khác, việc đường dây điện kéo qua hàng chục mét đất thổ cư đã làm cho việc phát triển sản xuất, thậm chí xây dựng nhà cửa của gia đình ông Thịnh gặp rất nhiều khó khăn.

Mới đây, khi đang xây dựng mái hiên cho ngôi nhà của mình thì nhân viên của Công ty Điện lực Đắk Mil đến lập biên bản yêu cầu gia đình ông Thịnh phải dừng thi công và tháo dỡ công trình để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.

“Công ty Điện lực Đăk Mil phải có trách nhiệm di dời đường dây điện ra khỏi khu vực đất nhà tôi, diện tích đất mà gia đình tôi đang ở đã được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ hẳn hoi”, ông Thịnh bức xúc.

Tương tự, gia đình bà Võ Thị Lan (ngụ cùng xã) khẳng định phần diện tích đất đai mà đường dây điện cao thế đang chạy qua đã được nhà nước cấp sổ đỏ. Hàng năm gia đình bà đều phải đóng thuế sử dụng đất đai cho nhà nước theo quy định nhưng lại không có quyền sử dụng là điều hết sức phi lý.

“Đất nhà mình, nghĩa vụ thực hiện đầy đủ mà giờ xây ở không được, bán không xong. Chúng tôi biết kêu ai!?”, bà Lan nói.

Các hộ dân ở đây cũng cho biết thêm trước đây đã có một số người khi sửa nhà thì bị điện phóng giật phải đi cấp cứu ở bệnh viện.

tu-than-de-doa-mang-song-9bcbf
Tử thần đe dọa mạng sống của người dân

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Công ty điện lực Đắk Mil cho biết, điện lực Đắk Mil chỉ tiếp nhận bàn giao đường dây điện từ các hợp tác xã, nông lâm trường trước đây bàn giao lại. Hiện nay, điện lực Đắk Mil chỉ có chức năng quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Còn việc giải quyết khiếu nại của người dân là nằm ngoài thẩm quyền của đơn vị.

Cũng theo ông Sơn, tình trạng đường dây điện đi qua đất, vườn cây nhà dân là  khá phổ biến và chủ yếu xảy ra ở trên địa bàn các xã như: Thuận An, Đức Minh, Đức Mạnh. Nguyên nhân của tình trạng này là do trước đây, đường điện chủ yếu là do các hợp tác xã, nông lâm trường kéo điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt nhưng lại không có sự bàn bạc thống nhất với người dân. Vì vậy, hiện nay khi người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa hoặc mở rộng diện tích sản xuất thì đã bị ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường điện.

“Về phía Công ty Điện lực Đắk Mil cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp người dân làm đơn kiến nghị di dời đường dây điện ra khỏi khu vực đất của mình. Tuy nhiên, việc di dời đường dây điện không phải là chuyện dễ dàng mà phải lập dự án và đảm bảo các yêu cầu về nguồn vốn, mặt bằng, kỹ thuật thì mới có thể thực hiện được”, ông Sơn nói thêm.

Tình trạng đường dây điện cao thế đi qua đất thổ cư từ nhiều năm nay đã khiến cho người dân chịu không ít thiệt thòi trong quá trình sinh hoạt, sản xuất. Trước thực tế trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có phương án xử lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đức Cường - Thúy Diễm