Tiêu điểm

Bệnh thích hoành tráng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết tại nghị trường quyết toán năm 2008 đã đưa ra khái niệm "bệnh lý" xã hội là bệnh thích hoành tráng: “Ta cái gì cũng thích nhất... tiền của thoải mái đổ vào các dự án trong khi trẻ em vùng xa phải đu dây qua sông đi học hằng ngày”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói lên một điều không mới, chỉ khác ở chỗ là nói công khai tại diễn đàn Quốc hội. Lễ nào cũng thích dùng từ đại lễ và phải bày vẽ cho được những công trình chào mừng. Có công trình rất khiêm tốn nhưng cũng khởi công, động thổ ầm ĩ, lãnh đạo phát biểu kể lể công trạng của mình. Tiền chi cho lễ lạt tốn kém chỉ để thỏa mãn căn bệnh hoành tráng mãn tính.

Thích hoành tráng không chỉ là bánh chưng to nhất, bình rượu bự nhất. Đất nước có quá nhiều gia đình văn hóa, thôn, ấp văn hóa, phường văn hóa, cơ quan văn hóa nhưng vì sao vẫn thấy thiếu văn minh? Đất nước có nhiều tài nguyên nhưng sao bao nhiêu năm rồi vẫn đi vay nợ các nước? Đó là những câu hỏi cần phải trả lời bằng sự khiêm tốn, nghiêm túc và có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc.

Hoành tráng đi liền với lãng phí, các lễ hội, công trình, dự án phục vụ cho căn bệnh kinh niên đó làm thâm thủng ngân sách quốc gia. Trụ sở cơ quan phải to lớn bề thế, lãnh đạo phải đi xe sang trọng, đón tiếp phải linh đình. Có mấy ai suy nghĩ trong khi nước mình còn nghèo, thì chỉ nên xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước nhỏ thôi để dành tiền xây trường học, bệnh viện, đường sá. Hình ảnh trẻ em phải đu dây qua sông Poko để đi học mà  đại biểu Thuyết dùng để minh họa cho sự nghịch lý giữa bệnh hoành tráng và đời sống thực tế quả thật rất nhức nhối.

Bệnh thích hoành tráng có nguy cơ lây lan qua nhiều thế hệ vì nó không chỉ biểu hiện ở những dự án, công trình, lễ hội mà còn cả trong không ít bài diễn văn rất giống nhau về những ngôn từ theo kiểu đại ngôn, tự khen ngợi... Bệnh hoành tráng ngày càng nặng, nếu không chữa trị kịp sẽ trở thành hiểm họa.

Lê Chân Nhân