Hà Nội:

Cụ già độc thân sống trong túp lều ở huyện Hoài Đức kêu cứu

(Dân trí) - Sau nhiều lần khiếu nại quyết định thu hồi không rõ ràng mảnh đất 220m,9m2 tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, ông Vương Tất Cận đã được duyệt mua 40m2 để làm nhà ở, nhưng giấc mơ có được mái nhà vẫn là điều xa vời với người đàn ông lam lũ 70 tuổi.

Kể từ khi Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức ban hành Quyết định số 5623/QĐ-CC ngày 21/12/2009 về việc cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả hành chính gây ra trong trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Vương Tất Cận. Ông Cận đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên các cấp đề nghị xem xét lại việc thu hồi mảnh đất 220,9m2 tại thôn Dậu 1, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
 
Đơn khiếu nại ông Cận gửi đến báo Dân trí (Ảnh: Ngọc Cương)
Đơn khiếu nại ông Cận gửi đến báo Dân trí (Ảnh: Ngọc Cương)

Theo đơn khiếu nại ông Cận gửi đến báo Dân trí, UBND huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng. Quyết định cưỡng chế thu hồi mảnh đất 220,9m2 mà ông sử dụng ổn định suốt gần 20 năm của UBND huyện Hoài Đức vi phạm nghiêm trọng quy định về luật đất đai, gây thiệt hại nặng nề đối với quyền lợi của công dân. Việc UBND huyện Hoài Đức ra quyết định cưỡng chế, tiến hành đập phá toàn bộ nhà ở, các hạng mục trên đất đã đẩy ông rơi vào cảnh khốn khó, ông phải ở tạm trong túp lều 8m2 dựng tạm trên nền nhà cũ bị phá hủy tháng 3/2010.

Kể từ đó đến nay, những khiếu nại quyết định cưỡng chế thu hồi mảnh đất 220,9m2 của ông Vương Tất Cận vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, phần diện tích 9000m2 mà đất UBND huyện Hoài Đức cưỡng chế của ông Cận, cùng 5 hộ dân khác sống xung quanh lại bị bỏ hoang suốt gần 3 năm qua. Sau nhiều lần khiếu nại đề nghị, ngày 24/7/2012 UBND huyện Hoài Đức ra quyết định số 1442/QĐ-UBND bán cho ông Vương Tất Cận mảnh đất rộng 40m2 để làm nhà ở.

Ngày 10/8/2012, UBND huyện Hoài Đức ký quyết định 1954/QĐ- UBND phê duyệt giá thu tiền đất đối với ông Vương Tất Cận là hơn 2,1 triệu đồng/m2 (2.150.000đ). Như vậy, tổng số tiền ông Cận phải chi trả để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ vào khoảng 100 triệu đồng. Theo lời ông Cận, đây là khoản kinh phí vượt quá sức với một người già sống độc thân dựa vào mức lương trợ cấp 1,2 triệu đồng/tháng do nhà nước chi trả. Trong khi đó, toàn bộ phần tài sản ông đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có là nhà và công trình phụ trên mảnh đất 220,9m2 bị UBND huyện Hoài Đức cưỡng chế phá bỏ, ông không nhận được khoản đền bù nào.

Với mong muốn được sống nốt những năm cuối đời yên ổn, ông Vương Tất Cận kiến nghị TP. Hà Nội, các cơ quan chức năng xem xét giải quyết nội dung khiếu nại liên quan đến mảnh đất 220,9m2 bị UBND huyện Hoài Đức cưỡng chế thu hồi không có mục đích sử dụng theo đúng quy định pháp luật. Ông Cận kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết giúp ông ổn định nơi ở, bởi lúc này ông không kiếm đâu ra khoản tiền nộp theo quyết định của UBND huyện Hoài Đức.
 
Ông Vương Tất Cận mong mỏi có được ngôi nhà lúc tuổi già (Ảnh: Ngọc Cương)
Ông Vương Tất Cận mong mỏi có được ngôi nhà lúc tuổi già (Ảnh: Ngọc Cương)

Liên quan đến những nội dung khiếu nại của ông Vương Tất Cận, trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Đinh Thị Hòa, Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) từng khẳng định: Việc ông Vương Tất Cận không đồng ý với toàn bộ nội dung Quyết định số 5623/QĐ-CC và Quyết định số 1067/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức là hoàn toàn có cơ sở.

Thứ nhất, gia đình ông Cận hoàn toàn đủ điều kiện là chủ sử dụng hợp pháp mảnh đất tại khu Cổ Bồng, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức. Cụ thể: Căn cứ các quy định tại Khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, quy định:

“4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.

Gia đình ông Cận đã sử dụng đất ổn định trước ngày 15/10/1993, đất sử dụng từ đó đến nay không hề có tranh chấp, hơn thế nữa việc sử dụng đất không vi phạm quy hoạch của Nhà nước và mục đích sử dụng đất của gia đình ông Cận từ trước đến nay vẫn không hề thay đổi.

Thứ hai, việc Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức và UBND xã Di Trạch cho rằng gia đình ông Cận tự ý lấn chiếm đất là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý vì theo 4, Điều 3 Nghị định 182/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 và Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ đều giải thích khái niệm chiếm đất như sau:

“3. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc chủ sử dụng đất cho phép sử dụng hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước tạm giao hoặc mượn đất nhưng hết thời hạn tạm giao, mượn đất mà không trả lại đất”.

Năm 1992 gia đình ông Cận cũng như nhiều hộ dân khác đã được chính quyền xã đồng ý cho sử dụng đất tại khu vực Cổ Bồng, xã Di Trạch. Từ đó đến nay, gia đình ông Cận sử dụng đất ổn định, đồng thời đã tiến hành xây nhà và sinh sống lâu dài. Hơn thế nữa, việc sử dụng đất này của gia đình ông Cận, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực Cổ Bồng nói riêng, xã Di Trạch nói chung đều biết.

Thứ ba, như đã phân tích ở trên, gia đình ông Cận có đủ cơ sở là chủ sử dụng và sở hữu hợp pháp đất và tài sản gắn liền với đất tại khu vực Cổ Bồng, xã Di Trạch. Vì vậy, việc chính quyền địa phương muốn thu hồi để tiến hành sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội địa phương phải tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, đảm bảo đầy đủ những quyền lợi của người sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương