Chiếc thảm đỏ

- Tết này theo bác ở nước mình ai vui sướng nhất? - Học sinh trung cấp nghỉ đến 17 ngày, trong khi đó phổ thông nghỉ có 11, CBCNVC nghỉ 8 ngày, nghỉ nhiều xưa nay hiếm. - Chú nghĩ cứ nghỉ là vui sướng?

- Với người lao động là thế. Có tiền thưởng, riêng các đối tượng chính sách ở Hà Nội có hơn 195 tỉ đồng quà tết của thành phố, cao nhất dăm trăm, thấp nhất hai trăm. Cứ cho là các doanh  nghiệp họ thưởng cuối năm bằng lương mình làm cả năm đi, nhưng đó là “tự thưởng”.

- Các ông chủ thưởng thợ sao lại “tự”?

- Tiền thưởng là lợi nhuận do thợ làm ra là chính.

- Nghe “kinh tế học” đấy nhỉ. Sao ở TPHCM - thành phố lớn và năng động, hiện đại nhất nước - quốc tế đầu tư đủ mọi lĩnh vực nhưng các doanh nghiệp FDI thưởng tết lại thấp hơn Hà Nội, vốn được gọi là “cờlátxích”?

- Ta gọi nhau thế nhưng quốc tế họ lại xếp Hà Nội giàu hơn. Giàu thụ hưởng các phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, khoa học, văn hoá… Còn ở trong đó đông thợ thuyền, phần nhiều là người làm thuê thu nhập thấp. Tây họ có cách nhìn khác ta tự khen.

- Chỗ đó em biết rồi, chính sách mở cửa, cơ chế đầu tư của ta ban đầu nhằm mục đích thu hút vốn, giải quyết việc làm. Đất đai, nhân công, thuế má đều rẻ, có thế mới là “thảm đỏ”.

- 25  năm rồi, chiếc thảm đỏ nhiều  người đi, đã phai màu, thậm chí cũ nát, cần phải thay thảm mới. Cũng phải tính lại, mình trải thảm đỏ, nhưng lại vẫn có những dự án bạc tỉ “đắp chiếu”, mua đi bán lại, chỉ ăn chênh lệch đất đai hạ tầng, chưa làm sinh lợi gì cho địa phương, đất nước. Như thế trải thảm phí công.

- Ta cứ nói thẳng là chỉ có lợi cho “cái thảm đỏ”, dân thường đã được gì nhiều đâu.

- Chú nói thế là có ý gì?

- Em tưởng câu hỏi này dành cho bác, cao kiến hơn em! Ai được hưởng “phí thảm đỏ” đầu tiên?

 Theo Lý Sinh Sự
Báo Lao Động