Cần làm gì khi không đồng tình với kết luận giám định thương tật?

Hải Hà

(Dân trí) - Kết luận giám định là chìa khóa, mấu chốt để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá và quyết định khi giải quyết vụ án, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm, án oan, sai.

Nhiều độc giả gửi câu hỏi về báo Dân trí, thắc mắc về vấn đề khi xét thấy kết luận giám định thương tích chưa rõ ràng, chính xác thì cần phải làm gì?

Luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng văn phòng luật Đồng đội đã có những giải đáp xoay quanh vấn đề này.

Theo đó, kết luận giám định là một trong những nguồn chứng cứ được thu thập theo thủ tục tố tụng, làm căn cứ cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá và quyết định khi giải quyết vụ án. Do đó, nếu kết luận giám định sai có thể dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.     

Vậy thẩm quyền giám định được quy định như thế nào và trong trường hợp không đồng ý với kết luận giám định sẽ phải thực hiện thủ tục gì?

Giám định thương tích là gì?

Thương tích là những tổn thương cơ thể mà người bị hại phải chịu do hành vi xâm phạm của người khác gây ra được cơ quan có thẩm quyền xác định.

Phần trăm thương tích có vai trò rất quan trọng trong vụ án hình sự, tỷ lệ thương tích là căn cứ trực tiếp để truy cứu trách nhiệm hình sự, xác định mức hình phạt đối với tội danh của người phạm tội.

Cần làm gì khi không đồng tình với kết luận giám định thương tật? - 1

Kết luận giám định là chìa khóa, mấu chốt để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá và quyết định khi giải quyết vụ án (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Vậy nên việc giám định thương tích đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về định nghĩa giám định thương tích, dựa trên những quy định pháp luật liên quan chúng ta có thể hiểu giám định thương tích là hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thể hiện bằng việc ra quyết định yêu cầu những người có kiến thức chuyên môn cần thiết về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ … theo quy định của pháp luật để nghiên cứu, kết luận về những vấn đề thương tích cần làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Ai có quyền yêu cầu trưng cầu giám định trong tố tụng hình sự?

Theo Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về yêu cầu giám định như sau:

- Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

- Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Như vậy, đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị trưng cầu giám định, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Và cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định thương tích.

Cơ quan có thẩm quyền giám định thương tích

Theo khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, "Khi thuộc một trong các trường hợp bắt buộc giám định thương tích (Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015) hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định".

Tuy nhiên, kết luận giám định tỷ lệ thương tật chỉ được công nhận khi thực hiện việc giám định tại các tổ chức giám định tư pháp công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 12 Luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi, bổ sung 2020 bao gồm:

+ Trong lĩnh vực pháp y: Viện pháp y của Bộ Y tế, Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc Phòng, Trung tâm giám định pháp y cấp tỉnh hoặc của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.

+ Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y Tế hoặc Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y Tế

+ Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an, Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh.

Như vậy, khi một cá nhân bị xâm phạm thân thể do hành vi của người khác gây nên thì khi muốn xác định tỷ lệ thương tật cần phải đến một trong những tổ chức nêu trên để tiến hành giám định.

Khiếu nại kết luận giám định thương tích

Từ những phân tích trên có thể thấy kết luận giám định thương tích đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, xác lập chứng cứ, củng cố chứng cứ, kiểm tra chứng cứ là cơ sở để các cơ quan, người tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Kết luận giám định sai có thể dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Do tính chất quan trọng như vậy, Bộ luật tố tụng năm 2015 và Luật giám định tư pháp năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã quy định việc giám định lại, giám định bổ sung. 

Cần làm gì khi không đồng tình với kết luận giám định thương tật? - 2

Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Theo quy định Điều 210 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp: "Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ; Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó". Căn cứ tại khoản 1 Điều 211 Luật tố tụng hình sự 2015 quy định: "Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác".

Hơn thế nữa, tại điều 29 Luật giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi năm 2020 cũng quy định rằng: Trường hợp nếu xét thấy nội dung kết luận giám định thương tật chưa rõ ràng, đầy đủ hoặc có căn cứ cho rằng không chính xác thì người bị gây thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định lại.

Vì vậy, trong trường hợp xét thấy nội dung kết luận giám định chưa khách quan, rõ ràng thì người bị gây thương tích hoặc đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định lại. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định lại bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án tùy vào từng giai đoạn tố tụng của vụ án.

Bên cạnh việc đề nghị giám định lại thương tích thì khiếu nại kết luận giám định là thủ tục cần thiết. Trong trường hợp khiếu nại kết quả giám định thì phải làm đơn khiếu nại và cung cấp các bằng chứng chứng minh rằng kết quả giám định đó chưa khách quan, không đúng sự thật để cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đó kiểm tra lại kết quả giám định. 

Trường hợp cụ thể

Luật sư Tiền dẫn chứng một vụ việc cụ thể.

Do tranh chấp đất đai nên ông D. và anh T. đã xảy ra xô xát, khi T và D đang cãi nhau thì Nguyễn Văn T1. (con đẻ của ông D) và một số người dân có mặt tại nhà thờ gần đó đi đến. Sau đó, T. rút con dao trong chiếc sọt buộc trên xe đi về phía ông D., thấy vậy ông D. lùi về phía sau nơi T1. đang đứng thì T. cầm dao chém về phía ông D...

Ông D. và T. đều bị thương và được đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Ông D. được đưa đi điều trị, làm phẫu thuật nối gân tại Bệnh viện TWQĐ 108 Hà Nội. Nhưng T. có đơn tố giác gia đình ông D. tới Cơ quan CSĐT, Công an huyện H. nên ông D. đã nhờ Văn phòng Luật sư Đồng Đội để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của D.

Tại Quyết định trưng cầu giám định số 85, ngày 11/05/2021 của Cơ quan CSĐT công an huyện H. tiến hành trưng cầu giám định viên Trung tâm pháp y tỉnh T., giám định thương tích, mức độ tổn hại phần trăm (%) sức khỏe của ông D.. 

Bản kết luận giám định Pháp y về thương tích số 72/2021/TgT, ngày 14/05/2021 của Trung tâm pháp y tỉnh kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên với ông D. hiện tại là 03%.

Nhận thấy, bản kết luận giám định phản ánh không chính xác thương tích mà T. đã gây ra cho ông D., Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã tư vấn để ông D. yêu cầu giám định lại.

Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 124/21/TgT ngày 02/07/2021 của Viện pháp y Quốc gia và bản kết luận pháp y lần II số 159/TgT ngày 19/10/2021 của Viện pháp y Quốc gia. Kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 22%.

Từ vụ việc trên có thể thấy, kết luận giám định có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Trong trường hợp kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 3% thì không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh T., gây ra tình trạng bỏ lọt tội phạm. Sau khi được trưng cầu giám định lại thương tích thì kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 22%.

Tỷ lệ thương tích từ 3% đến 22% là khoảng cách cực kỳ lớn, từ không phạm tội thành phạm tội và từ người đi tố cáo lại thành bị cáo. Vì vậy, có thể nói kết luận giám định là chìa khóa, mấu chốt để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá và quyết định khi giải quyết vụ án, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm, án oan, sai.