Tư vấn pháp luật:

Có quyền đòi được chia tài sản ngay không?

(Dân trí) - Bố mẹ tôi kết hôn và có 3 người con và tạo lập được khối tài sản là 2 căn nhà, nhưng do mẹ tôi chơi bời nên đã bán 2 căn nhà này đi để trả nợ và mua một căn nhà khác.

Tháng 4 năm 2004 bố tôi qua đời không để lại di chúc, căn nhà đang ở lại đứng tên mẹ của tôi, nhưng đến nay mẹ tôi lại rơi vào tình trạng nợ nần, chúng tôi lo sợ lại mất nốt ngôi nhà này nên anh em chúng tôi muốn hưởng phần thừa kế để giữ lại đất ở. Vậy cho tôi hỏi tình hình như nhà chúng tôi thì anh em tôi có quyền đòi được chia tài sản ngay không? (Trần Hải Hiền, Email: hien_bluexchange@yahoo.com.vn)

Có quyền đòi được chia tài sản ngay không? - 1

Trả lời:

Căn cứ điểm b mục 3 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về tài sản chung của vợ chồng (Điều 27-Luật Hôn nhân gia đình) như sau:

“Khoản 2 Điều 27 quy định: "Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng".

Thực tiễn cho thấy chỉ có tài sản rất lớn, rất quan trọng đối với đời sống gia đình thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu mới ghi tên của cả vợ chồng (như: nhà ở, quyền sử dụng đất...), song cũng không phải trong mọi trường hợp. Đối với các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận thường chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng (như: xe môtô, xe ôtô, tàu, thuyền vận tải...). Mặt khác, khoản 1 Điều 32 đã quy định cụ thể về tài sản riêng của vợ chồng.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1 Điều 32 (ví dụ: được thừa kế riêng một khoản tiền và dùng khoản tiền này mua cho bản thân một chiếc xe môtô mà không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng). Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì theo quy định tại khoản 3 Điều 27 tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng”.

Theo quy định nêu trên, gia đình bạn có một ngôi nhà mang tên mẹ bạn, nếu mẹ bạn không chứng minh được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng…thì ngôi nhà này là tài sản chung vợ chồng của bố mẹ bạn. Bố bạn mất đi thì 1/2 khối tài sản trong tài sản chung của vợ chồng trở thành di sản thừa kế theo quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2005:“Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật lao động quy định “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

Đồng thời khoản 2 quy định “Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.

Theo bạn trình bày bố mẹ bạn có 3 người con nên hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn có 4 người gồm: người vợ và 3 người con (trong trường hợp này ông bà nội bạn đã mất, bố bạn không có con nuôi nào khác), mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

Theo Điều 645 Bộ luật Dân sự quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".

Bố bạn mất tháng 04/2004, không để lại di chúc nên bạn có quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đến tháng 04/2014.

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

 Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc