Công nông "ăn gà" đại náo làng quê: Biết sai nhưng không thể cấm!

Khả Vân Trọng Trinh

(Dân trí) - Công nông tự chế chuyên chở gà từ cánh đồng vào xã Bình Minh gây bức xúc trong nhân dân, lãnh đạo xã giải thích rằng, đây là loại xe "chuyên dụng" và dù biết là vi phạm nhưng không thể cấm!

Báo Dân trí phản ánh về tình trạng hàng loạt xe công nông tự chế vận chuyển gà từ điểm tập kết vào lò mổ hoạt động công khai trên địa bàn xã Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống trên địa bàn xã. Trong khi đó, Nghị quyết số 32 của Chính phủ quy định từ 1/1/2008 cấm tất cả các xe công nông tự chế, xe ba, bốn bánh lưu thông trên tất cả các tuyến đường.

Công nông ăn gà đại náo làng quê: Biết sai nhưng không thể cấm! - 1

Hình ảnh công nông vận chuyển gà từ cánh đồng vào bên trong các lò mổ ở xã Bình Minh (Thanh Oai, Hà Nội).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Bình Minh khẳng định việc xe công nông chuyên vận chuyển gà từ bãi tập kết vào lò mổ gây bức xúc trong nhân dân là hoàn toàn đúng sự thật, về việc này lãnh đạo xã cũng đã nắm được, tuy nhiên việc để xe công nông tự chế hoạt động vận chuyển gà vào lò mổ trong làng là điều bất khả kháng.

"Vào khoảng năm 2012, 2013 để ngăn cản xe tải vận chuyển gà đi sâu vào trong làng để giao dịch gà cho lò mổ, chúng tôi đã phải huy động cán bộ trong xã, lập thành nhiều chốt quanh xã, lực lượng này làm việc cả đêm và kéo dài trong vòng gần 2 tháng trời để ngăn chặn, kiểm soát việc xe tải chở gà vào khu dân cư.

Sau đó, lãnh đạo xã đã thống nhất sử dụng một khu đất làm khu vực giao dịch gà tạm thời, để tránh không cho xe tải chở gà vào khi dân cư, đó chính là cánh đồng rìa làng như báo Dân trí đã phản ánh.

Công nông ăn gà đại náo làng quê: Biết sai nhưng không thể cấm! - 2

Những chiếc công nông đầy ắp gà len lỏi quanh đường làng mang theo tiếng ồn, bụi, mùi hôi thối, lông gà khắp nơi.

Việc sử dụng xe công nông vận chuyển gà phù hợp nhiều yếu tố như hệ thống giao thông trong làng nhỏ, hẹp, chi phí thấp. Trong khi vận chuyển gà không thể dùng bạt phủ kín như vận chuyển vật liệu xây dựng. Vì gà công nghiệp có đặc thù rất dễ bị chết nếu như vận chuyển lâu, chật chội hay bị phủ bạt". Ông Nguyễn Duy Nhu - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết.

Bình Minh là một xã đặc thù, trước đây người dân trong làng có nghề làm pháo nổi tiếng nhưng cũng đã bị cấm nhiều năm nay. Sau đó, nghề mổ gia cầm được thịnh hành, ban đầu chỉ một số gia đình làm nghề rồi mọi người theo nhau làm. Đến nay, trong xã có khoảng gần 300 hộ dân hành nghề giết mổ gia cầm, mỗi ngày cung cấp khoảng 60 tấn thịt thành phẩm cho khu vực nội thành Hà Nội.

Lãnh đạo xã Bình Minh cho biết thêm, việc phát triển nghề giết mổ gia cầm đã mang về một nguồn lợi về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do đường làng nhỏ hẹp, ô tô không thể lưu thông vào trong làng, đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xe công nông hoạt động trên địa bàn xã mặc dù đã bị cấm theo quy định của nhà nước.

 Để hạn chế rồi đi đến chấm dứt việc sử dụng xe công nông tự chế như hiện nay, theo tôi chỉ còn cách là hoàn thiện khu vực lò mổ trên địa bàn xã. Khu giết mổ này có diện tích 4,3 ha, hiện tại đã xây dựng xong tường bao, hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, nước sạch từ 2015. Tuy nhiên, khu nhà xưởng, nhà giết mổ, khu vực xử lý nước thải chưa được hoàn thiện.

 Khu vực giết mổ này do thành phố đầu tư, năm 2019 thành phố yêu cầu đấu thầu xây dựng nhưng phải hoàn trả lại tiền đầu tư trước cho nhà nước trước nên việc hoàn thiện khu giết mổ càng thêm khó khăn.

Công nông ăn gà đại náo làng quê: Biết sai nhưng không thể cấm! - 3

Khu giết mổ này có diện tích 4,3 ha, hiện tại đã xây dựng xong tường bao, hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, nước sạch từ 2015.

Công nông ăn gà đại náo làng quê: Biết sai nhưng không thể cấm! - 4

Nhưng hiện nay chỉ để phơi lông gà, xương động vật của một số hộ dân.

 Chính vì lý do đó nên đến giờ vẫn không có nhà đầu tư "đổ tiền" vào hoàn thiện khu giết mổ tập trung nên bị bỏ hoang, hiện khu vực này vẫn thuộc UBND huyện Thanh Oai quản lý.

 "Đề nghị huyện và thành phố kêu gọi nhà đầu tư để hoàn thiện khu giết mổ để tập trung các hộ giết mổ về đó. Như vậy mới đảm bảo được sức khỏe cho người dân và vệ sinh môi trường tốt hơn. Hiện tại chúng tôi sẽ yêu cầu các hộ giết mổ gia cầm, những người vận chuyển gia cầm bằng công nông phải ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động tránh tình trạng để người dân bức xúc", ông Nhu khẳng định.

Công nông ăn gà đại náo làng quê: Biết sai nhưng không thể cấm! - 5

Nhiều chiếc xe tự chế bị Công an huyện Thanh Oai bắt, hiện đang giữ ở kho đợi xử lý.

 Trong khi đó, Trung tá Lê Tuấn Lực - Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện Thanh Oai thì khẳng định:

 "Trước hết phải nói rằng tình trạng bà con nông dân sử dụng công nông để vận chuyển hàng hóa nông nghiệp vẫn tương đối phổ biến ở nông thôn ngoại thành, phục vụ dân sinh phát triển sản xuất nông nghiệp vì nó phù hợp với giao thông trong làng và kinh phí đầu tư thấp.

 Tuy nhiên, Chính phủ đã cấm sử dụng loại xe này từ lâu, mới đây tại nghị định 100/2019 quy định xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng và tịch thu xe đối với những người cố tình sử dụng công nông tự chế.

 Về phía công an huyện Thanh Oai, cũng đã có nhiều văn bản, kế hoạch phối hợp tổ chức xử lý nội dung này với Ủy ban Nhân dân xã Bình Minh nhưng đây là việc làm lâu dài, vì phải vận động bà con và phải tìm loại phương tiện khác phù hợp hơn và đúng quy định".

Công nông ăn gà đại náo làng quê: Biết sai nhưng không thể cấm! - 6

Theo thống kê trên địa bàn toàn huyện Thanh Oai có 420 chiếc xe công nông tự chế.

 Trung tá Lực cho biết thêm, theo thống kê trên địa bàn toàn huyện có 420 chiếc xe công nông tự chế, trong năm 2020 Công an huyện Thanh Oai đã bắt giữ xử lý 19 xe, hiện tại số xe này đang bị tạm giữ tại bãi. Trong thời gian tới Công an huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân không sử dụng xe công nông tự chế, việc xử lý, tịch thu phương tiện chỉ là giải pháp cuối cùng.