Bình Định: Đại biểu HĐND xã “ôm” tiền tỷ bỏ trốn, dân nghèo khốn khổ

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Hạnh - đại biểu HĐND, kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ, Bình Định), bất ngờ ôm hàng tỷ đồng “vay ké” của các hộ nghèo rồi bỏ khỏi địa phương khiến người dân hoang mang.

Dùng lời ngon ngọt xin “vay ké”

Hơn 2 tháng qua, hàng chục hộ nghèo, cận nghèo thôn Trung Hậu (xã Mỹ Chánh) tá hỏa khi nghe tin bà Nguyễn Thị Hạnh - là đại biểu HĐND xã Mỹ Chánh Tây, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Trung Hậu “ôm” hàng tỷ đồng đi khỏi địa phương.

Bình Định: Đại biểu HĐND xã “ôm” tiền tỷ bỏ trốn, dân nghèo khốn khổ - 1

Theo tố cáo của các nạn nhân, với vai trò là Tổ trưởng tổ vay vốn thôn, bà Hạnh được địa phương giao nhiệm vụ lập danh sách các trường hợp thuộc diện chính sách cần được hỗ trợ vay vốn để làm ăn thoát nghèo; đồng thời được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Mỹ ủy thác việc đôn đốc tổ viên trả nợ, trả lãi mang nộp lại cho ngân hàng theo quy định.

Lợi dụng vị trí này, từ năm 2012, bà Hạnh thường dùng lời ngon ngọt để “vay ké” khi các hộ nghèo làm thủ tục vay tiền từ NHCSXH huyện Phù Mỹ, hoặc nhờ hộ nghèo đứng tên để vay vốn, thậm chí dọa dẫm “ép” người dân đứng ra vay tiền giúp. Ngoài ra, bà Hạnh còn biển thủ số tiền gốc, lãi mà các hộ dân gửi nhờ nộp trả ngân hàng.

Đến tháng 10/2015, người dân mới tá hỏa khi biết tin bà Hạnh bỏ trốn khỏi địa phương. Theo ước tính của UBND xã Mỹ Chánh Tây, tổng số nợ của bà Hạnh hiện đã hơn 1 tỷ đồng.

Điều đáng nói, hầu hết các nạn nhân bị chiếm đoạt là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Thậm chí có người đang bệnh nặng bị bà Hành chiếm đoạt với số tiền từ 10-15 triệu đồng/trường hợp.

Giấy báo nợ của NHCSXH huyện Phù Mỹ khiến bà Quý tá hỏa
Giấy báo nợ của NHCSXH huyện Phù Mỹ khiến bà Quý tá hỏa

Trường hợp bà Đồng Thị Quý (53 tuổi, xóm 2, thôn Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây), gia đình bà thuộc hộ cận nghèo, hai vợ chồng thường đi làm thuê làm mướn kiếm ăn và chật vật nuôi con ăn học. Bản thân bà Quý mắc chứng bệnh gai cột sống, bướu cổ mà cũng chẳng có tiền chữa trị. Bà Quý kể: Năm 2013, bà Hạnh ngon ngọt không được thì dọa dẫm buộc gia đình tôi phải vay giúp số tiền 30 triệu đồng và hứa sẽ tự trả tiền cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng trong thời hạn 3 năm. Ai ngờ bà Hạnh bỏ trốn. “Mấy tháng nay, ngân hàng ráo riết đòi nợ gia đình mới biết. Bây giờ gia đình làm gì còn tài sản đáng quý mà cầm cố trả nợ cho ngân hàng”, bà Quý ngậm ngùi nói.

Quản lý lỏng lẻo

Địa phương thiếu sâu sát, sự quản lý lỏng lẻo của Ngân hành chính sách xã hội huyện Phù Mỹ là cơ hội để bà Hạnh dễ dàng lợi dụng “kẻ hở” là lòng tin của dân nghèo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để khi sự việc vỡ lở thì người chịu thiệt nhất vẫn là dân nghèo.

Theo bà Võ Thị Thu Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Tây, cho rằng: Để xảy ra vụ việc trên là do sự thiếu trách nhiệm của tổ vay vốn của các hội đoàn thể địa phương vì không sâu sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của nhân dân là có thật không. Hiện chính quyền địa phương đang tư cách đại biểu HĐND xã của bà Hạnh để có hướng giải quyết, xử lý kịp thời. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng huyện làm rõ vụ việc nhằm ổn định dư luận địa phương.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Võ Văn An, Giám đốc NHCSXH huyện Phù Mỹ, khẳng định: Quy trình, thủ tục vay vốn được xét duyệt rất kỹ càng từ cấp cơ sở cho đến lúc giải ngân. Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc trên thì cán bộ phụ trách địa bàn là ông Nguyễn Văn Mến cũng liên đới chịu trách nhiệm vì không sâu sát địa bàn, nắm bắt tình hình xảy ra thiệt hại nên sẽ có hình thức kiểm điểm với ông Mến.

“Người đứng tên đi vay đi vay là đối tượng chịu trách nhiệm rõ ràng nhất trong vụ chiếm đoạt tiền này vì họ sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ sai mục đích. Cụ thể là cho vay ké hoặc đứng tên để vay giúp bà Hạnh. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân, ngân hàng có thể sẽ kéo dài thời hạn trả nợ hoặc tiếp tục cho vay sau khi đã đáo hạn xong”, ông An nói.

Doãn Công