Có nên lắp camera trong các lớp mầm non?

Sau khi có hiện tượng thầy cô giáo dùng biện pháp bạo lực, gây thương tích cho trẻ học mầm non, khiến dư luận công phẫn. Để làm yên lòng phụ huynh, nhiều trường áp dụng lắp camera… Để hiểu hơn về vấn đề này chúng tôi xin trích bài ông Lê Sĩ Tứ trên báo Lao Động.

Có nên lắp camera trong các lớp mầm non?  - 1

Liệu camera có thực sự làm yên lòng phụ huynh?

Chị Cao Thủy - kỹ sư xây dựng, nhà ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - nói: “Từ khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin có nhiều vụ đánh đập, ngược đãi trẻ em, tôi rất lo, cố tìm gửi cậu con trai đến trường có hệ thống camera kiểm soát việc nuôi dạy các cháu của các cô, tôi thấy yên lòng. Dù ở xa, tôi vẫn thấy như được ở bên cháu. Mở màn hình máy tính ra là tôi có thể trông thấy “cục cưng” của mình đang làm gì, từ đó có thể nhắc các cô cho cháu mặc thêm áo ấm, uống thuốc đúng giờ... Mặc dù học ở các trường này học phí cỡ trên 4.000.000 đồng/tháng, so với các trường không trang bị camera thì cao hơn rất nhiều”.

Nhưng không phải phụ huynh nào cũng đặt niềm tin vào camera. Anh Trần Văn - ở chung cư Trung Hoà - Nhân Chính (Hà Nội) - khẳng định: “Camera chỉ là một thứ công cụ do con người điều khiển, nó làm sao điều khiển được con người? Nếu cô giáo muốn phạt quỳ, bắt úp mặt vào tường, đánh lũ trẻ ở vị trí máy ghi hình không lia đến được thì cha mẹ cũng xin chào thua. Chưa kể học phí của những trường lắp đặt camera cao hơn các trường bình thường nhiều lần, với mức lương của cán bộ viên chức nhà nước làm sao đủ khả năng cho con theo học?”.

Chị Kim Loan - kế toán cho một Cty TNHH - tâm sự: “Gửi cháu tại một trường có hệ thống camera theo dõi, thế là mẹ hằng ngày phạm tội “ăn cắp giờ vàng ngọc” chăm chăm mở laptop xem cô con gái rượu giờ này đang làm gì. Nhiều hôm sếp bắt gặp, phê bình gay gắt, thế là chẳng dám xem nữa. Cuối cùng vẫn cứ đặt hết niềm tin vào các cô giáo”.

Bà Thìn - phố Hàng Buồm (Hà Nội) - về hưu, quỹ thời gian nhiều, vợ chồng anh con trai bận công tác, công việc đưa cháu đi học, đón cháu về nhờ cả vào bà nội. Họ còn hướng dẫn bà cách mở màn hình theo dõi cháu suốt thời gian cháu học ở trường. Bà bảo: “Nhìn cháu trong màn hình thấy sạch sẽ, áo quần tươm tất. Chiều đến đón cháu lại thấy mồ hôi nhễ nhại, áo quần xộc xệch, mặt mũi lem luốc. Camera vừa tốn tiền mà chẳng giải quyết được gì cả”. Ấy là chưa kể, những trường đặt hệ thống camera, đương nhiên trở thành trường “điểm”, con nhà giàu đua nhau đến xin học, ắt nảy sinh mối quan hệ “xin - cho”, mầm mống tiêu cực trong giáo dục lại có đất tung hoành. Và các cháu con nhà nghèo phải đối diện với hiện tượng phân chia đẳng cấp giàu nghèo trong xã hội.

Việc một số cha mẹ học sinh có nguyện vọng lắp hệ thống camera để giám sát công việc của cô giáo tại lớp học, chứng tỏ họ không an tâm chất lượng giáo dục của bậc học mầm non. Nhưng để khắc phục điểm yếu kém này không thể bằng biện pháp đơn thuần kỹ thuật chỉ mang tính chất “giải pháp tình thế”. Mà có chăng, biện pháp tạm thời ấy cũng chỉ áp dụng tại một số trường, tỉ lệ rất thấp. Hơn nữa, theo ý kiến nhiều cô giáo, lắp camera giám sát không hiệu quả, không ngăn chặn được tình trạng bạo hành, lại gây áp lực không cần thiết trong giáo viên. Cô giáo cảm thấy bị xúc phạm, không được tôn trọng, tin tưởng.

Cô giáo Kim Dung - dạy tại một trường mầm non ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - bức xúc: “Bị giám sát suốt hơn 10 tiếng đồng hồ cả một ngày lao động, quá nhiều áp lực, môi trường làm việc như vậy là rất hà khắc”. Cô Bảo Ngọc - đồng nghiệp cùng trường với cô Kim Dung nói: “Cô giáo không có lương tâm muốn phạt học trò cho đứng “góc khuất”, thì camera hiện đại đến mấy cũng bị vô hiệu hóa. Đặt camera, ban giám hiệu thêm bệnh ỷ lại, lười nhác, quan liêu. Họ không cần phải “bám lớp”, sát đối tượng dạy và học. Họ chỉ làm mỗi việc săm soi NLĐ tíu tít, vất vả với bầy cháu nhỏ. Ngay trong trường học đã không có công bằng xã hội, thì trường học còn “thân thiện” ở chỗ nào?”.

Chúng ta vẫn dạy học trò phải biết “tôn sư, trọng đạo”. Mọi biện pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở công việc “trồng người” của các thầy - cô giáo, trước tiên phải tôn trọng họ. Nếu trường nào đó có chủ trương đặt hệ thống camera kiểm soát công việc của các cô giáo nên đưa ra hội đồng nhà trường dân chủ bàn bạc, nếu tất cả giáo viên trong trường đều thấy có lợi, làm cho thầy “yêu người, yêu nghề”, có trách nhiệm với công việc, thực sự nâng cao chất lượng dạy và học thì hãy tiến hành, nếu không thì thôi.

Bởi vì lắp đặt hệ thống camera kỹ thuật cao trong một trường học kinh phí không phải nhỏ. Không quản lý chặt chẽ, ngay từ khâu lắp đặt đã nảy sinh tham nhũng. Rồi hằng năm phải bảo quản, bảo dưỡng, đều mất tiền. Ở Hà Nội, có trường lắp đặt xong, dùng được năm đầu, năm học sau trở thành phế liệu.

Nghề dạy học không đơn thuần chỉ dạy kiến thức khoa học cơ bản, quan trọng hơn dạy các cháu cách sống, nhân cách làm con người chân chính. Thay vào hệ thống camera vô tri vô giác tốn kém, ban giám hiệu từng trường nên chăm đi dự giờ, nắm chắc tình hình lớp học, nếu thấy cô giáo có biểu hiện bạo lực với học trò không đúng mức, góp ý luôn, góp ý nhiều lần không sửa thì sa thải. Quyền của hiệu trưởng được Luật Giáo dục quy định như vậy sao không làm. Nhà trường thường xuyên giáo dục đạo đức, thầy giáo phải có tâm huyết với nghề, có lương tâm và lòng yêu trẻ, coi học trò như con em mình. Mỗi thầy - cô giáo tự giác rèn luyện “là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

Và một điều nữa, “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”, các cấp lãnh đạo cần thiết thực quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của các thầy - cô giáo, đặc biệt là ở cấp học mầm non. Chế độ lương bổng của các cô quá thấp, công việc nuôi dạy trẻ  bận như con mọn, suốt ngày vất vả. Làm việc nhiều, đãi ngộ ít, yên tâm lâu dài với nghề quả là khó khăn. Các cụ ta đã dạy: “Có thực mới vực được đạo” kia mà.

Theo Lê Sĩ Tứ
Lao Động