Chúng ta cần niềm tin và nghị lực

Đọc bài “Xót xa thân phận giảng viên trẻ”, tôi chia sẻ với những bức xúc và trăn trở của bạn đồng nghiệp. Xã hội luôn luôn đòi hỏi ở các thầy, các cô rất nhiều nhưng sự đãi ngộ không phải lúc nào cũng thoả đáng.

Là một giảng viên trẻ, tôi thường bị các bạn đồng lứa giễu rằng “mày có tiếng mà không có miếng”. Nhà giáo là một nghề đáng tự hào nhưng cuộc sống lại bắt đầu từ những điều hết sức cụ thể như cơm ăn hay nước uống.

 

Thế nhưng, tôi không có ý định phàn nàn trong bài viết này bởi lẽ phàn nàn cũng không giải quyết được gì. Tôi muốn chia sẻ về thái độ ứng xử của những giảng viên trẻ với những khó khăn xuất phát từ kinh nghiệm của chính mình và các bạn đồng nghiệp.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trước hết cần phải nói rằng chúng ta đang sống trong nền kinh tế tri thức. Nghĩa là, chúng ta phải dùng tri thức để làm giàu cho chính mình. Không có lý gì khi một giảng viên giảng dạy đại học có năng lực và tri thức lại cam chịu một cuộc sống khó khăn. Hơn nữa, khi các chính sách chưa thể đảm bảo được cho ta thì ta hãy tự lo cho mình và đi lên từ chính thế mạnh của bản thân.

 

Trên thực tế, giảng viên có thể làm thêm nhiều việc. Dạy thêm là công việc sát chuyên môn nhất. Giảng viên cũng có thể viết báo và nhận các công việc khác phù hợp với chuyên môn của mình. Chính các em sinh viên còn đi dạy thêm, làm các công việc liên quan đến chuyên ngành để được trải nghiệm thực tế thì các thầy, các cô tại sao không?

 

Chính trong khó khăn, thử thách mà các thầy các cô càng cần phải vượt lên để khẳng định mình và để làm gương cho học trò. Thực ra, các thầy các cô lớn tuổi của chúng ta đã từng phải đi qua thời bao cấp đầy khó khăn. Khó khăn mỗi thời mỗi khác nhưng họ có thể vượt qua thì chúng ta cũng có thể vượt qua.

 

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cần có niềm tin và nghị lực. Một học trò của tôi từng nói một câu mà tôi rất tâm đắc: “Nghị lực không hẳn là phải vượt qua những thử thách lớn lao. Nghị lực là vượt qua những cái bình thường, thậm chí tầm thường của cuộc sống để một cuộc đời có ý nghĩa”.

 

Vân Sơn

 

LTS Dân trí - Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, cách ứng xử tích cực nhất là hãy thực hiện một câu nói quen thuộc mà có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.

 

Kinh nghiệm vượt qua khó khăn của tác giả viết bài trên đây cũng là như vậy. Đấy là giải pháp trước mắt đối với những giảng viên trẻ, nhưng là cần thiết và có hiệu quả. Về lâu dài, thì các cấp quản lý vĩ mô của ngành giáo dục cũng như quản lý nhà trường, cần có giải pháp chăm lo tốt hơn đời sống cũng như điều kiện hành nghề của các giảng viên trẻ để họ có thể dành tất cả trí lực và tâm huyết cho nghề. Chỉ có như vậy mới nhanh chóng xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy đại học đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng của nền giáo dục đại học nước ta trong thời kỳ mới.