Cần thay đổi cách quản lý giáo dục

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đi đôi với giải pháp chiến lược có tính đột phá là “nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên” như dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đã nhấn mạnh, chúng ta còn cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý giáo dục.

Tôi hoàn toàn đồng tình với giải pháp chiến lược có tính đột phá nói trên. Bởi có đội ngũ giáo viên bảo đảm chất lượng, chúng ta mới đào tạo ra được “sản phẩm” chất lượng đáp ứng yêu cầu công việc.“Thầy giỏi mới có trò hay”. Đó dường như là một nguyên tắc, và ngược lại, “trò hay” cũng sẽ làm cho thầy giỏi lên. Bởi thế, trò được quyền đánh giá thầy sẽ góp phần giúp cho người thầy điều chỉnh mình để dạy tốt hơn, giỏi hơn.

 

Trong bài viết này, tôi xin trao đổi, đóng góp thêm ý kiến về một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đó là cần thay đổi tư duy của cán bộ quản lý giáo dục.

 

Ai cũng biết chất lượng giáo dục là tổng hợp thành tựu hoạt động của các trường, mà thành tích có thật của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế-xã hội tại chỗ, cơ sở vật chất, giáo viên, đầu vào học sinh và lực lượng cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng. Thế nhưng lâu nay, khi trường không đạt thành tích tốt thì lãnh đạo tìm cách đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan như cơ sở vật chất thiếu thốn, đầu vào thấp, kinh tế khó khăn, phụ huynh ít quan tâm đầu tư cho việc học của con em…tuyệt nhiên hiếm thấy ai thừa nhận mình quản lý yếu kém nên kết quả không tốt.  

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nhưng có một thực tế là có không ít trường năng lực cán bộ quản lý yếu kém, cách quản lý mang nặng tính hình thức, không đưa ra được các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, thậm chí làm cho chất lượng ngày càng đi xuống. Tôi dám khẳng định điều này bởi lẽ, thực tế nhiều trường có điều kiện tương đồng: thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, kinh tế gia đình học sinh khó khăn nhưng kết quả lại cao thấp khác nhau, khác biệt là nằm ở năng lực và cách thức quản lý.

 

Nhiều lúc tôi băn khoăn tự hỏi: Tại sao ở Bình Định, trường THPT Lê Quý Đôn, một trường mới thành lập từ năm 2000 và chỉ có 38 giáo viên nhưng năm 2007 có gần 100 % học sinh đỗ đại học? Tại sao, một trường làng ở huyện nghèo Yên Thành Nghệ An lại có gần 300 học sinh đỗ ĐH, CĐ, trong đó có nhiều em đạt từ 27-29 điểm?  Phải chăng khác biệt là nằm ở đội ngũ cán bộ quản lý? Vậy thì tại sao lãnh đạo các trường không tìm hiểu, học hỏi cách làm có hiệu quả của những trường đạt thành tích tốt đó? Tôi tin nếu có tinh thần cầu thị học hỏi kinh nghiệm, học hỏi cách làm của các trường bạn có điều kiên tương đồng thì chất lương giáo dục sẽ được cải thiện.

 

Tôi chưa có điều kiện tìm hiểu, tiếp xúc học hỏi cách làm của trường THPT Lê Quý Đôn ở Bình Định, hay trường làng ở huyện nghèo Yên Thành Nghệ An nhưng tôi tin rằng cán bộ lãnh đạo các trường đó có những giải pháp quản lý tốt, hiệu quả, đáng học tập.

 

Bản thân tôi là một giáo viên, chưa từng kinh qua nhiệm vụ quản lý nhưng tôi cũng mạnh dạn đưa ra một số giải pháp cho cán bộ quản lý các trường như sau:

 

- Tăng cường quản lý về chuyên môn
 
- Tổ trưởng chuyên môn phải là một người có năng lực chuyên môn giỏi (vì sản phẩm đặc thù của ngành giáo dục nên tổ trưởng thường là người có thâm niên chứ chưa hẳn là người có năng lực).

 

- Thường xuyên dự giờ thăm lớp
 
Lấy ý kiến thăm dò từ phía học sinh về năng lực giảng dạy của giáo viên (tất nhiên đây chỉ là một kênh để BGH nhà trường tham khảo chứ không dựa vào đó để đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên), có động thái này chắc chắn giáo viên sẽ có sự đầu tư, giảng dạy nghiêm túc hơn.

 

- Những giáo viên dạy lớp 12 có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao cần đươc tuyên dương, thưởng xứng đáng, ngược lại tỷ lệ thấp thì nghiêm khắc phê bình. Tôi tin rằng bất kỳ giáo viên nào cũng có lòng tự trọng nghề nghiệp nên nếu làm thế ai cũng sẽ cố gắng phấn đấu.

 

- Ban giám hiệu (BGH) nhà trường cần có sự đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên một cách khách quan chính xác, không nên dựa vào điểm số mà lấy thước đo hiệu quả công việc làm đầu, và cần có sự ghi nhận, có hình thức thưởng xứng đáng đối với những giáo viên chuyên môn tốt, có thành tích.

 

Lâu nay có một thông lệ không hay trong ngành giáo dục là khi giáo viên được nhận vào biên chế thì dù có dạy dở, chuyên môn yếu vẫn làm việc và hưởng lương như những giáo viên dạy giỏi khác, và cứ đến kỳ hạn lại được lên lương như mọi người, cho nên không có tính canh tranh, không có động lực và áp lực để phấn đấu…Nếu như giáo viên chuyên môn tốt, có thành tích được ghi nhận, được tưởng thưởng xứng đáng chắc chắn sẽ là động lực cho các giáo viên khác trong hội đồng nỗ lực phấn đấu trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ.

 

Tôi tin rằng nếu BGH các trường thay đổi tư duy quản lý theo tinh thần cầu thị, học hỏi, dám nghĩ dám làm chắc chắn sẽ tìm ra được các giải pháp hữu hiệu nhắm nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, thay đổi tư duy của cán bộ quản lý giáo dục là một giải pháp quan trọng mang tính đột phá đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Thu Thủy (Đà Nẵng)

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây nêu ra một số dẫn chứng cho thấy trong những điều kiện khó khăn như nhau nhưng có những trường vươn lên đạt thành tích cao trong dạy và học. Điều đó chứng tỏ sự phấn đấu chủ quan có vai trò rất quan trọng. Cách thức quản lý, động viên đội ngũ thầy cô giáo như thế nào để mọi người nỗ lực phấn đấu như vậy, đấy là “bí quyết” của cách thức quản lý mà các trường khác nên học tập.

 

Đứng về phía quản lý vĩ mô của cấp trên trong ngành giáo dục. cũng nên rút kinh nghiệm từ những điển hình thực tế như vậy để nâng lên thành những chủ trương, chính sách quản lý của ngành giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý giáo dục.