Bạn đọc viết:

Cờ bạc áp đảo ngày tết làng quê

Trên từng con đường, từng ngỏ nhỏ làng quê ngày tết, đâu đâu cũng tụ tập nhiều đám đông ngồi quây tròn đánh bạc giữa thanh thiên bạch nhật. Không khí ngày xuân dường như bị khỏa lấp vào những màn đỏ đen.

Cờ bạc áp đảo ngày tết làng quê - 1


Đó là một thực trạng đáng báo động đang hoành hành tại thôn, Phú Thịnh, Phú Mỹ, Hương Tảo, xã Ngọc Tảo, (Phúc Thọ, Hà Nội).
 
Ngày tết là dịp để mọi người đoàn tụ, xum vầy thăm hỏi chúc tết với mong muốn mọi điều may mắn sẽ đến với nhau trong năm mới. Đó là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được lưu giữ từ xưa đến nay.

 

Nhưng hiện nay nét đẹp truyền thống đó đang dần phai nhạt, xen lẫn vào đó là những trò đỏ đen ngày tết được dịp tung hoành. Cờ bạc len lỏi trên khắp các con đường, từng ngỏ nhỏ, trong những ngôi nhà mà theo cách gọi của người dân nơi đây là “đánh bạc vui xuân” và “vui xuân có thưởng”.

 

Không khí xuân dường như biến mất mà thế vào đó là những màn đỏ đen trắng trợn. Không phân biệt già trẻ, gái trai, lớn bé, từng tốp người ngồi quây tròn “đan quạt”, “xòe quạt” cả ngày lẫn đêm một cách ngang nhiên mà không gặp bất cứ một trở ngại nào.

 

Theo quan sát của chúng tôi, các trò đỏ đen ngày tết chủ yếu là xóc đĩa, ba cây, cua cá, phỏm, tam cúc… nhưng phổ biến nhất vẫn là xóc đĩa và ba cây.

 

Mỗi tốp người khoảng hơn 10 người ngồi thành vòng tròn, có khi còn tràn ra giữa đường. Nhìn mặt người nào cũng đỏ rực, hai con mắt chăm chú nhìn vào ma lực của chiếc bát đặt lên úp xuống . Hòa với “sức nóng” của trò chơi, những lời lẽ văng tục cũng diễn ra thường xuyên, đôi khi còn cãi vã chửi nhau thậm tệ vì được thua. Khi nhà cái (chủ bát) hô lớn: “Chẵn phải, lẻ trái” từng đồng tiền polime xanh, đỏ thi nhau đặt xuống. Người đánh thấp nhất cũng 50 nghìn còn lại phần lớn là từ 100, 200 nghìn đến 500 nghìn. Nếu làm một phép tính đơn giản thì mỗi lần mở bát cũng lên đến gần 1 triệu đồng. Một số người do “đen bạc” tính sơ sơ chỉ trong một lúc khoảng chục triệu đồng cũng theo đó “không cánh mà bay”.

 

Một cụ cao niên trong làng thở dài nói: “Cả năm có mấy ngày tết nhưng con cháu có đứa nào chịu ở nhà đâu. Chúng nó làm cả năm tích cóp được ít tiền lại đem nướng vào cờ bạc hết”.

 

Một cụ khác bức xúc: “Năm nào cũng vậy, cứ đến tết là nơi đây lại đầy rẫy những đám bạc. Có năm còn xảy ra xô sát đánh nhau phải nằm viện cả tháng trời, mong sao mấy ngày tết qua nhanh nếu không chúng nó lại làm loạn cả cái làng này”. Ngồi nghe các cụ than vãn tôi lại nhớ đến câu nói: “Cờ bạc là bác thằng bần”. Thiết nghĩ sát phạt nhau kiểu này không ít gia đình sẽ khuynh gia bại sản và rồi theo đó các tệ nạn xã hội như trộm cắp, đánh nhau…. Cũng không ngừng ra tăng bởi những trò chơi may rủi. Chẳng nhẽ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lại làm ngơ.

 

Đỗ Việt