Bảo lãnh cho người khác vay vốn có phải trả nợ thay?

Hải Hà

(Dân trí) - Bạn đọc hỏi, hiện con tôi muốn vay một số tiền để mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng do không đủ tiền nên dự định tiến hành vay vốn ngân hàng và tôi dự định sẽ là người bảo lãnh cho khoản vay đó.

Vậy bảo lãnh cho người khác vay vốn có phải trả nợ thay cho họ không?

 Trả lời:

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX cho biết, vấn đề bảo lãnh trong vay vốn không còn là một vấn đề xa lạ trong xã hội. Đối với việc vay một khoản tiền lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh, việc vay vốn ngân hàng có bảo lãnh từ người khác là một yêu cầu không tránh khỏi từ phía ngân hàng cho vay.

Theo đó, vay vốn là việc bạn thực hiện giao kết hợp đồng vay tài sản từ người khác.

Theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Dân sự 2015 thì:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả; bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận; hoặc pháp luật có quy định.

Bảo lãnh cho người khác vay theo quy định tại Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 nghĩa là:

- Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh); sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

- Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh; trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Vậy bảo lãnh cho người khác vay vốn có phải trả nợ thay? Câu trả lời chính xác là tùy vào trường hợp. Bởi như đã phân tích ở Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 có nói: Bên bảo lãnh chỉ thực hiện nghĩa vụ thay (tức trả tiền vay vốn thay) khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên đi vay không trả được mà thôi. Chính vì điều đó mà xuất hiện 02 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Người đi vay đến hạn đã trả hết nợ vay vốn đã cam kết; thì người bảo lãnh sẽ không trả nợ thay.

Trường hợp 2: Nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả vay vốn mà bên đi vay không thực hiện; hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ vay, thì lúc này người bảo lãnh sẽ phải trả nợ thay cho người đi vay vốn.

Ngoài ra còn một số trường hợp nếu bên bảo lãnh và đơn vị tổ chức tín dụng có thảo luận về việc chỉ trả nợ thay trong trường hợp bên đi vay không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; thì lúc này bên bảo lãnh chỉ phải trả khi có sự xác nhận là bên đi vay hoàn toàn không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Bảo lãnh cho người khác vay vốn có phải trả nợ thay? - 1

Ảnh minh họa.

Luật sư Nghĩa cũng lưu ý, trường hợp bên được bảo lãnh (tức bên đi vay) không thực hiện; hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh (đơn vị tổ chức tín dụng cho vay vốn) có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Bên nhận bảo lãnh (tức đơn vị tổ chức tín dụng) sẽ không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn; bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

 Trường hợp bên bảo lãnh đã phát sinh việc bảo lãnh (tức trả nợ thay); nhưng lại không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh; thì bên nhận bảo lãnh (tức bên đi vay) có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại cho mình.

 Một số lưu ý trong bảo lãnh mà bạn nên biết

- Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh: Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện; trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh, thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh; trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình, thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình, thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

- Thù lao: Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.

- Nhiều người cùng bảo lãnh: Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ, thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh; trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập. Bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

- Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Theo thỏa thuận của các bên.