Công ty Nhựa Việt Nam: Vay ODA Trung Quốc mua máy móc thiết bị Trung Quốc chất lượng thấp

(Dân trí) - Theo kết luận thanh tra của Bộ Công thương xác minh đơn thư tố cáo, sự việc Công ty CP Nhựa Việt Nam (Vinaplast) vay ODA của Trung Quốc để mua máy móc thiết bị chất lượng thấp, cho thuê thiết bị không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá là có sơ sở.

Bộ Công Thương vừa có kết luận xác minh nhiều nội dung đơn thư phản án, tố cáo tại Công ty CP Nhựa Việt Nam (Vinaplast). Bộ Công thương kết luận việc công ty này kinh doanh yếu kém, nhiều năm không chia cổ tức, thua lỗ 140 tỷ trong khi vốn điều lệ 195 tỷ là đúng thực tế.

Cùng với kết luận về kết quả kinh doanh bết bát của công ty có gần 66% vốn nhà nước này, Bộ Công thương còn có kết luận việc Công ty CP Nhựa Việt Nam (Vinaplast) vay ODA của Trung Quốc để mua máy móc thiết bị chất lượng thấp, cho thuê thiết bị không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chênh lệch. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ quả thua lỗ.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất khuôn mẫu và trục in của Công ty CP Nhựa Việt Nam là Dự án thuộc quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2010 đã được phê duyệt. Dự án được Chính phủ Việt Nam cho phép sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc. Đơn vị trúng thầu gói thầu số 1 là Tập đoàn Hợp tác kinh tế kỹ thuật đối ngoại Thượng Hải Trung Quốc (SFECO), gói thầu: Mua sắm máy móc thiết bị khuôn mẫu và trục in, giá trị trúng thầu là 49.010.105 nhân dân tệ.

Tháng 9/2006, Công ty CP Nhựa Việt Nam bắt đầu tiếp nhận thiết bị của dự án. Tháng 3/2007, các thiết bị thuộc dự án được lắp đặt xong. Công ty CP Nhựa Việt Nam đã ký các biên bản nghiệm thu máy móc thiết bị ở từng nơi lắp đặt, thanh toán 85% trị giá hợp đồng với SFECO và bắt đầu khai thác tại đơn vị khác nhau tại công ty:

Tại nhà máy của Công ty CP Nhựa Việt Nam và Công ty CP Nhựa Thăng Long tại KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh), trị giá thiết bị là 17 triệu NDT tương đương 35,5 tỷ đồng; Tại Công ty CP Nhựa Bắc Giang, các thiết bị giá trị 8,5 triệu NDT tương đương 17,6 tỷ đồng; Tại Công ty CP Nhựa Vân Đồn, KCN Mỹ Phước 2 huyện Bến Cát (Bình Dương), giá trị thiết bị là 12,5 triệu NDT tương đương 25,6 tỷ đồng; Tại Công ty CP Nhựa Tân Phú (TP.HCM), giá trị thiết bị là 4,3 triệu NDT tương đương 9 tỷ đồng; Tại nhà máy của Công ty CP Nhựa Việt Nam, giá trị thiết bị là 6,8 triệu NDT tương đương 14 tỷ đồng.

Công ty CP Nhựa Việt Nam đã giao hệ thống máy móc thiết bị cho các đơn vị trên bằng phương thức ký hợp đồng cho thuê tài chính với lãi suất 5%/năm (Công ty CP Nhựa Việt Nam vay Ngân hàng phát triển Việt Nam với lãi suất 4%/năm).

Với việc sử dụng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc để mua hệ thống máy móc Trung Quốc của Công ty CP Nhựa Việt Nam, Bộ Công thương kết luận trong quá trình nhập khẩu thiết bị về Việt Nam, khi lắp đặt và bàn giao thiết bị tại các đơn vị thuê, một số thiết bị không có biên bản giám định kiểm tra chất lượng hoặc biên bản bàn giao và biên bản nghiệm thu.

Tại thời điểm xác minh, hầu hết các thiết bị đều đang hoạt động. Theo báo cáo của các đơn vị thuê, qua thời gian sử dụng từ năm 2007 đến nay, các thiết bị máy móc đã có nhiều hư hỏng, phải thay thế và sửa chữa.

Đối với tài sản được mua từ vốn ODA: Do máy móc thiết bị có giá trị cao, hiệu quả khai thác thấp, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ quá lớn dẫn đến khai thác sử dụng máy móc thiết bị và trả nợ do vay vốn ODA là gánh nặng với công ty mẹ và các công ty thuê, làm suy giảm nặng nề kết quae kinh doanh của công ty. Đối với công ty mẹ, tiền cho thuê không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.

"Như vậy, nội dung đơn phản ánh công ty vay ODA của Trung Quốc để mua máy móc thiết bị chất lượng thấp, cho thuê thiết bị không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá là có cơ sở", Bộ Công thương kết luận.

Nhiều nội dung khiếu nại, phản ánh tại Công ty CP Nhựa Việt Nam đã được Bộ Công thương kết luận như: Vốn điều lệ 195 tỷ, Công ty Nhựa Việt Nam kinh doanh lỗ 140 tỷ, vay vốn ODA của Trung Quốc để mua máy móc, thiết bị chất lượng thấp, cho thuê thiết bị không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá; đầu tư tài chính thua lỗ không hiệu quả; tồn tại nhiều khoản nợ khó đòi gây thất thoát lớn được Bộ Công thương kết luận là đúng thức tế và có cơ sở.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế