Bình đẳng trong giáo dục: Trông người lại ngẫm đến ta

(Dân trí) - Bài “Tạo sự bình đẳng trong học tập, không để có trò kém” của nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai (ở Bỉ) trên Diễn đàn Dân trí ngày 15/6 gợi lên nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm.

Tạo nguồn lực con người
 
Bài báo chỉ ra nguyên nhân đầu tiên tạo ra sự phân biệt đối xử, sự bất bình đẳng trong giáo dục là quan niệm “trò giỏi – trò dốt”.

Từ quan niệm này dẫn đến những nhận xét, đánh giá có phần bất công, nghiệt ngã đối với học sinh và sự phân biệt đối xử trong tổ chức dạy học, khiến cho sự mất bình đẳng trong giáo dục ngày càng sâu hơn.

 

Theo tác giả, ở nhiều nước, trong đó có Bỉ, không có sự phân biệt “trò giỏi – trò dốt” trong đánh giá và tổ chức dạy học. Khâu đánh giá trong giáo dục của các nước này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ sự tiến bộ đồng đều của học sinh với quan niệm “tất cả đều giỏi”.
 
Chính từ quan niệm có tính nhân văn sâu sắc đó mà nền giáo dục của các nước này phát triển đạt đến trình độ cao. Các công dân đều được thụ hưởng sự bình đẳng tối đa về phúc lợi giáo dục. Và tất yếu là nền giáo dục tiên tiến ấy sẽ tạo ra nguồn lực con người có chất lượng cao để thúc đẩy sự phát triển kinh tế -  xã hội.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trông người lại ngẫm đến ta. Ở Việt Nam từ xưa đến nay, quan niệm phân biệt “trò giỏi – trò dốt”, “thông minh – tối dạ” đã trở thành một nếp nghĩ hằn sâu trong tư duy mọi người, từ các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục cho đến phụ huynh học sinh.
 
Từ nếp nghĩ này mới sinh ra những mô hình như trường chuyên, lớp chọn (ở bậc phổ thông), lớp “chất lượng cao” ở bậc đại học…Những học sinh lớp chọn, trường chuyên, lớp chất lượng cao được học chương trình nâng cao với những nhà giáo giỏi nhất, trong điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn nhiều so với các trường, lớp “đại trà”. Vì vậy, các bậc phụ huynh thường tìm mọi cách (kể cả “chạy chọt”) để con em mình được vào trường chuyên, lớp chọn.

 

Ngay trong một lớp “đại trà”, các giáo viên cũng có sự phân biệt, đánh giá học sinh theo mức độ “giỏi – dốt”. Không ít giáo viên chỉ chú ý đến những học sinh giỏi, chú trọng kèm cặp, bồi dưỡng những học sinh này để đi thi học sinh giỏi, thi đại học…mà ít quan tâm đến những học sinh mà họ cho là “dốt”.
 
Những giáo viên này nghĩ rằng những học sinh học khá trở lên mới học hành, thi cử đỗ đạt, thành đạt, lập nghiệp được. Còn những học sinh “dốt” thì học cũng chẳng “nên cơm nên cháo” gì, lo kiếm xong tấm bằng rồi đi học nghề, hoặc đi làm lao động phổ thông. Khâu phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém hầu như ít được quan tâm, chỉ nêu ra cho có trong các bản báo cáo của các trường.

Bình đẳng trong giáo dục: Trông người lại ngẫm đến ta - 1

(ảnh minh họa)

 

Vì vậy, đối tượng học sinh “dốt” bị bỏ rơi, ngày càng tụt hậu và trở nên dốt thật, không thể theo kịp bạn bè. Nhiều em chán nản, bỏ học đi làm hoặc đi lấy chồng, lấy vợ. Hầu hết trường hợp học sinh bỏ học đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, học lực quá yếu.

 

Gần đây, một tỉnh ở miền Trung ra một quy định “ngược đời”: yêu cầu những học sinh lớp 9 có kết quả học tập không cao viết “bản cam kết” với nội dung “tự nguyện không tham gia thi tuyển vào lớp 10 THPT”. Đây là một quy định cho thấy sự phân biệt đối xử bất công, thiếu tình người của một số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.

 
Xóa sức ì trong giáo dục
 
Khác với sự đánh giá của một số nước mà nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai đã dẫn, sự đánh giá trong giáo dục Việt Nam là một kiểu “phán quyết” để phân loại trình độ người học, chứ không có ý nghĩa hỗ trợ, chỉ đường cho quá trình giáo dục.
 
Điều đáng nói là ngay cả sự đánh giá này không phải lúc nào cũng chính xác. Nhiều học sinh bị đánh giá sai, nhưng không biết phản ánh với ai. Có một học sinh do không có điều kiện đóng tiền xây dựng trường (tự nguyện), bị giáo viên chủ nhiệm xếp hạnh kiểm loại yếu vì “thiếu tinh thần tập thể” (?) 

 

Sự công bố kết quả đánh giá của học sinh trước tập thể theo quan niệm của đa số giáo viên là để động viên các em khá giỏi và nhắc nhở các em yếu kém vươn lên. Trong một số giờ trả bài, giáo viên đã đem một số bài yếu kém ra để nhắc nhở, phê bình nặng nề.
 
Song việc này lại có một “tác dụng ngược” mà ít ai để ý. Đó là các em có điểm số, kết quả thấp thấy mặc cảm, xấu hổ, tự ti, nghĩ mình là “dốt” thật nên càng bi quan, chán nản, bỏ bê học hành. Vì vậy, nhiều nước có quy định không công bố điểm của học sinh trước tập thể. Thực tế cho thấy cách làm này có hiệu quả hơn việc công bố điểm, kết quả đánh giá từng bài thi, từng kì, từng năm của chúng ta.
 
Bình đẳng trong giáo dục: Trông người lại ngẫm đến ta - 2

 

Thử so sánh quan niệm “trò giỏi – trò dốt” (tạm gọi là A) với quan niệm “tất cả đều giỏi” (tạm gọi là B).
 
Với A,  người làm giáo dục quá “khỏe”, chẳng phải phấn đấu, lo nghĩ gì. Học trò đạt kết quả cao thì cho đó là thành tích, học trò yếu kém thì đỏ cho nguyên nhân “bất khả kháng”, là “khả năng, tư duy” của học sinh quá thấp. Quan niệm này sẽ tạo ra ra sức ỳ trong giáo dục. Những người làm giáo dục thiếu phấn đấu, sáng tạo, và hậu quả là học sinh, tương lai của đất nước phải gánh chịu.

 

Trong khi đó, với B, những người làm giáo dục sẽ phải nỗ lực rất cao, sáng tạo trong các giải pháp để giúp tất cả học sinh đều tiến bộ. Sự cạnh tranh lành mạnh trong đội ngũ nhà giáo sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển giáo dục. Bên cạnh đó, mọi học sinh cũng phải nỗ lực, sáng tạo để đạt kết quả cao trong học tập. Kết quả là chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng giáo dục (trình độ, khả năng của học sinh) ngày càng được cải thiện, nâng cao. Và với một nền giáo dục như vậy, thì thế hệ tương lai của đất nước được đào tạo tốt nhất.

 

Để chấn hưng giáo dục nước nhà còn rất nhiều việc phải làm. Một câu hỏi đặt ra: Nên bắt đầu từ đâu? Có lẽ nên bắt đầu từ đổi mới tư duy giáo dục, hãy xóa bỏ quan niệm “trò giỏi – trò dốt”.
 
Xin cám ơn nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai đã có một bài viết có tính gợi mở sâu sắc.

 

                                                        Trần Quang Đại

                                                               (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Một ý tưởng hay trong đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đổi mới tư duy trong giáo dục, dựa trên cơ sở triết lý giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc đã được gợi lên từ bài viết của nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai đang định cư tại Bỉ, nhưng trong tâm tưởng vẫn luôn đồng hành cùng nền giáo dục còn đầy rẫy những khó khăn và yếu kém ở quê nhà.

 

Cũng là nhà giáo tâm huyết, tác giả viết bài trên đây đã phát hiện ra ý tưởng mới mẻ đó và nhận ra sự sai lầm cơ bản nhất của nền giáo dục chúng ta. Đó chính là sự vô tình có sự phân biệt đối xử, tạo nên sự mất bình đẳng trong môi trường giáo dục ngay từ khi những công dân của chúng ta ngồi trên ghế nhà trường, thì làm sao có thể thực hiện sự bình đẳng xã hội khi các em bước vào đời?

 

Cho nên điều cấp bách và cần làm trước hết đối với việc “gỡ rối” nền giáo dục của chúng ta đang ngổn ngang những yếu kém chính là cần đổi mới tư duy giáo dục sớm xóa bỏ quan niệm “trò giỏi- trò dốt” và mọi hình thức phân biệt đối xử đang tồn tại trong môi trường giáo dục của chúng ta!
 
Hãy trả lại ý nghĩa nhân đạo và nhân văn vốn là bản chất đáng tự hào của nền giáo dục cách mạng.