Còn nhiều băn khoăn về Quy định mới trong kỳ thi tốt nghiệp

Gần đây, Bộ GD-ĐT có bổ sung những điểm mới về quy định, yêu cầu đối với công tác tổ chức thi, thanh tra thi, chấm thi, chấm thanh tra thi đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sắp tới.

Là một thầy giáo nhiều năm làm công tác thi, chấm thi, thanh tra thi tốt nghiệp, chúng tôi nhận thấy một số điểm trong qui định mới của Bộ GD & ĐT nêu ra còn nhiều bất cập, dễ tạo kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh.

Mấy chục năm qua, trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp, các Hội đồng thi đều phải kiểm tra mọi mặt của hội đồng thi đó, trong đó có việc kiểm tra hồ sơ tất cả thí sinh, xem có đầy đủ, chính xác không, kể từ học bạ đến các loại giấy tờ ưu tiên, cộng điểm nếu có. Nhờ việc kiểm tra này, nên hội đồng thi phát hiện hàng loạt trường hợp sai sót của các trường, của thí sinh liên quan tới hồ sơ, học bạ thí sinh và đề nghị điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa kịp thời trước khi thi. Nhưng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, quy định mới của Bộ GD & ĐT là bãi bỏ hoàn toàn việc Hội đồng thi kiểm tra hồ sơ thí sinh. Bộ lập luận rằng, việc kiểm tra đó là không cần thiết, giao hẳn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho nhà trường. Tất nhiên, không yêu cầu kiểm tra hồ sơ nữa thì hội đồng thi, các thầy cô giáo, giám thị có phần nhàn rỗi, nhẹ nhàng hơn. Song, vấn đề khiến cho sự lo ngại có cơ sở là các trường đã thật sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm hay chưa? Nay không còn “người ngoài” đến giám sát, kiểm tra nữa, thì liệu rằng nhà trường, thí sinh đã  thực sự khai chính xác, trung thực về các thông tin cần thiết trong bộ hồ sơ, nhất là loại giấy tờ, kết quả liên quan đến cộng điểm ưu tiên?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong những trường hợp nhà trường, thí sinh cố tình khai man, ví dụ như chúng chỉ nghề em A, đạt loại trung bình được cộng 1 điểm, nhưng họ ghi vào hồ sơ, tờ ghi tên, ghi điểm (gởi lên Sở GD-ĐT) là loại giỏi, được cộng 2 điểm, hoặc em B không thuộc diện ưu tiên con thương binh, liệt sĩ, nhưng  họ lại đưa vào danh sách, diện được ưu tiên...thì có ai kiểm tra. Nếu hú họa ,có ai đó phát giác, tố cáo trường hợp đó không đúng, có dấu hiện khai man, khi Sở GD-ĐT về kiểm tra, làm việc thì họ bảo chúng tôi nhận sai sót do “nhầm”, do kiểm tra không kĩ lưỡng. Thế là xong. Do đó, chúng tôi nhận thấy quy định mới này của Bộ không ổn tí nào, dễ tạo kẽ hở cho cá nhân, thành phần xấu...trong nhà trường làm những điều sai trái, bất công. Chúng tôi đề nghị Bộ nên duy trì cách làm như cũ, công việc kiểm tra chỉ tốn vài giờ đến 1 buổi là xong, vừa phản ánh khách quan vừa chống được tiêu cực dễ phát sinh.

Theo yêu cầu của Bộ: “Đoàn thanh tra chấm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp chấm lại khoảng 5% tổng số bài thi để phát hiện những trường hợp biểu điểm chưa chính xác, cộng nhầm điểm, bỏ sót ý hoặc bỏ qua những dấu hiệu vi phạm khác. Mỗi đoàn thanh tra chấm thi tại các tỉnh gồm hai người, riêng đoàn thanh tra chấm thi tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, thành phố Hà Nội, TPHCM cử ba người vì những tỉnh này có số lượng bài dự thi lớn”. Mỗi một môn thi, chỉ có hai người chấm thanh tra môn ấy, với điều kiện phải chấm được khoảng 5% tổng số bài thi, thì thực sự là quá sức với người chấm thanh tra. Chẳng hạn như, toàn tỉnh Quảng Ngãi năm nay, có khoảng 23.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, tương ứng với 23.000 bài từng môn tự luận và trắc nghiệm. Chấm thanh tra 5% của 23.000 bài mỗi môn tự luận, là khoảng 1150 bài, mỗi người phải chấm khoảng 575 bài. Cả đợt, mỗi giám khảo bình quân chấm được khoảng 300 bài đã thấy nhiều lắm rồi. Trong khi đó, giám khảo chấm thanh tra lại phải " gánh" số lượng bài chấm gần gấp đôi với giám khảo. Muốn cho đủ 5% ấy, giám khảo chấm thanh tra chỉ còn cách chấm lướt hoặc khai khống lên. Đi chấm thanh tra tốt nghiệp nhiều lần, tôi biết, thời gian chấm thanh tra thường chậm hơn, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3, bởi khi ấy mới có bài, có điểm của hai giám khảo đã chấm vòng 1, vòng 2, để chấm thanh tra. Thời gian mời hai giám khảo ấy lên, thời gian trao đổi, thống nhất với các giám khảo...kéo dài rất lâu, nhất là bộ môn văn, có trường hợp trao đổi cả tiếng đồng hồ mà chưa ngã ngũ. Do đó, Bộ cần tính lại cho phù hợp với thực tế, bằng cách tăng thêm số lượng người chấm thanh tra từ 2 người mỗi môn lên 4 đến 6 người, mới đảm bảo chấm khoảng 5% tổng số bài.

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, ước tính mức trung bình một giáo viên chấm từ 75 đến 100 bài một ngày. Theo tôi, mức đó quá cao, gây quá tải, khó đảm bảo chất lượng. Đâu chỉ có thời gian đọc, theo dõi, cân chắc cho điểm các câu, toàn bài, mà các giám khảo còn phải ngồi lại thống nhất điểm, ghi điểm vào bài và tờ phiếu cho điểm. Cứ tưởng là nhanh nhưng thực tế rất mất thời gian, có cặp chấm sau cả giờ, hai giờ mới thống nhất với nhau được. Lâu nay, nhiều hội đồng chấm thi dường như chỉ chú trọng nhiều đến tiến độ, mức bồi dưỡng của giám khảo mà ít quan tâm tới chất lượng, định mức số bài chấm mỗi ngày sao cho đảm bảo chất lượng. Bài thi thì nhiều, giáo viên làm giám khảo thì mời ít, thậm chí có địa phương huy động hết mà vẫn thiếu ( như môn địa), cho kịp tiến độ, họ " bắt" giám khảo chấm ngày lẫn đêm. Chấm theo tiến độ, mỗi ngày phải chấm xong 4, 5 xấp bài, bài thi của thí sinh không có sai sót, nhầm lẫn, mới là chuyện lạ. Năm vừa rồi, Bộ chấm thanh tra lại, phát hiện ra gần 50 % bài được chấm có độ lệch điểm. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện  lệch điểm nhiều như vậy, chắc chắn có nguyên nhân các Hội đồng thi " bắt" giám khảo chấm quá sức? Theo tôi, mỗi ngày, mỗi giám khảo chỉ chấm khoảng 5O bài là được. Các môn có số lượng giáo viên đông, Sở Giáo dục nên huy động nhiều giáo viên chấm, chấm trong khoảng 5 đến 6 ngày, không để kéo dài đến chục ngày, khiến giám khảo dễ mệt mỏi, uể oải... chấm bài khó đảm bảo độ chuẩn xác.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm nay có bổ sung việc cho phép các Sở GD-ĐT với mỗi môn thi tự luận được cử một giáo viên đến giám sát việc chấm thi của tỉnh chấm chéo bài thi cho tỉnh mình. Điểm mới này xuất phát từ sự cố năm 2009, một số tỉnh khu vực ĐBSCL có điểm thi tốt nghiệp môn văn khá thấp. Khi đoàn thanh tra tổ chức chấm lại thì nhận thấy các tỉnh đã chấm hơi chặt. Điểm mới của Bộ với mục tiêu đảm bảo cao nhất tính khách quan, công bằng và dân chủ. Nhưng xem ra nó không cần thiết, vì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Bởi lẽ, giáo viên giám sát không thể can thiệp vào công tác chấm thi của hội đồng chấm. Bộ còn đưa hướng mở, địa phương nào thấy cần thiết thì cử người đi, không thấy cần thiết thì thôi. Đến nơi chấm bài thi của tỉnh mình, chỉ để giám sát, không có cái danh, cái quyền " can thiệp" nào thì chỉ tốn kém, lãng phí thời gian. Về điểm mới này, chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT nên hủy bỏ hoàn toàn là tốt nhất

Đỗ Tấn Ngọc
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi           

 

LTS Dân trí - Những quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay nhằm mục đích cải tiến cho việc tổ chức gọn nhẹ hơn mà vẫn bảo đảm sự khách quan, chính xác. Nhưng theo sự đóng góp ý kiến của nhà giáo viết bài trên đây thì có những điều băn khoăn không biết đấy có đích thực là sự cải tiến kỳ thi hay tạo ra những kẽ hở dẫn tới sự gian lận, không bảo đảm tính khách quan và công bằng của kỳ thi.

Việc bắt các giám khảo cũng như người chấm thanh tra phải hòan thành khối lượng lớn công việc mỗi ngày, vượt quá sức lực của mình cũng là nguyên nhân tạo ra những sai sót dẫn tới sự thiếu khách quan và chính xác.

Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm trong công việc này của Bộ GD-ĐT xem xét những ý kiến đóng góp nói trên để có sự điều chỉnh hợp lý nhằm bảo đảm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới được an tòan và chính xác.