Có bao nhiêu loại thuốc tăng giá kiểu này

Ông bạn tôi là một nhà giáo nghỉ hưu đã hơn chục năm rồi, nhưng cái tính cẩn trọng của ông vẫn không thay đổi.Vừa rồi, ông đến chơi và hỏi tôi về chuyện “ Giá thuốc mấy tháng gần đây nhiều thứ tăng đột biến, chẳng hiểu lý do vì sao?”

Trong nhiều lọai thuốc có giá tăng nhanh, có những thuốc thông thường như Vitamin C . Đó là lọai thuốc tăng giá liên tục và bất hợp lý về phân loại “Thuốc” với “Thực phẩm chức năng”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ông đưa tôi xem 3 lọ Vitamin C mà ông và  vợ con ông vừa mua để dùng, mua ở 3 nhà thuốc GPP  ở quận Cầu Giấy , rồi ông trình bày :  -Tháng 2 năm 2010 tôi mua 1 lọ 100 viên Vitamin C 100mg, giá 2500 đồng , hạn dùng năm 2011. Khi hết thuốc tôi đến nhà thuốc, người bán thuốc bảo : bây giờ người ta không sản xuất  viên  Vitamin C 100mg nữa, mà chỉ sản xuất viên 50mg thôi..(1) Khi trả tiền người bán thuốc bảo: Thuốc bây giờ lên giá rồi, lọ thuốc này là 7000 đồng . -Tôi giật mình hỏi lại:  Lần trước tôi mua viên hàm lượng 100mg có 2500 đồng lọ 100 viên, bây giờ viên hàm lượng bằng 50% giá lại 7000đồng, như vậy là giá tăng tới  560% , thật là vô lý. Người bán thuốc nói: Giá thuốc cháu nhập vào đã  6800 đồng rồi , nếu bác thấy đắt thì trả thuốc lại cho cháu , sang hàng khác mà mua. Tôi ngại đi xa , nên đành mua vậy. 

Về đến nhà , bà xã nhà tôi đi chợ về cũng mua 1 lọ 100 viên Vitamin C 50mg, giá 6500 đồng, nhãn lại ghi là: Thực phẩm chức năng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. (2) Tôi hỏi: bà mua thuốc ở đâu? Bà ấy bảo: tôi mua trong nhà thuốc GPP cơ đấy.  Hôm sau con gái tôi đi công tác về lại đưa cho bố 1 lọ Vitamin C 100mg, 100 viên , giá ghi dán nắp lọ là 6000 đồng (3). Tôi  hỏi: con mua thuốc ở đâu?  Nó trả lời: ở nhà thuốc GPP đầu Cầu Giấy.  

Ông xem giá cả thuốc men bây gì nó cứ loạn cả lên. Cùng là Vitamin C viên 50 mg,  nhưng sản xuất ở nơi này là Thuốc theo tiêu chuẩn Dược điển VN III, nơi khác sản xuất lại là Thực phẩm chức năng, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, không có tiêu chuẩn nào cả. Cả 2 thứ đều do Bộ Y tế cấp phép sản xuất.

Tôi nói:  Vấn đề giá thuốc dùng cho người, đã được Bộ Công thuơng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế ra Thông tư liên tịch tháng 8/2007 , giao cho các cơ sở: Sản xuất,  Nhập khẩu, Bán buôn, bán lẻ thuốc tự định giá…..Giá bán phải được niêm yết và bán đúng giá niêm yết. Thuốc bán lẻ, giá phải được dán trên từng đơn vị  đóng gói (lọ, vỉ,hộp vv..)    Cơ quan quản lý về giá thuốc (Cục Quản lý Dược VN và Sở Ytế) có trách nhiệm xem xét tính hợp lý của giá thuốc không thực hiện việc phê duyệt giá thuốc  . Như vậy,những loại thuốc tăng giá mà ông vừa nêu, Sở Y tế (tỉnh, thành) chỉ được xem xét tính hợp lý của giá  thuốc , chứ không được quyền phạt vì nâng giá vô tội vạ.

Liên hệ với các loại hàng khác như sữa, thép vv.. Nhà nước ta cũng quản lý giá kiểu này. Với lý do, cạnh tranh thị trường, khách hàng sẽ từ chối mua hàng giá  đắt (trong thực tế: chỉ người mua buôn mới bõ công tìm hiểu thị trường chọn hàng tốt giá rẻ hơn để mua, còn người mua lẻ thì 95% là không có thời gian tìm hiểu thị trường, so sánh giá đắt, rẻ). Đó là chỗ sơ hở về quản lý vĩ mô. Chỉ có Thủ tướng và Quốc hội mới có thể giải được.

 *Còn về việc: phân định giữa Thuốc và Thực phẩm chức năng  là vấn đề vừa qua  được bàn luận rất nhiều trong sinh hoạt các Chi hội Dược chúng tôi, chúng tôi có nhận xét là :

 -Các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, vv..Thuốc và Thực phẩm chức năng thống nhất quản lý trong 1 tổ chức là Cục Quản lý Thực, dược phẩm, vì cả 2 thứ Thức ăn và Thuốc đều có vai  trò quan trọng với sức khoẻ và sự An, Nguy của con người. 

-Còn ở nước ta lại chia ra: -Thuốc do Cục Quản lý Dược VN chịu trách nhiệm quản lý, giám sát.  -Thực phẩm chức năng do Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm quản lý và giám sát.

Mỗi cục lại do 1 Thứ trưởng Bộ Y tế quản lý. -Thuốc thì đã có bộ máy và quy trình quản lý, tiền kiểm, hậu kiểm rất chặt chẽ (được bổ sung , sưả đổi thường xuyên từ 60 năm nay)          -Thực phẩm chức năng mới xây dựng bộ máy và quy trình quản lý được mấy năm nay ( từ 2004).  Do đó các nhà kinh doanh, sản xuất tha hồ lách luật ( vì: Quy chế quản lý còn nhiều sơ hở, thiếu sót. Bộ máy quản lý còn sơ sài , chưa có kinh nghiệm)  Nhiều thứ trước năm 2005 là Thuốc, thì nay lại là Thực phẩm chức năng (nhiều nhất là các loại Đông dược) vì sẽ tránh được việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong thời gian lưu thông trên thị trường (nếu không đạt tiêu chuẩn như đã đăng ký thì bị cấm lưu hành, phải thu hồi sản phẩm) Như vậy cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm kém chất lượng không được loại bỏ, tốt xấu, hư hỏng thì người mua đều chịu cả.

Thực phẩm chức năng nhập ngoại phần lớn là sản phẩm của các nhà sản xuất nổi tiếng ở các nước Âu Mỹ, khi vào nước ta sẽ được Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cấp giấy Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và kê khai giá là được lưu hành, nên ta có thể yên tâm về chất lượng, còn giá cả thì thật là giá trên Trời (vì chủ yếu là bán hàng đa cấp, lợi nhuận chia cho các cấp trung gian, đều được tính vào giá bán cho người dùng gánh chịu)

 

                                    DS.Trần Xuân Thuyết

                        (Ngõ 1 đường Phạm Hùng HN, ĐT 37.687149)

 

 

Ghi chú :  Nhãn ghi:
(1)  100 viên nén Vitamin C 50mg   SĐK: VD 1303-06.    CTCP Dược TBYT Hà Tĩnh  -Lô SX 020310  -HD: 03/03 12.  Tiêu chuẩn áp dụng DĐVN III

(2) Thực phẩm chức năng Vitamin C 50mg  100 viên  SĐK: 4295/2009/YT-CNTC

CTCP Dược VTYT Nghệ An. Lô SX:120310.  HD: 0312.  Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

(3) 100viên nén Vitamin C 100mg Acid Ascorbic. SĐK: VNA-2386-04.  Công ty Cổ phần Dược phẩm Quảng Bình.   DĐVN  -Lô/NSX:117/301209  -HD: 291211

 

LTS Dân trí - Thuốc là loại mặt hàng thiết yếu đối với đời sống người dân. Gần đây, hầu như mọi lọai thuốc đều không ngừng tăng giá nhanh, Bộ Y tế lại dục dịch cho tăng viện phí với mức cao, như vậy quả thực đã gây nên những áp lực đối với đời sống người dân, nhất là những người nghèo, lại hay ốm đau.

Bài viết trên đây nêu khá rõ giá thuốc tăng vì tình trạng quản lý lỏng lẻo, “thả nổi” cho hiệu thuốc tăng giá và “dành quyền” lựa chọn cho người mua thuốc bán lẻ, nhưng thử hỏi người mua làm sao biết được giá thuốc trôi nổi trên thị trường để lựa chọn? Các cửa hàng còn lách sự kiểm tra bằng cách thay tên thuốc bằng lọai “thực phẩm chức năng”.

Mong rằng Bộ Y tế và các ngành có liên quan sớm có biện pháp chấn chỉnh tình trạng nói trên, lập lại trật tự trong việc kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.