Bệnh “thành tích” trong giáo dục vẫn còn trầm trọng

Đọc bài của tác giả Trọng Nghĩa viết về <a href="http://dantri.com.vn/diendandantri/guy-co-tai-phat-benh-thanh-tich-trong-giao-duc/2008/4/226978.vip">"Nguy cơ tái phát “bệnh thành tích” trong giáo dục</a> đăng trên <i>Diễn đàn Dân trí</i>, là một “người trong cuộc”, tôi rất đồng cảm với tác giả bài này và muốn tham gia thêm một số ý kiến.

Là một giảng viên đại học, tôi cũng tham gia thỉnh giảng ở một trường THPT. Trong gia đình tôi còn có nhiều người là giáo viên phổ thông. Hơn ai hết, là người hàng ngày trực tiếp lăn lộn với học sinh trong sự nghiệp trồng người cao cả, chúng tôi hiểu rất rõ bệnh thành tích trong giáo dục đang được “chữa trị” như thế nào và “hiệu quả” đến đâu.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Xin thưa là bệnh này vẫn đang tồn tại rất nặng. Hô hào thì nhiều còn hành động có ý nghĩa thiết thực thì chưa đâu vào đâu. Có một câu chuyện khôi hài vẫn đang được lưu truyền trong giáo giới chúng tôi như thế này: “Một phụ huynh đến gặp hiệu trưởng một trường nọ thiết tha xin cho con được lưu ban vì cháu học quá đuối sức. Nhưng ông hiệu trưởng này trả lời rằng con bác phải lên lớp nếu không trường sẽ mất điểm thi đua.”?!.

Tôi nhớ lại hồi tôi còn học phổ thông những năm 1976-1987, cả đời học sinh phổ thông, tôi được chứng kiến cả trường cấp 1 chỉ có 1 học sinh giỏi (HSG). Cấp 2, cả lớp tôi có 45 bạn thì chỉ có 6 bạn là học sinh tiên tiến (HSTT), tuyệt nhiên không có HSG. Lên cấp 3, cả lớp may ra được 1 - 2 HSTT, còn lại là HS trung bình. Ngay bản thân tôi cố lắm nhưng chỉ được một lần đạt danh hiệu HSTT ở cấp 3. Cả trường cấp 3 ngày đó không có ai đạt danh hiệu HSG. Thế mà thế hệ chúng tôi cũng trưởng thành, nhiều người ở tuổi tôi cũng đạt học hàm học vị cao như PGS, tiến sĩ, giảng viên các trường đại học…

Còn bây giờ, nếu con cái nhà ai mà không đạt HSG, HSTT thì là chuyện gần như là không bình thường, kém lắm mới bị xếp loại trung bình. Ở một trường THCS, trong buổi tổng kết cuối năm, người ta rút ra được một kinh nghiệm đọc tổng kết rút ngắn thời gian bằng cách chỉ đọc những HSTT và trung bình, bởi vì đa số HSG (!?). Ở một số trường chuyên, nếu em nào được vào đội tuyển thi HSG, giáo viên các môn khác phải cho các em đó tối thiểu là 8,0 điểm trung bình môn của mình mặc dù các em không tham gia thi và kiểm tra môn đó.

Có lần, tôi nghe nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Minh Hạc trả lời phỏng vấn trên vô tuyến truyền hình là thời ông làm Bộ trưởng, trường nào báo cáo thành tích của mình quá cao là bị phạt. Vì qua khảo sát thực tế thì không thể có một trường nào có thể đạt bảy tám mươi phần trăm là HS khá giỏi. Nếu báo cáo quá cao là gian dối. Mà theo tôi, suy cho cùng, bệnh thành tích chính là bệnh gian dối.

Nhưng tại sao người ta phải gian dối? Có phải vì sợ bị cắt thi đua, bị cấp trên nhắc nhở, và sợ nhất là trường của họ sẽ ít HS mà ít HS thì phần trăm thu được từ việc tổ chức dạy thêm ở trường sẽ ít đi? Có những trường chỉ tổ chức dạy thêm các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ.... còn các môn khác như Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân... thì chỉ đạo cho giáo viên phải cho điểm cao, mặc dù HS không học bài. Nếu giáo viên nào không chấp hành thì bị ghét và trù dập, có trường hợp phải chuyển trường. Chính tôi cũng bị sức ép khi để một HS (duy nhất) xếp loại dưới trung bình trong khi lớp đó đó có tới 70% HS khá, giỏi. HS thì biết thóp các thầy cô dạy môn “phụ” phải nương tay (tôi rất đau lòng khi phải dùng từ “phụ” để chỉ các môn như Sinh, Sử , Địa, Giáo dục công dân....) cho nên không cần học bài. Nhiều khi giáo viên tức anh ách nhưng cuối cùng tổng kết vẫn phải cho HS điểm cao. Vậy là năm sau, cũng với những môn ấy, HS được thể không thèm học nữa, còn gây mất trật tự trong giờ học, thậm chí văng tục chửi bậy. Giáo viên môn “phụ” nhiều lúc cảm thấy bất lực vì công cụ mạnh nhất có được là ghi tên những HS vi phạm vào sổ ghi đầu bài thì lại bị giáo viên chủ nhiệm không bằng lòng do lớp sẽ mất điểm thi đua. Nhiều giáo viên chán quá đành bỏ qua những sai trái của HS khi làm bài; chấm bài thì xem qua rồi cho phần lớn là điểm cao, vì nếu chấm chặt chẽ lại bị phê bình và phải sửa điểm.

Còn các môn “chính” thì sao? Tôi không dám nói tất cả nhưng có không ít những giáo viên “ép” học sinh đi học thêm bằng cách nói trước đề kiểm tra cho những HS đi học thêm, tất nhiên những em này sẽ được điểm sẽ cao, còn những HS không đi học thêm sẽ chịu thiệt. Họ dạy ở lớp thì à ơi, mặc cho HS mất trật tự, vì thế những em có ý thức học không thể tập trung nghe giảng, thế là phải đến nhà cô học thêm. Một giáo viên Toán cấp 2 không giỏi chuyên môn lắm cũng kiếm được 5-7 triệu đồng/tháng từ việc dạy thêm chính HS của mình. Trong khi đó lương của giáo viên này chỉ khoảng 2 triệu đồng. Xin không bình luận gì các con số này mà để cho các nhà quản lý suy nghĩ.

Mọi người sẽ hỏi, vậy thì vai trò của các cấp quản lý như phòng, sở GD-ĐT ở đâu? Xin thưa, họ cũng hay đi thanh kiểm tra lắm. Nhưng mỗi lần về thì trường lại biết trước. Thế là trường lại tìm mọi cách để đối phó. Kể cả bắt giáo viên đến làm việc vào chiều tối để hoàn thiện sổ sách. Chưa kể trường còn phải chuẩn bị phong bì bồi dưỡng cho đoàn kiểm tra. Tôi thấy ở các trường, nhất là cấp tiểu học và THCS, thực hiện rất nhiều “công đoạn” chỉ cốt để đối phó, gây lãng phí tiền bạc và thời gian. Mấy cô giáo nhà tôi suốt ngày làm sổ sách, giáo án. Tôi thấy những việc họ làm chủ yếu là để đối phó. Có trường không cho giáo viên soạn giáo án bằng máy tính mà phải viết bằng tay vào sổ giáo án riêng của trường vì sợ giáo viên cho nhau file giáo án. Năm nào cũng phải viết sáng kiến kinh nghiệm, thao giảng.

Với cách dạy và học nói ở trên, không biết lấy đâu ra hứng thú để dạy học, chưa nói gì đến có sáng kiến. Nhưng qui định thì phải viết nên đa số họ chỉ viết cho qua chuyện, năm sau chép lại của năm trước. Chắc chắn là những người có trách nhiệm đọc những bản đó cũng biết thừa như vậy. Thao giảng thì một bài cô dạy cùng một lớp mấy lần khi nào thấy nhuần nhuyễn mới đăng ký thao giảng ở chính lớp đó.

Các sinh viên tôi dạy thì rất nhiều em không nhớ những kiến thức cơ bản như giải phương trình bậc hai, hệ ba phương trình, ba ẩn số. Ngoại ngữ thì hầu như không biết gì , không trả lời được những câu đơn giản bằng tiếng Anh như Tên là gì, Bao nhiêu tuổi, Nhà ở đâu… Những bài toán hết sức cơ bản ở phổ thông cũng không làm được. Tôi dạy môn cơ bản ở đại học nhưng khi ra đề thi, chỉ cho sinh viên làm những bài thuộc dạng dễ hơn cả phổ thông. Thế mà năm nào tỷ lệ sinh viên phải thi lại cũng chiếm 40- 50%!

Theo tôi, để giải quyết triệt để bệnh thành tích trong giáo dục, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý. Cục khảo thí cần phải làm mạnh tay và có biện pháp chế tài đủ mạnh đối với những trường báo cáo thành tích cao nhưng khi kiểm tra thực tế trình độ của học sinh thì không giống như báo cáo.

dangtranchien@yahoo.com

LTS Dân trí - Như tác giả bài viết trên đây phân tích, thực chất của căn bệnh “thành tích” trong giáo dục là sự dối trá trong thi đua, gây ra những phản cảm mạnh mẽ đối với những người thầy giáo đứng đắn, có tâm huyết với công việc “trồng người”.

Sự dối trá trong “thi đua” của nhà trường còn ảnh hưởng rất xấu tới việc hình thành nhân cách của học sinh, làm suy giảm lòng tin của các em đối với nhà trường và thầy giáo cũng như làm thui chột ý chí phấn đấu vươn lên của mỗi học sinh.

Phong trào thi đua “Hai tốt” vốn mang ý nghĩa tốt đẹp đã bị vô hiệu hóa và bóp méo trong môi trường “mô phạm” mà thiếu sự trung thực và công bằng; thậm chí đầy rẫy sự dối trá! Cho nên việc chống căn bệnh “thành tích” phải bắt đầu từ việc lập lại nền nếp, kỷ cương của nhà trường và của cả hệ thống quản lý giáo dục để ngăn chặn từ xa mọi sự dối trá len lỏi vào môi trường vốn là chuẩn mực mô phạm của nhà trường.