Đắk Lắk: Dân tố CSGT dùng gậy tuần tra đánh bị thương người vi phạm

(Dân trí) - Theo phản ánh, sau khi bị hai chiến sỹ CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ, em Huy đã bị một chiến sỹ dùng gậy tuần tra đánh liên tiếp nhiều cái vào phần đầu gối phải khiến bị thương và đi lại vô cùng khó khăn.

CSGT vụt liên tiếp 4, 5 gậy vào chân thiếu niên 17 tuổi?

Vừa qua, chị Huỳnh Thị Hà (SN 1976, ngụ xã Hòa An, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã gửi đơn thư tố cáo Thượng úy Lâm Quang Đức - CSGT huyện Krông Pắk đến cơ quan chức năng vì đã có hành vi đánh vào đầu gối phải của cháu Nguyễn Văn Huy (SN 1998, con trai chị Hà) khi chặn xe vi phạm khiến cháu Huy bị thương và khó khăn khi vận động, đi lại.

Vết thương tại đầu gối chân phải của Huy được cho rằng do bị Thượng úy Đức dùng gậy tuần tra đánh (ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp).
Vết thương tại đầu gối chân phải của Huy được cho rằng do bị Thượng úy Đức dùng gậy tuần tra đánh (ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp).

Theo đơn thư, vụ việc xảy ra vào khoảng 15h, ngày 22/2/2015 Nguyễn Văn Huy điều khiển xe máy mang BKS 47L3 - 6348 chở theo bạn là Nguyễn Phước Nhật (SN 1999) lưu thông trên đường hướng từ trung tâm thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk) hướng về TP. Buôn Ma Thuột.  Đến tại ngã tư đường Giải Phóng - Lê Duẩn thì bị tổ Tuần tra kiểm soát (TTKS) CSGT huyện Krông Pắk gồm 2 chiến sỹ thổi còi và yêu cầu dừng phương tiện.

Tại đây, chiến sỹ mang bảng tên Lâm Quang Đức đã dừng lại, quay người dùng gậy tuần tra đánh liên tiếp nhiều phát vào đàu gối chân phải của Huy khi em đang quay người để bước xuống xe, còn chiến sỹ ngồi phía sau đã rút chìa khóa xe máy.

“Khi công an thổi còi dừng xe và yêu cầu cháu xuất trình giấy tờ, cháu không mang theo giấy tờ nên cháu có nói để cháu điện thoại về cho mẹ mang ra, khi cháu đang điện thoại thì bị chú Đức quay lại dùng gậy đánh cháu 4, 5 cái do đau quá nên cháu la lớn lên trong điện thoại “mẹ ơi! Chú công an đánh con” nên mẹ cháu có nghe thấy”, em Huy kể lại.

Sau đó, 2 chiến sỹ CSGT đã đưa xe máy về trụ sở công an huyện mà không hề đưa bất kỳ biên bản nào. Riêng về phần Huy, sau khi bị đánh do quá đau đớn nên đã nhờ một người bạn chở về nhà.

“Lúc Huy vừa dừng xe, cháu cũng xuống xe đứng phía sau xe, thấy Huy đang điện thoại điện về nhà thì bị chú công an đánh vào chân, sau đó dắt xe của Huy đi mất”, em Nhật - người đi cùng xe với Huy, xác nhận.

Thấy con trai về nhà kêu đau đầu gối vì bị công an đánh, chị Hà lo lắng đưa con đi khám tại bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắk, sau đó bệnh viện chuyển Huy lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk điều trị, tại đây bác sỹ kết luận Huy bị “bong sụn tiếp hợp lồi củ trước xương chày” và cho thuốc về nhà điều trị ngoại trú.


Cháu Huy (bên phải) đi lại vẫn khó khăn do vết thương.

Cháu Huy (bên phải) đi lại vẫn khó khăn do vết thương.

Sau vài ngày uống thuốc, chân của Huy vẫn xưng rất to và đau đớn rất khó đi lại, vì quá lo lắng nên gia đình chị Hà phải đưa Huy xuống Bệnh viện Chấn thương Chỉnh Hình TP. Hồ Chí Minh khám. Tại giấy chứng nhận thương tích số 86, ngày 6/3/2015 của Bệnh viện kết luận Huy bị “bong nơi bám gân bánh chè phải”.

“Khi con tôi nằm viện điều trị, tôi cũng có điện thoại cho chú Đức bảo sự việc chú đánh con tôi ra vậy, thì chú Đức có nói “chị ở trong đó lo cho cháu giúp em, giờ em xuống nhà sợ anh (chồng chị Hà - PV) nóng lắm”, nghe chú ấy nói vậy gia đình tôi tiếp tục điều trị cho cháu, nhưng càng về sau không thấy chú ấy có bất kỳ lời xin lỗi nào hay động thái nào về hành vi gây ra cho con tôi cả, nên tôi đã phải làm đơn tố cáo hành vi trên”, chị Hà cho biết.

Cũng theo chị Hà, gia đình đã đưa cháu Huy đi giám định thương tích tại Viên pháp y Quốc gia phân viện tại TP. Hồ Chí Minh, theo biên bản giám định pháp y số 64 ngày 1/7/2015 đã kết luận về thương tích của Huy là: “Tụ dịch khe khớp và ở túi hoạt dịch bánh chè sau không nhiều. Tổn thương bong xương vùng lòi củ chày gây hạn chế vận động gối phải”.

Công an huyện cho rằng việc tố cáo không có cơ sở

Gia đình chị Hà bức xúc và đã làm đơn tố cáo các hành vi của Thượng úy Lâm Quang Đức lên Công an huyện. Tại thông báo số 445, ngày 3/6/2015 về Kết quả giải quyết tố cáo đồng chí Lâm Quang Đức - Cán bộ Đội CSGT - Tuần tra - Cơ động của Công an huyện Krông Pắk có kết luận: “Việc Nguyễn Văn Huy bị chấn thương tại đầu gối chân phải là có thật; Việc tố cáo đồng chí Lâm Quang Đức dùng gậy tuần tra giao thông đánh vào đầu gối chân phải Nguyễn Văn Huy gây thương tích thì không có cơ sở kết luận”.

Không hài lòng với trả lời của Công an huyện, chị Hà tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tại thông báo mới nhất số 708, ngày 10/10/2015, Công an huyện Krông Pắk vẫn giữ nguyên kết quả trả lời việc tố cáo đồng chí Lâm Quang Đức đánh gây thương tích cho Nguyễn Văn Huy là “tố cáo không đủ cơ sở kết luận”.

Chị Hà mong Cơ quan chức năng tìm được công bằng cho con trai mình.
Chị Hà mong Cơ quan chức năng tìm được công bằng cho con trai mình.

Trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Nguyễn Hoanh - Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk, cho biết: Hai đồng chí CSGT liên quan tới vụ việc là Thượng úy Lâm Quang Đức - người điều xe tuần tra và Trung sỹ Dương Quang Tuân - ngồi sau xe. Khi nhận được đơn thư tố cáo của bà Huỳnh Thị Hà, Công an huyện đã chỉ đạo bộ phận Thanh tra xác minh, làm rõ vụ việc.

“Qua quá trình lấy lời khai của Huy, Nhật và một người bạn điều kiển xe máy là bạn Huy đi phía sau thì thấy cả 3 lời khai mâu thuẫn với nhau; qua lời khai của đồng chí Đức và đồng chí Tuân cùng lời khai của 2 nhân chứng là người dân lúc diễn ra sự việc thì không có hành động này xảy ra và công văn trả lời của bệnh viện tỉnh Đắk Lắk xác nhận “hình ảnh cốt hóa phía trước mâm chày” cũng như giải thích nguyên nhân, cơ chế, thời gian hình thành “cốt hóa” tại đầu gối của Huy nên chúng tôi khẳng định không có cơ sở kết luận việc đồng chí Đức dùng gậy đánh Huy bị thương”, Thượng tá Hoành nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tá Hoành, Nguyễn Văn Huy phạm lỗi điều khiển phương tiện không có giấy tờ, không đủ tuổi điều khiển phương tiện nên Công an huyện đã tạm giữ phương tiện của người vi phạm. “Đến nay chúng tôi đã 5 lần gửi giấy mời về để mời chủ phương tiện xe máy lên làm việc song vẫn không nhận được sự hợp tác của chủ xe nên hiện tại chiếc xe máy này vẫn nằm tại trụ sở công an”, Thượng tá Hoành cho hay.

Trước những trả lời của Công an huyện Krông Pắk, chị Hà rất bất bình và cho rằng những kết luận của Công an huyện là không khách quan, có ý bao che cho hành vi sai trái của cấp dưới. “Khi công an lấy lời khai của cháu Huy, cháu Nhật mà không có người giám hộ, công an không cho tôi và người nhà tham gia lấy lời khai nên không khách quan và việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk chẩn đoán “chấn thương khớp gối (P) phần mềm”, khi chưa chụp MRI và chỉ kê đơn thuốc mà hoàn toàn không có bệnh án thì không thể là căn cứ để Công an huyện kết luận”.

Về việc chiếc xe máy của gia đình chị Hà mà chồng chị là chủ phương tiện đến nay vẫn chưa lên trụ sở công an lấy lại, chị Hà khẳng định: “Gia đình tôi chưa một lần nào nhận được giấy mời của Công an huyện để lên lấy phương tiện về”.

Cũng theo chị Hà, cháu Huy trước khi bị CSGT đánh đang là nhân viên quán cà phê ở tỉnh Đồng Nai, mỗi tháng thu nhập 3 triệu đồng, gia đình chị cũng khó khăn nên hàng tháng con trai ở xa gửi tiền về phụ giúp . Từ ngày Huy xảy ra sự cố phải nghỉ làm ở nhà điều trị bệnh, việc đi lại rất khó khăn, gia đình chị Hà phải vay mượn của họ hàng, xóm giềng trên 70 triệu đồng để lo chạy chữa cho con rất tốn kém và gia đình chị rất mong tìm lại được sự công bằng cho con trai mình.

Thúy Diễm