Từ vụ doanh nhân ở Hà Nội bị phong tỏa tài khoản tiết kiệm:

Có được phong tỏa tài khoản khi chưa xử lý khoản vay?

Khả Vân

(Dân trí) - Sau việc 5 tài khoản gửi tiết kiệm của doanh nhân có tiếng ở Hà Nội bị phong tỏa, nhiều độc giả thắc mắc tại sao chưa xử lý tài sản đảm bảo của khoản vay mà đã phong tỏa tài khoản của cá nhân?

Vụ việc bà Phạm Thị Thanh Khuyên - Chấp hành viên được Chi cục THADS quận Ba Đình phân công tổ chức thi hành án đã ký quyết định phong tỏa 5 tài khoản gửi tiết kiệm tại một ngân hàng của bà H.T.B. (thường trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) với tổng số tiền 15,2 tỷ đồng… đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. 

 "Theo như nội dung báo đăng tải thì khoản vay của người phải thi hành án có tài sản bảo đảm. Khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì phải xử lý tài sản bảo đảm trước, khi tài sản bảo đảm không đủ trả nợ thì mới kê biên phong tỏa các tài sản khác. Trường hợp này chưa xử lý tài sản bảo đảm của khoản vay mà đã phong tỏa tài sản khác là sao?", độc giả Hân Hân băn khoăn.

"Vay tiền thì đảm bảo bằng tài sản. Nay không trả được thì phát mãi, việc gì phải phong tỏa cả tài khoản của họ?", độc giả Hien Nguyen thắc mắc.

Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 10 Điều 114, Điều 124 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và  Điểm a Khoản 3 Điều 66 Luật thi hành án dân sự hiện hành, phong tỏa tài khoản là một biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong quá trình xử lý các vụ án dân sự, nhằm bảo đảm sự công bằng và hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp hoặc thực hiện các quyết định của tòa án.

Có được phong tỏa tài khoản khi chưa xử lý khoản vay? - 1

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng đội, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Việc áp dụng phong tỏa tài khoản đặt lên mục tiêu trọng yếu là đảm bảo tính minh bạch và sự công bằng trong quá trình giải quyết vụ án. Khi một tài khoản bị phong tỏa, việc truy cập và sử dụng các tài sản tài khoản đó sẽ bị hạn chế hoặc ngừng hoàn toàn.

Biện pháp này đảm bảo rằng không có hành vi chiếm đoạt hoặc chuyển nhượng tài sản trong quá trình xử lý vụ án, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thi hành án sau khi quyết định của tòa án được đưa ra. Bởi nếu không áp dụng biện pháp này có thể sẽ dẫn đến trường hợp thi hành án do không còn tài sản, tài khoản thi hành án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được thi hành án.

Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản được áp dụng khi đáp ứng một trong các điều kiện tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-NHNN sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 02/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước, theo đó tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán sẽ thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng.

Trong trường hợp này, việc phong tỏa tài khoản nêu trên được căn cứ vào Bản án số 138/2023/DSPT của TAND TP Hà Nội, Bản án số 189/2022/DSST của TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và quyết định thi hành án của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình, Chi cục THADS quận Ba Đình. Do đó, việc phong tỏa này phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Thông tư trên: "Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật"

Khi không còn căn cứ để áp dụng biện pháp này thì chấp hành viên ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa tài khoản theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật thi hành án dân sự hiện hành: Người phải thi hành án đã thi hành xong nghĩa vụ thi hành án; Cơ quan, tổ chức đã thực hiện xong yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án; Có quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 50 của Luật THADS.

Do đó, việc áp dụng biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản trong trường hợp trên là phù hợp với quy định của pháp luật. Và điều này không đồng nghĩa tài khoản bị phong tỏa bao nhiêu thì luôn luôn được dùng để thi hành án hết mà còn tùy vào nghĩa vụ của người phải thi hành án. Chấp hành viên chỉ xử lý đến tài khoản này khi tài sản đảm bảo không đủ để thi hành án và việc lấy thêm bao nhiêu thì sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Nếu người phải thi hành án không đồng ý với quyết định phong tỏa tài khoản của Chấp hành viên thì có quyền khiếu nại quyết định này trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, Đại diện Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, đến nay không nhận được khiếu nại nào của bà H.T.B. về quyết định thi hành án nêu trên.