Cũ & mới

Vài ngày nay, từ bà bán nước, chị viên chức đến bậc chuyên gia, câu chuyện thời sự được bàn tán chính là giá cả. Nghe có vẻ cũ, bởi năm ngoái, cũng ra Tết muộn, hàng loạt các mặt hàng điện, xăng dầu được điều chỉnh tăng giá, khiến giá nhiều hàng hóa khác tăng theo.

Nhưng câu chuyện năm nay khác. Nếu như năm ngoái, trong quý một, đồng loạt các mặt hàng xăng, dầu, điện được điều chỉnh tăng, nhưng mức tăng giá điện trung bình chỉ 6,8%, xăng dầu 3,12%... song đã góp phần đẩy chỉ số lạm phát chỉ trong quý một lên tới 4,12%.

 

Còn năm nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, giá điện được điều chỉnh từ tháng ba. Mức tăng giá điện, được thông tin có thể là khoảng 18% (theo đề xuất của Bộ Công Thương) hoặc 11% (Bộ Tài chính). Dù Chính phủ chọn mức tăng nào, thì cũng khó thấp hơn 10%, bởi theo ngành điện, mức tăng phải hơn 30% mới có thể phát triển được nguồn điện.

 

Trong khi đó, giá xăng dầu, theo phản ánh của doanh nghiệp, mỗi lít xăng đang bán lỗ hơn hai ngàn đồng. Nếu điều chỉnh, mức tăng giá ít nhất cũng phải trên 10% mới cắt được lỗ.

 

Hiện, hiệu ứng từ quyết định điều chỉnh tỷ giá VND/USD tăng 9,3%, đã đẩy nhiều mặt hàng tăng giá. Trả lời báo chí, ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết, theo tính toán của cơ quan này, trước đây tỷ giá cứ điều chỉnh 1% thì sẽ tác động đến lạm phát 0,15-0,2%. Còn bây giờ, tác động trong lần này không nhiều bởi mức tỷ giá được điều chỉnh thực chất đã tồn tại cách đây khá lâu rồi...

 

Trong bối cảnh như vậy, nếu điện, xăng dầu cùng tăng giá, khó tránh hiệu ứng đẩy các mặt hàng, dịch vụ tăng giá theo, nền kinh tế dễ bước vào vòng xoáy lạm phát. Bởi thế, bài học năm cũ vẫn còn nguyên tính thời sự.

 

Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, ở các nước, giá cả do chủ hàng và khách hàng quyết định, dựa trên quy luật cung cầu, còn ở ta, ngành điện vẫn độc quyền bán điện, nên Chính phủ đứng vai trò trung gian quyết định giá bán. Việc tăng giá điện, xăng là khó tránh, nhưng tăng ở mức nào để không gây sốc là điều cân nhắc.

 

Hơn thế, song song việc điều chỉnh giá, Chính phủ cần đặt chỉ tiêu cho các doanh nghiệp trong việc tái cơ cấu, quản trị hiệu quả hơn, để giá thành sản phẩm thấp hơn.

 

Bởi như riêng ngành điện, nhiều năm nay được điều chỉnh tăng giá, nhưng hiện tỷ lệ tổn thất điện năng vẫn khá cao, hơn 10%. Đây vẫn là tỷ lệ tổn thất cao so với các nước trong khu vực.

 

Theo Nhật Anh
Tiền Phong