Cô gái mặc trang phục cảnh sát để câu like sẽ bị xử phạt thế nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Gần đây trên các trang mạng xã hội như facebook, tiktok thi thoảng lại xuất hiện những hình ảnh, clip của người bình thường mặc trang phục công an.

Mới đây qua công tác nắm tình hình không gian mạng, công an thành phố Hà Nội phát hiện một tài khoản Tiktok đăng tải clip cô gái trẻ mặc trang phục Cảnh sát giao thông để câu like, đồng thời xác minh người này là T.D.H, SN 1989, trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa.

Tại cơ quan công an, H. khai nhận là chủ một salon tóc, không công tác trong lực lượng công an nhưng đã sử dụng bộ trang phục Công an Nhân dân (cụ thể là cảnh sát giao thông) để livestream trên Tiktok vào các ngày 7 - 9/6/2022.

Công an quận Đống Đa đã lập hồ sơ xử lý H. về hành vi sử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân CAND).

Cô gái mặc trang phục cảnh sát để câu like sẽ bị xử phạt thế nào? - 1

Nếu mặc trang phục công an đăng lên mạng chỉ để câu like sống ảo, người thực hiện có thể sẽ bị phạt hành chính đến 1,5 triệu đồng (Ảnh: Công an Hà Nội).

Hành vi mặc trang phục CSGT livestream câu like bị xử lý như thế nào?

Theo Bộ Công an, cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, trang phục CAND là các mặt hàng đặc thù chỉ được sản xuất, cung cấp bởi các đơn vị được cho phép sản xuất thuộc lực lượng vũ trang và chỉ được cấp phát, sử dụng cho cán bộ chiến sỹ CAND sử dụng khi thi hành công vụ. Người được cấp phát có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển Ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi các quân trang, thiết bị này.

Theo Khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP ngày 21/4/2016 của Chính phủ quy định: "Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, gần đây trên các trang mạng xã hội như facebook, tiktok thi thoảng lại xuất hiện những hình ảnh, clip của người bình thường mặc trang phục công an. Những hình ảnh này được đăng tải chủ yếu nhằm mục đích câu like, câu view của người xem.

Tuy nhiên, đây được coi là hành vi vi phạm pháp luật và có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân nếu có bất kỳ hành động nào không đúng mực.

Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng công an nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.500.000 đồng.

Như vậy, nếu mặc trang phục công an đăng lên mạng chỉ để câu like sống ảo, người thực hiện có thể sẽ bị phạt hành chính đến 1,5 triệu đồng.

Ngoài ra, tại Điều 19 cũng quy định các mức phạt khác với các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân như:

- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.

- Phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.

Về xử lý hình sự: Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân.

Trường hợp cố tình giả mạo công an đồng thời thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, người thực hiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác tại Điều 339 Bộ luật Hình sự với mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.