Bảo Việt TP.HCM lảng tránh trách nhiệm, doanh nghiệp lĩnh trọn “quả đắng”

(Dân trí) - Đã gửi nhiều văn bản đến Bảo Việt TP.HCM đề nghị thanh toán khoản bảo lãnh theo chứng thư bảo lãnh do đơn vị này phát hành tháng 3/2012, nhưng đến nay những đề nghị của Ssangyong chưa được giải quyết, đơn khiếu nại của doanh nghiệp chưa nhận được lời giải thích thấu đáo.

Đơn đề nghị Công ty Ssangyong gửi đến tòa soạn báo Dân trí
Đơn đề nghị Công ty Ssangyong gửi đến tòa soạn báo Dân trí
 
Như thông tin đã đưa, trong đơn kiến nghị gửi đến tòa soạn báo Dân trí, Công ty  Ssangyong phản ánh, Bảo Việt TP.HCM không thực hiện đúng nội dung chứng thư bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng đối với hợp đồng thầu phụ - phần móng và phần kết cấu (giai đoạn 1A) của Khu chung cư phát triển tại Quận 7, TP.HCM do Công ty Vihacon đảm trách, vì Vihacon không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
 
Sau khi Vihacon không thực hiện đúng hợp đồng, không có biện pháp khắc phục những thiệt hại gây ra cho chủ đầu tư, từ tháng 10/2012 cho đến nay, lãnh đạo Ssangyong đã gửi nhiều văn bản đến Bảo Việt TP.HCM yêu cầu chi trả hơn 10 tỷ đồng theo nội dung chứng thư bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng số HCM3.D08.APBO.12.HD2 (0044) do Bảo Việt TP.HCM phát hành ngày 20/3/2012. Tuy nhiên, phía Bảo Việt TP.HCM đã tìm cách né tránh trách nhiệm với chứng thư bảo lãnh của chính mình. Để bảo vệ quyền lợi đang bị xâm hại, Ssangyong buộc phải gửi đơn “cầu cứu” đến Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt nhưng mọi thứ vẫn rơi vào “ngõ cụt” dù 2 bên đã gửi qua lại nhiều văn bản.
 
Chứng thư bảo lãnh do Bảo Việt TP.HCM phát hành
Chứng thư bảo lãnh do Bảo Việt TP.HCM phát hành

Nhìn lại hành trình văn bản yêu cầu chi trả hơn 10 tỷ đồng theo nội dung chứng thư bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng số HCM3.D08.APBO.12.HD2 (0044) do Bảo Việt TP.HCM phát hành ngày 20/3/2012, đại diện Công ty Ssangyong không giấu nổi nỗi bức xúc vì những lời giải thích vòng vo, có dấu hiệu chối bỏ trách nhiệm của Bảo Việt TP.HCM và cơ quan quản lý đơn vị này là Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt khi hồi đáp nội dung khiếu nại của doanh nghiệp.

Sau khi không tìm được tiếng nói thống nhất với Bảo Việt TP.HCM, ngày 25/1/2013, Công ty Ssangyong có văn bản số SSY-RP-BV-TL-005 gửi Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt đề nghị giải quyết khoản Bảo lãnh tiền tạm ứng số HCM3. D08.APBO.12.HD2 (0044), và Bảo lãnh thực hiện hợp đồng số ứng số HCM3. D08.PBO.12.HD4 (0044).

Nội dung văn bản của Công ty Ssangyong nêu: Căn cứ Bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng số HCM3. D08.APBO.12.HD2 ( 0044) do Bảo Việt TP.HCM phát hành ngày 20/03/2012, Bảo Việt cam kết thanh toán không hủy ngang cho Ssangyong số tiền tối đa 8.639.000.000 đ khi Công ty có yêu cầu bằng văn bản. Căn cứ Bảo lãnh thực hiện hợp đồng số HCM.D08.APBO.12.HD2 (0044) do Bảo Việt phát hành ngày 11/4/2012, Bảo Việt cam kết thanh toán theo yêu cầu của Công ty chúng tôi (Ssangyong) trong bất kỳ tình huống nào một khoản tiền tối đa là 9.502.900.000đ khi nhận được yêu cầu thanh toán bằng văn bản của Công ty.
 
Văn bản trả lời của Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt
Văn bản trả lời của Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt

Tuy nhiên, khi điều kiện phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của Bảo Việt theo cam kết tại các chứng thư bảo lãnh trên đã đến, Công ty đã gửi rất nhiều văn bản yêu cầu thanh toán các khoản tiền trên thì không hề nhận được bất cứ sự hợp tác nào.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, “Việc bảo lãnh có thể được hủy bỏ nếu được bên nhận bảo lãnh đồng ý” (Điều 370, Bộ luật Dân sự năm 2005). Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay (tháng 1/2013), bên nhận bảo lãnh (Ssangyong) không có bất kỳ văn bản nào thể hiện việc chấp nhận hủy các chứng thư bảo lãnh trên. Vì vậy, hoàn toàn không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để miễn trừ trách nhiệm cho Bảo Việt như đã cam kết tại các chứng thư bảo lãnh.

Nội dung 2 chứng thư Bảo lãnh trên nêu rõ là loại chứng thư “không hủy ngang” và Bảo Việt đã cam kết thanh toán ngay khi Ssangyong có văn bản yêu cầu. Theo quy định của pháp luật và nội dung cam kết trong các chứng thư bảo lãnh, Bảo Việt TP.HCM phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thanh toán số tiền hơn 10 tỷ đồng. Việc Bảo Việt TP.HCM từ chối thanh toán là vi phạm nghiêm trọng cam kết trong 2 chứng thư bảo lãnh, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của Ssangyong.

Nhận được đề nghị của Ssangyong, ngày 7/3/2013, Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt có văn bản hồi đáp cho rằng, nếu chiếu và áp dụng Điều 283 của Bộ Luật Dân sự thì Ssangyong chỉ nhấn mạnh đến việc thực hiện “đúng cam kết”, nhưng bỏ qua vấn đề “không trái pháp luật” trong Điều luật mà Ssangyong trích dẫn.

Về giấy tờ pháp nhân của Ssangyong gửi đến, phía Bảo Việt cho rằng những tài liệu này chưa thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật Việt nam về hợp pháp hóa lãnh sự, cụ thể là chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Bộ Ngoại giao, Cơ quan được Bộ Ngoại giao ủy quyền, cơ quan đại diện Ngoại giao của Việt Nam hoặc Cơ quan lãnh sự Việt Nam) chứng nhận con dấu, chữ ký của cơ quan lãnh sự Hàn Quốc. Vì vậy, Ssangyong cần hoàn thiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự trước khi Bảo Việt xem xét vụ việc.

Cho rằng Bảo Việt cố ý gây khó khăn, ngày 8/4/2013, Ssangyong tiếp tục ký văn bản SSY-RP-BV-007 gửi ông Trần Trọng Phúc - Tổng Giám đốc Bảo Việt; ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Tổng giám đốc Bảo Việt và các phòng ban chức năng Bảo Việt nêu rõ việc không chấp nhận lý do các đại diện của bảo hiểm Bảo Việt đưa ra nhằm trì hoãn việc thanh toán 2 chứng thư bảo lãnh.
 
Văn bản của Ssangyong gửi lãnh đạo Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt
Văn bản của Ssangyong gửi lãnh đạo Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt

Đại diện Ssangyong cho rằng, theo quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan, cùng các cam kết của bảo hiểm Bảo Việt tại các chứng thư bảo lãnh, ngoài việc gửi đơn yêu cầu thanh toán tiền bảo lãnh, Ssangyong không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ hoặc thủ tục, hành vi nào khác. Nếu muốn cung cấp, giải trình các nội dung liên quan, phía Ssangyong đề nghị Bảo Việt gửi văn bản và nêu rõ cơ sở pháp lý để đưa ra yêu cầu.

Bên cạnh đó, Ssangyong còn khẳng định: “Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam, các ngân hàng Việt Nam thì chưa có một tiền lệ nào tại Việt Nam trì hoãn việc thanh toán chứng thư bảo lãnh quá 30 ngày mà không đưa ra lý do hợp pháp. Là một nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam, Ssangyong mong muốn Bảo Việt, với tư cách là Công ty bảo hiểm hàng đầu của Việt Nam sẽ có hành động đúng đắn, phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp”.

Công văn số SSY - RP - BV - 007 được gửi đi từ ngày 8/4/2013, nhưng đã hơn 4 tháng trôi qua, cho đến nay những đề nghị chính đáng và hợp pháp của Ssangyong vẫn bị Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Việt TP.HCM “bỏ quên” khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn kéo dài. Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, Ssangyong khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng vài cuộc kiểm tra, yêu cầu đơn vị bảo hiểm thực hiện đầy đủ những điều khoản cam kết trong 2 chứng thư bảo lãnh.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương