Tình tiết mới vụ Đại gia ngành thép sập bẫy:

Cần một phiên tòa công minh

Theo tin chúng tôi mới nhận được, ngày 20/5/2012, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao sẽ mở phiên tòa xử phúc thẩm vụ án "Đại gia ngành thép sập bẫy" tại Thái Nguyên.

Trong thời gian qua có hàng trăm bài báo trên các phương tiện truyền thông phản ánh vụ án này theo hướng đồng thuận với quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: không có cơ sở truy tố bà Nguyễn Thị Toàn với tội danh Lạm dụng chiếm đoạt tài sản. Vụ án này gây bức xúc không chỉ trong giới doanh nhân Thái Nguyên mà còn gây bức xúc trong cả nước. Trên các báo mạng, hàng trăm ý kiến phản đối và cho thấy thái độ của dư luận: Những kết luận của phiên tòa sơ thẩm "Đại gia ngành thép sập bẫy" đã không phản ánh được sự thật vụ án.

Sự thật vụ án

Vào đầu năm 2007, bà Nguyễn Thị Toàn tiến hành mua gần như toàn bộ cổ phần của Cty Kim khí Hưng Yên. Trong biên bản bàn giao, ngoài các khoản nợ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Toàn phải tiếp tục trả nợ, lãnh đạo cũ của Cty CP KK HY phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các khoản nợ cũ trước ngày 1/4/2007 của Cty CP KK HY với các khách hàng. Một trong các chủ nợ đó là ông Đăng Lê Hoa. Tuy nhiên đến lúc này, bà Lê Ngọc Lan và chồng là ông Lê văn Dũng, những người chủ trước của Cty CP KK HY đã mất khả năng thanh toán. Số nợ của họ với ông Đặng Lê Hoa lên đến trên 35 tỷ đồng. Và một màn kịch đã được tổ chức.

Được sự đồng ý của ông Đặng Lê Hoa, ông Lê Văn Dũng cam kết bán cho bà Nguyễn Thị Toàn 5000 cổ phần chiến lược tại Ngân hàng CP thương mại Sài Gòn. Ngược lại, bà Nguyễn Thị Toàn phải nhận trả nợ hộ ông Lê Văn Dũng cho ông Đặng Lê Hoa số tiền nợ trên 35 tỷ đồng. Ngày 6/4/2007, cam kết ba bên đã được ký kết. Tại văn bản nhận nợ này, trước khi ký bà Nguyễn Thị Toàn đã ghi rõ: Nếu sau ngày 30/6/2008, ông Dũng không thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu, bà Toàn có quyền khấu trừ nợ trong giao dịch mua bán thép với ông Đặng Lê Hoa. Văn bản này được ông Đặng Lê Hoa đồng ý, chứng cứ là chữ ký của ông Đặng Lê Hoa và con dấu của Cty TNHH Cán thép Tam Điệp. Bà Nguyễn Thị Toàn không hề biết ông Lê Văn Dũng không phải là cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP SG, thậm chí vào thời điểm 6/4/2007, ông Lê Văn Dũng còn không phải là cổ đông của ngân hàng này. 

Hai người vẫn tiếp tục giao dịch buôn bán với nhau. Chỉ trong những tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008, bà Nguyễn Thị Toàn đã chuyển cho ông Đặng Lê Hoa hàng ngàn tấn phôi thép, ngược lại, ông Hoa cũng chuyển cho bà Toàn hàng chục tỷ đồng. Số nợ bà Toàn nhận trả hộ ông Dũng, ông Hoa đã khấu trừ bằng 2.956,925 tấn phôi thép của Cty CP KK HY, giá trị tính bằng tiền là 26.685.248.640 VNĐ. Ngày 27/12/2007, ông Đặng Lê Hoa ký hợp đồng số 11/HĐKT/2007 mua bán phôi thép với Cty CP KK HY và chuyển cho Cty CP KKHY số tiền 20 tỷ đồng, ngày 18/1/2008, ông Đặng Lê Hoa có cho bà Toàn vay thêm số tiền 18.995.290.000 VNĐ. Ngày 18/1/2008, hai bên đối chiếu công nợ xác nhận bên phía bà Nguyễn Thị Toàn và Cty CP KKHY còn nợ ông Đặng Lê Hoa và Cty TNHH CT TĐ số tiền 50 tỷ đồng (tính cả số nợ còn lại của ông Dũng còn 9.191.426.860 VNĐ và 20 tỷ đồng của HĐ 11/2007). Hai bên cam kết tính lãi 1% số nợ này. Thời hạn thanh toán là ngày 30/6/2008. Trong khoảng thời gian từ 18/1/2008 đến 30/6/2008, bà Nguyễn Thị Toàn đã chuyển trả ông Đặng Lê Hoa 3.006.666.000 VNĐ tiền lãi và 10 tỷ VNĐ tiền nợ gốc.

Sự việc phát sinh vào thời điểm 30/6/2008, khi ông Lê Văn Dũng không thực hiện được việc chuyển nhượng cổ phần chiến lược tại Ngân hàng TMCP SG cho bà Nguyễn Thị Toàn và thời hạn quyết toán nợ với ông Đặng Lê Hoa. Bà Nguyễn Thị Toàn cho rằng ông Đặng Lê Hoa phải thực hiện thỏa thuận tay ba mà ông đã ký tên đóng dấu ngày 6/4/2007. Nghĩa là trả lại cho bà Nguyễn Thị Toàn 2.956,925 tấn phôi thép mà ông Đặng Lê Hoa đã khấu trừ cho khoản ông Lê Văn Dũng nợ, còn bao nhiêu bà Nguyễn Thị Toàn sẽ thanh toán cho ông Hoa. Đến lúc này, ông Đặng Lê Hoa mới lộ mặt thật, ông coi đó là thỏa thuận riêng của bà Toàn với ông Dũng, thậm chí ông còn đơn phương khấu trừ khoản 10 tỷ tiền gốc và 3.006.666.000 VNĐ tiền lãi, bà Toàn chuyển cho ông Hoa để thanh toán nợ và lãi nợ sang khấu trừ hết nợ của ông Dũng. Ngày 7/7-2008, ông Hoa kiện bà Toàn ra tòa về việc không trả nợ, sau đó tố cáo bà Toàn lạm dụng chiếm đoạt tài sản ra cơ quan điều tra. Mặc dù Viện KSNDTC đã có văn bản số 2419/VKSNDTC khẳng định không có cơ sở để truy tố bà Toàn tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản, các cơ quan pháp luật tỉnh Thái Nguyên vẫn truy tố bà Toàn về tôi lạm dụng chiếm đoạt tài sản khoản tiền 18.995.290.000 VNĐ của ông Hoa và Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong phiên sơ thẩm vẫn tuyên bà Toàn 15 năm tù. Bà Toàn  chống án.

Những nội dung cấp phúc thẩm cần làm rõ

Quan điểm của hội đồng xét xử phiên sơ thẩm là bà Nguyễn Thị Toàn có hành vi gian dối sau khi vay được tiền của ông Hoa, tạo ra tài liệu giả để không thừa nhận số nợ và không thực hiện nghĩa vụ trả nợ số tiền 18.995.290.000 VND cho ông Hoa.

Với những chứng cứ của vụ án cho thấy nhận định đó là chưa có cơ sở.

Thứ nhất, án văn sơ thẩm nhận định bà Toàn viết thêm vào biên bản nội dung không có trong thỏa thuận ngày 6/4/2007. Nhưng tại các văn bản và bút lục tại tòa, chính ông Hoa cũng thừa nhận bà Toàn đã viết các điều kiện nhận nợ trước mặt ông. Mặt khác, các văn bản thỏa thuận đều có chữ của bà Toàn trước chữ ký, các văn bản này lại có chữ ký và dấu đỏ của Cty ông Hoa. Tại sao tòa lại phủ định cả ý kiến xác nhận của nguyên đơn.

Thứ hai, Tòa xác định mối quan hệ trong văn bản thỏa thuận tay ba là mối quan hệ giữa các thể nhân trong khi đó mối quan hệ của khoản vay ngày 18/1/2008 là mối quan hệ cá nhân. Xem kỹ văn bản thỏa thuận ngày 6/7/2008, chúng tôi thấy bà Toàn ký văn bản này hoàn toàn với tư cách cá nhân, không có con dấu của thể nhân nào. Cả hai đều thể hiện các mối quan hệ tài chính cá nhân, và đúng nhất người nào cũng phải chịu trách nhiệm về các cam kết. Tòa tách 2 vụ việc ra là không đúng.

Thứ ba, Tòa xác định bà Toàn sau khi nhận số tiền 18.995.290.000 VNĐ không chuyển vào tài khoản của Cty KKHY mà đem tiêu cho mục đích cá nhân. Việc khai nộp tiền vào quỹ của Cty KKHY là gian dối. Nhưng khi đọc kỹ Kết luận điều tra bổ sung lần 3 số 17/KLĐTBS-KT ngày 4/5/2011 của Công an tỉnh Thái Nguyên xác định: Ngày 18/1/2008, Nguyễn Thị Toàn đã chuyển số tiền 10 tỷ đồng từ tài khoản cá nhân đến tài khoản của Cty CP KKHY, ngày 18/1/2008, Nguyễn Thị Toàn đã ủy quyền cho Trần Danh Trung rút tiền mặt từ tài khoản cá nhân nộp quỹ Cty CP KKHY số tiền 3.995.000.000 VND. Cùng với các khoản thu khác, Cty CP KKHY đã lập phiếu thu không số ngày 18/1/2008 xác nhận bà Toàn đã nộp quý Cty số tiền 18.995.290.000 VNĐ. Tất cả sổ quỹ của Cty CP KKHY đều thể hiện có khoản thu này.  Mặt khác, Biên bản họp cổ đông Cty CP KKHY tháng 2/2008 với chữ ký của tất cả cổ đông cũng xác nhận khoản vay này đã được sử dụng vào sản xuất kinh doanh. Kết luận bà Toàn chiếm đoạt riêng số tiền này là không đúng với sự thật vụ án.

Thứ tư, Tòa nhận định, bà Toàn không nhận nợ và không chịu trả nợ. Nhận định này sai lầm nghiêm trọng. Tại tất cả văn bản, bút lục, lời khai tại Tòa, bà Toàn luôn luôn nhận khoản nợ vay trên 18 tỷ này của ông Hoa. Không những vậy từ tháng 1/2008 đến ngày 30/6/2008, bà Toàn còn trả cho ông Hoa 10 tỷ đồng tiền nợ gốc và trên 3 tỷ tiền lãi. Nếu theo đúng thỏa thuận, bà Toàn đã trả lãi cho ông Hoa tới gần hết năm 2009. Rất tiếc tại phiên sơ thẩm, Tòa đã không xem xét đến khoản tiền gốc và lãi trên. Và vì vậy đã nhận định bà Toàn chối nợ và không muốn trả nợ.

Xin lưu ý, trong tổng khoản nợ 50 tỷ bà Toàn viết cam kết nhận nợ ngày 18/1/2008 bao gồm 20 tỷ của Hợp đồng kinh tế số 11/2007/HĐKT đã được tách ra để giải quyết dân sự, giữa Cty CP KKHY với Cty TNHH Cán thép Tam Điệp. Vì vậy thực chất chỉ còn khoản nợ trên 18 tỷ ông Đặng Lê Hoa cho bà Toàn vay ngày 18/1/2007 và khoản tiền nhận nợ hộ ông Lê Văn Dũng. Vì vậy khoản tiền 10 tỷ và khoản tiền trả lãi trên 3 tỷ là dành thanh toán cho khoản nợ trên 18 tỷ ông Hoa cho bà Toàn vay ngày 18/1/2008, bởi vì khoản trả nợ hộ ông Dũng không có hiệu lực do ông Dũng không thực hiện được việc chuyển cổ phiếu chiến lược của Ngân hàng TMCP SG cho bà Toàn. Một nhận định sai lầm nữa của Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm đã nhận định việc ông Dũng không chuyển cổ phần chiến lược cho bà Toàn là do lỗi của bà Toàn, trong khi chính Ngân hàng TMCP SG đã có văn bản số 57/SCB-HĐQT.09 ngày        16/2/2009 trả lời cơ quan điều tra rõ ràng: Vào thời điểm ông Dũng cam kết chuyển nhượng 5000 cổ phần chiến lược của Ngân hàng TMCP SG, ông Dũng chưa là cổ đông của Ngân hàng TMCP SG và chưa bao giờ ông Dũng là cổ đông chiến lược của ngân hàng này. Như vậy đã rõ, ông Dũng đã cùng đồng bọn lừa bà Toàn. Rất tiếc cơ quan điều tra và sau đó Tòa đã không triệu tập ông Lê Văn Dũng đến để làm rõ mà lại kết luận oan cho bà Toàn.

Thật sự trong tất cả lời khai, văn bản, bút lục, bà Toàn vẫn đồng ý trả nợ với điều kiện phải đối chiếu công nợ, ông Hoa cũng phải chịu trách nhiệm về những cam kết của mình, không có quyền chiếm đoạt của bà Toàn khoản tiền trên 35 tỷ đồng mà ông Dũng cùng ông Hoa đã bắt bà Toàn phải trả, trong khi lại không trả cổ phiếu chiến lược tại Ngân hàng TMCP SG cho bà Toàn. Yêu cầu của Bà Toàn hoàn toàn chính đáng.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, hiện nay một doanh nghiệp đã sẵn sàng đứng ra bảo lãnh thanh toán khoản nợ này cho bà Nguyễn Thị Toàn với điều kiện ông Đặng Lê Hoa phải cùng bà Toàn đối chiếu công nợ, chịu trách nhiệm về những cam kết của mình.

Dư luận đang mong đợi một phiên xử phúc thẩm công minh, trả những tranh chấp dân sự về xét xử dân sự, không hình sự hóa những vụ việc không có dấu hiệu phạm tội như vụ án này.

Theo Trần Việt
Bảo vệ Pháp luật