Hà Nội:

Bệnh viện huyện Đông Anh cấp khống giấy khám sức khỏe, hệ luỵ khôn lường!

(Dân trí) - Việc Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh (Hà Nội) cấp khống giấy khám sức khoẻ có hệ luỵ khôn lường bởi nếu bệnh nhân mắc các chứng bệnh nghiêm trọng mà không được khám vẫn được cấp giấy chứng nhận sức khoẻ để đi học, đi làm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống và sức khỏe, thậm chí tính mạng của họ và cộng đồng", luật sư Vi Văn Diện phân tích.

Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội đang thanh kiểm tra các nội dung tố cáo tiêu cực tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh (Hà Nội). Bước đầu xác định có tình trạng làm giấy khám sức khoẻ khống.

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Theo quy định của Bộ Y tế, quy trình khám, cấp Giấy chứng nhận sức khoẻ (GCNSK) được thực hiện hết sức ngặt nghèo với các bước tuần tự: người khám đăng ký khám, cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân, sau đó nộp tiền khám (bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàngp: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…).

Bệnh viện huyện Đông Anh cấp khống giấy khám sức khỏe, hệ luỵ khôn lường! - Ảnh 1.

Thanh tra làm rõ tố cáo tiêu cực tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh.

Quy trình khám cận lâm sàng, gồm: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thử máu, nước tiểu, chụp tim phổi... Đây là những quy trình đòi hỏi mức độ chính xác và phải có kết quả thật vì liên quan đến công việc, tương lai, thậm chí tính mạng người cần có GCNSK. Trong trường hợp người bị bệnh về tim phổi, nếu không được khám sức khỏe một cách chính xác, khi đi lao động ở môi trường đòi hỏi sức khỏe về tim phổi, có thể gây tử vong. "Đây là tính nghiêm trọng và hệ luỵ khôn lường của việc "nhân bản" GCNSK", luật sư Diện nói.

Theo một chuyên gia y tế, thông thường, trong tổng chi phí 310.000 đồng mà người đến khám phải chi trả cho BVĐK Đông Anh để được cấp GCNSK bao gồm rất nhiều các công đoạn phải thực hiện như đã nêu ở trên. Nếu bớt đi công đoạn nào thì người khám bệnh thiệt thòi chừng đó. Có nghĩa, số tiền bất chính mà cán bộ y tế và bệnh viện chiếm đoạt của người đến khám tương đương như vậy. Số tiền 310.000 đồng một GCNSK, với số lượng hàng trăm thậm chí có khi cả nghìn GCNSK được "mua bán" trong thời gian dài tại bệnh viện này thì số tiền nhân lên là con số khủng khiếp.

Đơn cử, khi một người bị bệnh về phổi hay đường hô hấp đến khám lấy GCNSK để đi làm công nhân mỏ. Do bỏ qua quy trình nên GCNSK vẫn được bệnh viện cấp. Đến khi đi làm, với môi trường hầm lò đòi hỏi sức khỏe về phổi, họ không chịu đựng được và có thể tử vong thì hậu quả và nỗi đau không chỉ có cá nhân người công nhân này và gia đình họ gánh chịu. Hay nhiều trường hợp bị bệnh về gan nếu vẫn được BVĐK Đông Anh cấp GCNSK, khi đi xuất khẩu lao động bị đuổi về thì họ sẽ mất trắng hàng trăm triệu đồng cho môi giới vì vi phạm hợp đồng.

Luật sư Diện cho rằng hành vi "nhân bản" GCNSK cần phải chịu trách nhiệm hình sự và lãnh đạo BVĐK Đông Anh không thể vô can.

Theo luật sư Diện, việc "bán khống" GCNSK bên cạnh vi phạm về y đức còn có dấu hiệu phạm tội hình sự. Theo ông, các kết quả xét nghiệm, khám, chụp chiếu… sẽ là căn cứ để điều trị chẩn đoán tình trạng sức khỏe trong các lần khám sau này. Việc "nhân bản" cả nghìn kết quả trong những quy trình khám sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và công việc của người dân.

Về trách nhiệm pháp lý của những người liên quan, luật sư Diện cho rằng không chỉ các nhân viên và cán bộ y tế phụ trách việc khám, cấp GCNSK phải chịu trách nhiệm mà ban lãnh đạo BVĐK Đông Anh cũng không thể vô can. Theo đó, những người bán khống GCNSK phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", theo Điều 242 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù 1-5 năm.

"Các thành viên ban lãnh đạo bệnh viện phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự, bởi nếu họ có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao đã sớm phát hiện sự việc và có chấn chỉnh kịp thời, trừ khi có tiếp tay" - luật sư Diện phân tích.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Thanh tra Sở Y tế đang tiến hành thanh kiểm tra các nội dung tố cáo tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh. Bước đầu xác định có tình trạng làm khống giấy khám sức khoẻ. Một nhân viên nữ đã bị kỷ luật điều chuyển công việc. Các bác sỹ ký vào giấy khám sức khoẻ khống này cũng đã được xác định và xét kỷ luật.

Đối với trường hợp sử dụng nhân viên có tiền sử bệnh tâm thần làm việc trong bệnh viện là Nguyễn Hữu Tuấn, là con của nguyên Giám đốc BV Đa khoa Đông Anh trước đây. Trước khi gây án đâm một dược sĩ thì Tuấn đã uống thuốc sâu nên sau khi sự việc xảy ra, Tuấn cũng đã tử vong. Việc ông Tuấn được tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh trước hay sau khi phát hiện dấu hiệu bệnh tâm thần, ông Cường cho biết đang kiểm tra.

Ông Cường cũng cho biết với những sai phạm bước đầu như vậy, ban giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế