Chung cư Thanh Hà bị cắt nước: Người dân có thể khởi kiện?

PV

(Dân trí) - Cuộc sống của hơn 34.000 người dân tại khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) bị đảo lộn vì cắt nước sinh hoạt không báo trước, độc giả Dân trí bày tỏ băn khoăn: "Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này?".

Trước phản ánh của báo chí và mạng xã hội về tình trạng bị cắt nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), các cơ quan quản lý Nhà nước đã tiến hành chỉ đạo nhanh chóng cấp lại nước cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng mất nước vẫn diễn ra luân phiên dù đã có những giải pháp tạm thời và giải pháp dài hạn được đưa ra trong nhiều buổi họp khẩn của các ban, ngành liên quan.

Gửi ý kiến về các tin tức mà báo Dân trí cập nhật, độc giả Mạnh Hà viết: "Thời buổi công nghệ 4.0 mà người dân Thủ đô vẫn phải chịu cảnh mất nước, chờ đợi, dùng mọi phương tiện để hứng nước mang về. Mất nước làm đảo lộn hết cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt và học tập. Đề nghị chính quyền họp có giải pháp luôn và ngay để dân đỡ khổ. Nếu chưa có giải pháp về đường ống, nguồn nước,…Chính quyền hỗ trợ kinh phí để trả cho các xe chở nước vận chuyển nước về cho dân".

Chung cư Thanh Hà bị cắt nước: Người dân có thể khởi kiện? - 1

Cư dân xuyên đêm chờ "hứng" nước sạch (Ảnh: NVCC).

Cùng đồng cảm với tình cảnh của nhiều người khi thiếu nước sạch, anh Tuấn Phạm: "Nhìn cảnh lấy nước của người dân mà thương cho những người ở chung cư, nỗi khổ không của riêng ai".

"Tôi là cư dân Thanh Hà. Giờ đây hơn 34.000 người dân không có nước để sử dụng, tắm rửa vệ sinh cực kỳ hạn chế. Bản thân tôi và gia đình mấy ngày vừa qua phải dùng nylon bọc bát đĩa khi ăn, đối với rau củ quả không dám rửa vì phải tốn nước. Quần áo phải đi giặt ngoài.

Không ngờ rằng giữa thủ đô phồn hoa đô thị mà chúng tôi phải sống cuộc sống cơ cực như những năm tháng kháng chiến giành độc lập. Cuối cùng vẫn mong cơ quan chức năng sớm giải quyết vấn đề, cư dân đóng tiền nước sạch phải là nước đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, những sai phạm phải được xử lý không thể để "rút sợi dây kinh nghiệm". Mong cư dân Thanh Hà chúng ta sớm ổn định cuộc sống thường nhật", chủ tài khoản nguyễn ngọc hiệu chia sẻ.

Dân không nộp tiền thì cắt nước, giờ không có nước theo hợp đồng, ai chịu trách nhiệm?

Bên cạnh nhiều ý kiến bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ với nỗi vất vả của cư dân khu đô thị Thanh Hà, không ít độc giả Dân trí đặt ra câu hỏi cho vấn đề trách nhiệm giải quyết tình trạng mất nước này thuộc về cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào.

Bạn đọc có nickname Kamako yuki bình luận: "Ai sẽ chịu trách nhiệm cho vấn đề này?". Đồng quan điểm, tài khoản có tên Quanghuy29 thắc mắc: "Dân không nộp tiền thì cắt nước, giờ không có nước theo hợp đồng thì ai chịu đây?".

Một chia sẻ khác đến từ độc giả Duc Hung Nguyen: "Đó là vi phạm hợp đồng. Chúng ta nên tập thói quen văn hóa là kiện để quy trách nhiệm cụ thể. Không thể rút kinh nghiệm và xin lỗi khơi khơi mãi được".

Chung cư Thanh Hà bị cắt nước: Người dân có thể khởi kiện? - 2
Chung cư Thanh Hà bị cắt nước: Người dân có thể khởi kiện? - 3

Không có nước để rửa bát, người dân phải dùng màng bọc thực phẩm bọc xung quanh bát, đĩa để tái sử dụng (Ảnh: NVCC).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Chí Công & Thiện Tâm, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: Hoạt động cấp nước cho người dân cần tuân thủ các thỏa thuận giữa người sử dụng (người dân) và đơn vị cấp nước. Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011) thì người dân có quyền được cung cấp đầy đủ, kịp thời về số lượng, đảm bảo về chất lượng dịch vụ đã nêu trong hợp đồng, đồng thời có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kịp thời khôi phục việc cấp nước khi có sự cố.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 55 Nghị định nêu trên cũng quy định rõ về nghĩa vụ của đơn vị cấp nước như sau: Xử lý sự cố, khôi phục việc cấp nước; bảo đảm cung cấp dịch vụ cấp nước cho khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ theo quy định và phải bồi thường khi gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước theo quy định của pháp luật.

Luật sư Tâm cũng cho biết thêm: Trong trường hợp có sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước, đơn vị cấp nước có nghĩa vụ thông báo cho các khách hàng có biện pháp dự trữ nước trong thời gian khôi phục dịch vụ cấp nước. Đồng thời cần có những biện pháp kịp thời khắc phục sự cố.

Nếu thời gian khắc phục sự cố kéo dài, đơn vị cấp nước phải phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cấp nước tạm thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến được người dân sinh sống tại khu vực này phản hồi là họ không được thông báo trước nên không dự trữ nước và việc mất nước luân phiên khiến đời sống của họ bị xáo trộn, điều này là sự thiếu trách nhiệm của đơn vị cấp nước cũng như vi phạm nghĩa vụ đã phân tích ở trên.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về câu hỏi: Trong sự việc này, người dân có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại không?, ông Tâm nhận định: Trong trường hợp việc cắt nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, người dân thì người dân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có thỏa thuận dịch vụ cung cấp nước.

Căn cứ theo Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng thì: "Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường". Do vậy, sau khi xác định được đơn vị cung cấp nước có lỗi khi biết sự cố liên quan đến nguồn nước nhưng vẫn cấp nước cho người dân, cắt nước nhưng không nhanh chóng khắc phục và gây thiệt hại liên quan đến sức khỏe, tinh thần, tài sản,…thì người dân có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách yêu cầu đơn vị cấp nước bồi thường thiệt hại, mức bồi thường có thể do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Như chúng ta đã biết, nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận, do vậy, ngoài trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch đã đề cập ở trên thì mỗi người dân cũng cần nâng cao trách nhiệm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, góp phần gìn giữ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên này.

Nguyên Thảo