Công lý và niềm tin

(Dân trí) - “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”, ấy vậy mà có một công dân bị bắt giam oan sai 1.346 ngày, đó là ông Trương Bá Nhàn ở Bình Phước. Ông bị VKSND TPHCM truy tố tội giết người và tội cướp tài sản.

Sau khi được CQĐT đình chỉ điều tra do không đủ chứng cứ chứng minh hành vi tội phạm, ông Nhàn gửi đơn yêu cầu VKSND TPHCM bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388, số tiền bồi thường hơn 786 triệu đồng.

Trước đó, ông Nguyễn Đình Chiến - Tổng Giám đốc công ty Vimproco Hải Phòng gửi đơn đòi VKSND TP Cần Thơ bồi thường 452 tỉ đồng, vì ông đã bị oan sai trong một vụ án “xuyên thế kỷ” (từ 1996 - 2006).

Ông Chiến là một doanh nhân, bị cơ quan tố tụng hình sự hóa quan hệ kinh tế, đẩy ông đến bước đường cùng, tan gia bại sản. Tuy được minh oan, và dù có được bồi thường đúng và đủ theo yêu cầu, thì tiền bạc cũng không mua lại được thời gian, tuổi thanh xuân bị mất đi, sự tự do bị tước đoạt.

Hai vụ án oan sai trên điển hình cho nhiều vụ án oan đã được minh oan trong thời gian qua. Chưa kể, có thể còn nhiều vụ oan sai khác, nhưng nạn nhân chưa có cơ hội hoặc không may mắn được minh oan. Những vụ án oan này làm vấy bẩn lên nền tố tụng nước nhà, gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội.

Sai sót thì ở đâu cũng có, nhưng đối với sinh mệnh, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm con người, để xảy ra sai sót thì cái giá phải trả quá đắt và không thể bù đắp được. Công lý có thể sửa sai nhưng không thể sửa chữa những hư hại trên từng số phận con người và cơ thể xã hội do bản án oan gây ra. Công lý có thể trả lại sự công bằng cho người bị oan sai bằng một quyết định chính xác có hiệu lực pháp luật, nhưng không thể dễ dàng lấy lại niềm tin đã bị mất đi.

Để bù đắp cho sự mất đi đó, biện pháp đầu tiên là thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị quyết 388, bồi thường xứng đáng thiệt hại về vật chất cũng như danh dự của công dân. Không chỉ bồi thường cho người bị oan sai, người gây ra oan sai phải chịu hình thức kỷ luật tương xứng với trách nhiệm của mình.

Trường hợp nào vì tiêu cực mà có những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến oan sai thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc làm này chính là bài học để những người chấp pháp khắc cốt ghi tâm, thận trọng đến tối đa khi đối diện với những quyết định liên quan đến số phận con người.

Lê Chân Nhân