Hồi âm:

Công an huyện Gia Lâm kết luận vụ án chém người trọng thương

(Dân trí) – Thượng tá Đỗ Đức Cường, Phó trưởng Công an huyện Gia Lâm vừa trả lời báo Dân trí việc bà Lê Thị Nghiêm phản ánh chồng bà là ông Nguyễn Xuân Được bị anh em ông Núp chém nhiều nhát vào đầu, cổ,… vứt xuống ruộng nhằm phi tang.

Công văn của Công an huyện Gia Lâm gửi báo Dân trí

Công văn của Công an huyện Gia Lâm gửi báo Dân trí

Công văn số 683/CV-CAGL của Công an huyện Gia Lâm gửi Báo Dân trí nêu rõ: Ngày 9/5/2012, Công an huyện Gia Lâm nhận được đơn của bà Lê Thị Nghiêm (thôn Trung Mầu, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội) do Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội chuyển đến và công văn chuyển đơn của báo Điện tử Dân trí.

Trước sự việc trên, Công an huyện Gia Lâm báo cáo nội dung vụ án và quá trình giải quyết vụ việc như sau:

Khoảng 14h00 ngày 17/4/2012, ông Nguyễn Xuân Được trú tại xóm, 1 thôn Trung Mầu, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội đi xe máy đến lều chăn nuôi của Đỗ Như Đặng (tên thường gọi là Núp) trú tại  thôn Đại Trung, Đại Đồng, Tiên Du, Bắc Ninh (giáp với thôn Trung Mầu, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội) để đòi Đặng số tiền 3.600.000đ mà Đặng đã vay trước đây. Lúc đó, tại lều có vợ Đặng là Vũ Thị Phượng và con trai là Đỗ Như Hùng. Đặng khất nợ thì xảy ra xô sát giữa ông Được và vợ chồng Đặng. Sau đó, ông Được bỏ về, khi ông Được đang nổ xe máy thì Đặng chạy vào bếp nhà mình lấy một con dao rựa bằng sắt (màu đen) dài khoảng 40cm đuổi theo ông Được. Đến đoạn đường khu cánh đồng Nghè Tiên thì đuổi kịp ông Được, Đặng dung dao chém nhiều nhát vào người ông Được khiến ông Được bị thương nặng.

Ông Được được người dân phát hiện và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Thương tích của ông Được như sau, đa chấn thương, vết thương khoảng 10x5 cm vùng trán mắt trái không thấy hình ảnh tụ máu ngoài màng cứng, dưới màng cứng và lên mô nhu não, vỡ lún xương đỉnh, vỡ xương trái và trần ổ mắt trái, vết thương khoảng 10x5cm thấu khớp vai trái.

Đến ngày 18/4/2012, Đỗ Như Đặng đã ra cơ quan Công an đầu thú, khai nhận hành vi dung dao gây thương tích cho ông Nguyễn Xuân Được và giao nộp con dao Đặng dung chém ông Được. Tại cơ quan công an, Đặng đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình như nội dung đã trình bày trên.

Trên cơ sở tài liệu hồ sơ thu thập, xét thấy hành vi dùng dao chém gây thương tích cho ông Được của Đỗ Như Đặng có tính chất côn đồ nguy hiểm cần thiết phải khởi tố và tạm giữ phục vụ công tác điều tra vụ án ngày 24/4/2012. Cơ quan Công an CSĐT Công an huyện Gia Lâm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Như Đặng.

Ngày 30/5/2012, Cơ quan điều tra nhận được đơn xin rút đơn đề nghị truy tố, xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho Đỗ Như Đặng, xin từ chối đi giám định thương tích của ông Nguyễn Xuân Được.

Sau khi tiếp nhận đơn, cơ quan điều tra đã tiến hành ghi lời khai của ông Nguyễn Xuân Được về việc ông Được viết đơn gửi cơ quan CSĐT, quá trình ghi lời khai ông Được khai nhận hiện ông Được đã ra viện, sức khỏe dần bình phục. Giữa gia đình ông Được và ông Đặng đã tiến hành hòa giải tại phường và thống nhất xong phần dân sự. Do vậy, ông Được đề nghị cơ quan CSĐT không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Như Đặng, ông Được cam đoan không còn khiếu nại, khiếu kiện gì về việc bị đánh gây thương tích ngày 17/4/2012.

Khi cơ quan điều tra tiến hành thủ tục pháp y tỷ lệ tổn hại sức khỏe của ông Được thì ông Được từ chối đi giám định thương tích và từ chối nhận giấy hẹn đi giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe khi cơ quan công an đã ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe và mời bà Lê Thị Nghiêm, vợ ông Được để hỏi về việc viết đơn đề nghị xử lý các đối tượng đã đánh, chém gây thương tích cho chồng bà thì bà Nghiêm cho biết các đơn trên bà Nghiêm đã viết từ trước ngày 30/5/2012, để gửi đi các cơ quan. Nhưng, nay bà Nghiêm đã thống nhất cùng chồng là ông Được xin rút đơn đề nghị truy tố, xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho Đỗ Như Đặng, xin từ chối đi giám định thương tích.

Xét thấy, việc ông Nguyễn Xuân Được viết đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho Đỗ Như Đặng là hoàn toàn tự nguyện, do vậy không cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với Đỗ Như Đặng ngày 16/6/2012. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can Đỗ Như Đặng.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin báo Điện tử Dân trí nhận được đơn của bà Lê Thị Nghiêm trú tại thôn Trung Mầu, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội phản ánh: Chồng bà là ông Nguyễn Xuân Được bị anh em ông Núp (thôn Trung Mầu, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm) đánh trọng thương (chém nhiều nhát vào đầu, cổ,…) rồi vứt xuống ruộng nhằm phi tang. May mắn được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng đến nay tính mạng của ông Được vẫn bị đe dọa. Bên cạnh đó, hung thủ vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Cũng trong đơn tố cáo, bà Lê Thị Nghiêm trình bày rõ: Do mâu thuẫn từ việc gia đình ông Núp nợ tiền, không có ý trả nên khi ông Được đến đòi an hem ông Núp đã dùng vũ lực đàn áp. Nhân đây, bà Nghiêm đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc, bắt hung thủ phải đền tội theo pháp luật, trả lại công bằng cho gia đình bà.

 Thu Hà