Bạn đọc viết:

“Bão” giá tấn công sinh viên

Khi mà các mặt hàng cứ tăng theo cấp số nhân thì việc chi tiêu sinh hoạt với nhiều người đã là rất khó khăn. Còn với SV thì đây là vấn đề nan giải, để sống cùng “cơn bão” các bạn phải tính toán chi tiêu sao cho đủ với số tiền ít ỏi bố mẹ gửi.

“Bão” giá tấn công sinh viên - 1

Giá cả tăng cao buộc nhiều sinh phải thắt chặt hơn trong chi tiêu, ăn uống.
 
Bão giá ồ ập…

Phải xa gia đình, tách rời khỏi vòng tay yêu thương chăm sóc của cha mẹ, các sinh viên buộc phải thích nghi với cuộc sống tự lập, với bao nỗi lo toan bộn bề cả về vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh những áp lực về học tập, thi cử... thì nỗi lo lớn nhất của đa số sinh viên chính là các khoản chí phí, tiêu dùng cho việc sinh hoạt hàng ngày như: ăn, mặc, ở...

Hàng tháng, các sinh viên được bố mẹ gửi cho một khoản tiền nhỏ để trang trải các chi phí trên. Tùy vào mức sống của từng nơi, mức độ khó khăn của từng gia đình vì thế mà mức chu cấp cũng khác nhau. Tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Sài Gòn... thì mức chu cấp mà gia đình gửi cho sinh viên khoảng từ: 1,5 - 2 triệu đồng/ tháng. Còn tại các thành phố thuộc khu vực miền trung như: Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng... khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Vì vậy, các sinh viên buộc phải tự tính toán chi tiêu trong cuộc sống sao cho hợp lý nhất.

Tiền thì luôn được người thân trong gia đình cố gắng chuyển cho đúng kỳ, nhưng vấn đề khó khăn nhất của nhiều sinh viên ở đây chính là sự tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống rồi đến việc tăng cả giá phòng ở, giá điên, nước... Đây thực sự là một áp lực lớn lên đời sống các sinh viên nghèo.

Với một sinh viên sống xa nhà đang học tại trường Đại học Khoa học Huế, bạn Nguyễn Cường tâm sự: “Trước đây, một lần đi chợ chỉ cần hơn 10 ngàn là mình đủ cho cả ngày, nay chỉ đủ một bữa, có lúc chỉ ăn một món (cười)”. Khi nghe hỏi sao không xin gia đình thêm thì Cường lại cười và nói: “Nhà mình làm nông, sau mình còn hai em nữa đang học, mình được mỗi tháng 800 ngàn là nhiều hơn so với các bạn khác rồi, đâu dám xin thêm mà muốn xin cũng chẳng có”.

Quả thực như vậy, bởi theo quan sát thực tế tại Huế (nơi được coi là có giá cả tiêu dùng khá rẻ và ổn định) thì giá một mớ rau muống trước đây chỉ khoảng 3 ngàn đồng nay tăng lên 5-6 ngàn đồng, ngoài rau ra thì cả thịt, cá cũng tăng chóng mặt. Chưa hết rồi đến tiền phòng trước kia khoảng 250 ngàn thì nay lên đến 500 - 700 ngàn đồng. Nhiều sinh viên đã phải cắt giảm chi tiêu trong bữa ăn để bù vào, dẫn đến chất lượng cuộc sống có nguy cơ thụt giảm. Bạn Vũ Tâm nói: “Tháng vừa rồi phòng trọ mình mới tăng thêm, mình chưa kịp nói với gia đình nên phải ăn mì tôm cả nữa tháng. Mà cũng sợ gia đình vất vả thêm. Chắc cũng phải tìm phòng khác để chuyển thôi”

 

… sinh viên chống chọi

Để đối phó, nhiều sinh viển rủ nhau về sống chung để tiết kiệm chi phí, thế nên nhiều khi ta bắt gặp 1 phòng trọ chỉ 7m2 mà chứa đến 5 - 6 bạn sinh viên là chuyện bình thường. Mục tiêu của các sinh viên bây giờ là “săn lùng” phòng với tiêu chí: rẻ, hợp lý bất chấp chật lượng ra sao Giải thích cho việc tăng phòng trọ cho thuê thì các chủ phòng hầu như đều có một câu trả lời như nhau đó là: giá cả thì ngày càng tăng, phòng thì hiếm, tng thế là còn ít, chú theo đà này, sang năm giá phòng còn có khi lên cao nữa.

Đối với Phạm Phú, sinh viên trường Đại học Kinh tế Huế thì: “Mình may mắn hơn các bạn khác là kiếm được một việc làm thêm vào buổi tối là giữ xe cho một quán cà phê  từ 6h30 chiều đến 11h đêm, lương được 450 ngàn đồng cộng với tiền bố mẹ gửi vào cũng đủ sống, một số bạn khác còn đi dạy thêm nữa”.Tuy nhiên, bên cạnh đó thì Phú cũng nói đến những khó khăn mà mình gặp phải về việc thu xếp thời gian cho học tập, rồi nỗi lo sức khỏe... gặp những lúc thi cử, ốm đau thì khổ vô cùng không dám nghỉ vì sợ mất việc, chỉ biết cố thôi.

Không phải sinh viên nào cũng may mắn có việc làm thêm như Phú, ở các thành phố lớn đất chật, người đông thì kiếm được chỗ ở cũng là khó lắm rồi chứ nói gì đến việc đi làm thêm. Sống trong những hoàn cảnh khó khăn, vất vả như vậy nhưng nhiều sinh viên vẫn lạc quan và hay nói đùa: “khổ trước, sướng sau. Chịu khổ thế này mới nên người được”.

Nhưng dù nói thế nào đi nữa thì cuộc sống vất vả của các sinh viên nghèo thật đáng được các cấp chính quyền và các nhà quản lý quan tâm. Đây chính là nguồn lực lao động tương lai của đất nước, là thế hệ thanh niên mới của thời đại mới. Chính vì thế, nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ cần thiết để sinh viên có thể giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, chuyên tâm hơn cho việc học tập. Mai sau góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

 

 Nguyễn Tiến Nhất