Cần cải cách sách giáo khoa Vật lý

Đó cũng là những quyển sách giáo khoa (SGK) mà trong suốt thời gian thí điểm, các tác giả và thẩm định viên hầu như không đi dự giờ dạy của các giáo viên để tìm hiểu thày và trò đã dạy và học theo SGK như thế nào.

Họ coi như các cuốn SGK Vật lý do họ biên soạn hoàn toàn đúng không cần chỉnh sửa gì cả mặc dù có rất nhiều sai phạm đã được chỉ ra trong các bài báo và phát biểu trực tiếp của các nhà khoa học và các giáo viên.

Ngày 24/1/2002, ông Bộ trưởng Bộ GD-DT khi đó (Nguyễn Minh Hiển) ký quyết định ban hành chương trình (CT) môn Vật lý ở các trường phổ thông. Đến ngày 5/5/2006, trước khi đi tu nghiệp tại Anh quốc, ông lại ký quyết định ban hành CT môn Vật lý ở các trường PT trong khi CT 2002 chưa thử nghiệm xong và các sách Vật lý cũng chưa thí điểm xong.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Nhớ lại năm 2002, các chuyên gia Viện chiến lược và Chương trình (CL& CT) đã đi khắp các tỉnh thành giải thích tính ưu việt của CT này và khẳng định nó sẽ đuợc dùng từ 10-15 năm nữa. Vậy mà chỉ sau 4 năm nó đã bị thay thế bởi CT 2006. Tại sao vậy? Chẳng lẽ CT 2002 không còn tính ưu việt như các chuyên gia đã không ngớt tuyên truyền ầm ĩ hay sao? Kèm theo là các sách Vật lý, được gọi là SGK, cụ thể hóa CT này có còn ưu việt nữa không và còn được sử dụng nữa không? Nếu không thì vô cùng lãng phí tiền của nhân dân và nhà nước. Ai sẽ chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?

Hiện nay người ta cũng đang đi khắp các tỉnh thành quảng bá tính ưu việt của CT 2006 trong khi một số không ít người biên soạn CT này lại là những người đã độc quyền làm CT và độc quyền biên soạn SGK 2002 với tư duy lạc lõng và ngược đời, chẳng hạn như họ coi “CT thể hiện mục tiêu giáo dục mà học sinh cần đạt được trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó quy định rõ nội dung dạy học, phưng pháp và hình thức tổ chức dạy học, cách thức đánh giá kết quả học tập” và “SGK có chức năng xác định chuẩn” như đã hướng dẫn cho những cán bộ của Liên Hiệp Hội tham gia đánh giá SGK THCS.

Với cách tư duy như vậy, các chuyên viên của Viện CL& CT đã biến các sách Vật lý mà họ gọi là SGK thành các bản giáo án hướng dẫn giáo viên giảng dạy với các câu hỏi tưởng là nêu vấn đề theo các tình huống mà họ ngồi ở một góc phố Hà Nội tưởng tượng ra. Không những vậy, họ còn biên soạn các sách Vật lý theo các kiến thức mà họ cho là chuẩn “trước” khi có CT rồi “sau đó” mới chép các đề mục theo sách thành CT môn học. Đây là cách làm “sáng tạo” rất ngược đời của ngành giáo dục Việt Nam mà trên thế giới không có nước nào “làm được” cả!?

Gần đây Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến các Hội Khoa học và các giáo viên về CT và SGK các bộ môn, trong đó có môn Vật lý.

Đối với CT PTCS 2002 không có gì phải bàn tới vì bản thân nó không phải là CT môn học vì đã quy định không những các kiến thức và kỹ năng được những người làm CT tự coi là chuẩn mà còn quy định cả phương pháp, hình thức tổ chức dạy và cách đánh giá kết quả học tập. Hơn nữa, như đã nói ở trên, nó chỉ là bản sao chép các đề mục trong các “SGK” vốn đã chứa đựng bên trong những quy định không đúng với nội dung của một CT môn học mà thế giới quen dùng.

Giống như CT 2002, CT Vật lý 2006 cũng đưa các kiến thức vật lý xuống lớp 6 để dàn thành 4 lớp 6,7,8,9, mỗi lớp 1 tiết/tuần, khiến cho việc học Vật lý của học sinh chỉ là “cuỡi ngựa xem hoa”, lỗ bỗ, cái gì cũng biết nhưng cuối cùng không biết được bao nhiêu. Hậu quả là không tích lũy được đầy đủ vốn kiến thức vật lý và kỹ năng để lên học PTTH..

Bộ GD-ĐT cũng tổ chức lấy ý kiến của các giáo viên và các Hội Khoa học về SGK xem có bám sát CT không, có chính xác không, có hay không?

Chỉ có thể nói, đó là các quyển SGK đã được 80% tác giả không kinh qua giảng dạy ở các trường PT biên soạn nên không phù hợp với trình độ kiến thức, trình độ tư duy và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh Việt Nam, khiến cho thày thì khó dạy còn trò thì khó học.

Đó là những quyển Vật lý mà các tác giả cũng tham gia thẩm định nên không thể coi là đã được thẩm định nghiêm túc, không có tính sư phạm khách quan, không đạt độ chính xác cần thiết.

Đó là những quyển sách Vật lý THCS mà vị giáo sư, chủ tịch Hội đồng thẩm định tuyên bố: “Tôi cương quyết bảo vệ các tác giả” làm chỗ dựa cho các tác giả không cần lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các giáo viên, thậm chí còn có những phản ứng ngạo mạn đối với những người phê bình sách. Chẳng hạn như, tập trung một nhóm đông người gồm các tác giả và thẩm định viên đàn áp mặt đối mặt ý kiến hai nhà giáo già là tác giả hai bài viết “Nhặt sạn trong Vật lý 6” và “Vật lý 6 không phải là SGK”, hay dọa kiện một Tiến sĩ khoa học đã “dám” phê bình những kiến thức không chính xác trong Vật lý7!

CT Vật lý cấp PTCS thì như thế! SGK Vật lý thì như thế. Việc Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các giáo viên và các Hội Khoa học là cần thiết. Song nếu lấy đó làm cơ sở để chỉ chỉnh sửa lại CT và SGK Vật lý cũ rồi để tồn tại là điều hết sức không nên, mà cần có sự đổi mới tư duy, cương quyết loại bỏ CT và SGK cũ và tổ chức biên soạn lại một cách hết sức nghiêm túc và khoa học bởi một đội ngũ chuyên gia giáo dục có năng lực, thực sự có trí tuệ và độc lập chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Việc thay thế CT 2002 bằng CT 2006 đã nói lên những bất cập của CT này, không lẽ SGK cụ thể hóa CT 2002 lại không bất cập. Chỉ có lối tư duy quan liêu, bảo thủ, áp đặt mới không hiểu được mối quan hệ nhân quả nói trên mà thôi. Điều chỉnh các tiểu tiết không phải là cải cách mà chỉ là cải lương không thể đem lại hiệu quả mong muốn.

An Văn Chiêu
26/283 Trần Khát Chân, Hà Nội

LTS Dân trí - Rất nhiều ý kiến “phản biện” về chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) không chỉ đối với môn Vật lý như tác giả viết bài trên đây. Ngoài việc nêu lên những sai sót cụ thể và những bất cập của CT và SGK, hầu hết những ý kiến tham gia diễn đàn đều tỏ rõ thái độ không đồng tình với cách tổ chức và cách chọn lựa các chuyên gia viết sách cũng như cách tổ chức thẩm định còn thiếu khoa học, không bảo đảm tính khách quan.

Điều làm cho mọi người băn khoăn nhiều, như việc viết SGK trước rồi soạn thảo CT sau hoàn toàn trái với thông lệ của cách làm xưa nay trên thế giới, như bài viết trên đây phản ánh đối với môn Vật lý, một trong các môn học cần được coi trọng trong thời đại ngày nay khi khoa học và công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc. Việc bố trí CT môn Vật lý quá dàn trải ở các lớp THCS, làm hạn chế rất nhiều việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Thiết nghĩ những ý kiến đóng góp đó đáng được quan tâm.

Chúng tôi xin trân trọng chuyển những ý kiến đóng góp này tới cơ quan lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng như các bộ phận trực tiếp chịu trách nhiệm về công việc biên soạn CT cũng như xuất bản SGK.