Bức thư để lại ấn tượng khó quên

(Dân trí) - Vào một ngày rét đậm cuối năm, tôi nhận được bức thư qua mạng của người Thủ trưởng đơn vị cũ của tôi. Bức thư để lại ấn tượng khó quên về cuộc gặp gỡ bất ngờ người Anh hùng đã từng nổi tiếng một thời.

Tôi xin chép lại nguyên văn bức thư để độc giả cùng đọc :

“Chào Thư Ngân,

Với lứa tuổi 60,70 như chúng mình, nói đến anh hùng La Văn Cầu chắc ai cũng biết. Nhưng các bạn trẻ hơn chưa chắc ai cũng biết. Anh  La Văn Cầu (sinh năm 1932) được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1952.

Ông là người dân tộc Tày, quê xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trong Trận Đông Khê (Chiến dịch biên giới năm 1950), ông bị thương gẫy nát cánh tay, và đã nhờ đồng đội chặt đứt để khỏi  vướng, dùng tay trái ôm bọc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho đơn vị đánh chiếm đồn địch.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi đang là tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Cùng năm đó, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc.Về sau này,tên ông được đặt cho một con đường tại phường 2, thành phố Vũng Tàu và một đường phố ở Nam Định.

Ở đây, mình muốn kể cho các bạn một câu chuyện đời thường của anh hùng La văn Cầu cách đây không lâu mà mình được chứng kiến khi ngồi chờ khám bệnh ở một bệnh viện có tiếng của quân đội.

Anh hùng La Văn Cầu
Bức thư để lại ấn tượng khó quên - 1
Anh hùng La Văn Cầu trong Đại hội Đại biểu toàn quốc DTTS Việt Nam năm 2010 (ảnh Chinhphu.vn)

Hôm ấy, các sĩ quan cao cấp quân đội đã nghỉ hưu đến khám đông, ngồi chật kín cả phòng đợi. Bỗng vang lên tiếng y tá gọi: Bác La văn Cầu. Tuy không phải gọi tên mình nhưng mình cũng giật thót người vì nghe đến tên một vị anh hùng quân đội đã một thời lừng lẫy năm xưa! Một bác già ngồi đợi ở hàng ghế dưới đứng lên và trả lời : “có!”, rồi đi đến chỗ cô y tá. Đúng là anh hùng La Văn Cầu! Cánh tay phải bị cắt cụt.

Cô y tá trả lại sổ y bạ cho bác và bảo: Tại sao bác xếp vào chỗ ưu tiên?

Bác La văn Cầu trả lời: “Tôi đã 80 tuổi”.

Ytá: “Không đúng, bác chỉ mới 79!”.  

Anh hùng La văn Cầu đành xếp sổ vào ô bình thường rồi quay xuống chỗ cũ ngồi đợi. Mình lúc đó vừa vui vừa bực. Vui là vì gặp được vị anh hùng lừng danh mà trước đây đâu dễ có dịp để gặp. Tức vì cô y tá không biết được anh hùng La văn Cầu hay sao mà phải hoạnh họe  ưu tiên với không ưu tiên! Nếu tính tuổi ta thì anh La văn Cầu lúc ấy cũng đủ 80 rồi! Mình chạy đến bắt tay anh và thốt lên như không còn biết ai ở quanh mình nữa : “Anh hùng La Văn Cầu!”.   Mình cảm xúc và vui sướng thật  sự khi được bắt tay anh .

Về nhà, mình lấy “nhật ký về hưu” ra ngay để ghi lại câu chuyện đầy cảm xúc này và hơi băn khoăn tại sao người ta không có chỗ ưu tiên cho những ai là anh hùng quân đội? Với những người 80 trở lên được ưu tiên chắc là quá hợp lý rồi!  Ngoài ra, người ta ưu tiên cho những ai có quân hàm tướng nhưng chưa có ưu tiên cho những ai được phong tặng danh hiệu anh hùng!

Lãm”

Đấy thư chỉ có vậy ! Tôi cũng lạ vì sao Thủ trưởng tôi lại nhớ tới chuyện đó vào những ngày cuối năm giá rét. Phải chăng trong cái giá rét căm căm, ngồi bên lò sưởi rập rờn ánh lửa, người già thường nhớ về quá khứ - cả những chuyện vui lẫn chuyện buồn ?

Phải chăng lịch sử là quá khứ còn hiện diện trong hiện tại, nó không chấp nhận chữ “nếu” , nhưng cũng cần nói đến chữ  “nếu”  ở đây để ngẫm về văn hóa - cái văn hóa của dân tộc Việt, như cái Tết cổ truyền vừa qua đã truyền hơi ấm vào lòng mỗi người dân Việt hôm nay ; như câu “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vẫn vang vang trên các phương tiện truyền thông - và để nhìn lại cách giáo dục cho lớp trẻ ngày nay. Nó nhắc nhở chúng ta đừng nói suông về “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” , mà hãy làm đi, từ cái nhỏ nhất, để văn hóa dân tộc bừng nở thắm sắc như những nụ đào mỗi độ xuân về trong lòng mỗi người dân Việt …   

Hoàng Thư Ngân

 

LTS Dân trí - Dẫu chuyên kể trên đây có thể là hiện tượng vô tình trong cách đối xử với một Anh hùng quân đội đi khám bệnh, nhưng điều đó làm động lòng tất cả những ai vốn coi trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Nhà nước ta đã xây dựng và thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh và gia đình liệt sĩ nhưng có thể chưa có đầy đủ chế độ ưu tiên thỏa đáng đối với các Anh hùng quân đội, cho nên ở bệnh viện quân đội nọ đã để xảy ra sơ suất trong cách đối xử với người Anh hùng nổi tiếng La Văn Cầu!

Nhắc nhở nhau về nghĩa tình sâu nặng truyền thống vốn có của dân tộc ta đối với những người có công với nước trong dịp đầu xuân quả là một việc làm có ý nghĩa. Mong rằng các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể quan tâm nhiều hơn và chăm sóc tốt hơn các đối tượng chính sách, nhất là dịp đầu xuân, theo đúng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.