Tư vấn pháp luật:

Chồng chết có thể rút số tiền trong sổ tiết kiệm của chồng tại ngân hàng không?

(Dân trí) - Chồng tôi bị tai nạn chết đột ngột, chồng tôi có sổ tiết kiệm tại Ngân hàng. Tôi đến ngân hàng để rút số tiền trong sổ của chồng, có mang theo giấy chứng tử, giấy kết hôn, nhưng ngân hàng đòi phải có giấy uỷ quyền.

Theo Quý báo, yêu cầu trên của Ngân hàng như vậy là đúng hay sai (nếu phải làm giấy uỷ quyền thì ai uỷ quyền cho tôi). (Bạn đọc có email: lieukteauy@yahoo.com).

Chồng chết có thể rút số tiền trong sổ tiết kiệm của chồng tại ngân hàng không? - 1

 Trả lời:

Với nội dung câu hỏi chị đưa ra, Công ty Luật Đại Việt trả lời như sau: Vì chồng chị đứng tên chủ sở hữu một khoản tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng nên sau khi qua đời, số tiền trong sổ tiết kiệm đó được hiểu là di sản thừa kế theo Điều 634 Bộ luật Dân sự 2005:

“Điều 634. Di sản 

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

Chị cùng những người thừa kế khác (nếu có) phải tiến hành các thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Cơ quan Công chứng trước khi đến ngân hàng nhận lại số tiền gửi trên theo quy định tại Điều 684, Điều 685 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 49, Điều 50 của Luật Công chứng 2006.

Điều 684, Điều 685, Bộ luật Dân sự 2005 quy định

“Điều 684. Phân chia di sản theo di chúc

1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

Điều 685. Phân chia di sản theo pháp luật

1. Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.”

Điều 49, Điều 50 của Luật Công chứng 2006 quy định:

“Điều 49. Công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản

1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thoả thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.

2. Trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Trong trường hợp thừa kế theo di chúc, người yêu cầu công chứng còn phải xuất trình di chúc.

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh.

4. Văn bản thoả thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Điều 50. Công chứng văn bản khai nhận di sản

1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 49 của Luật này.”

Như vậy, sau khi Cơ quan Công chứng ra Văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, thì những người thừa kế có quyền dùng văn bản đó để tiến hành các thủ tục rút toàn bộ số tiền trên tại ngân hàng.

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc