Báo động tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội

(Dân trí) - Theo Báo Thanh tra, kết thúc đợt thanh tra BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2010, Thanh tra TP Hà Nội đã phát hiện 3.179 đơn vị còn nợ đọng BHXH với số tiền lên tới 187 tỷ đồng. Trong đó nhiều đơn vị nợ đọng trong thời gian dài.

Theo Luật Lao động, người lao động được hưởng lương và chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định. “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH” (Điều 3, Luật BHXH).

Thế nhưng quyền lợi cơ bản này của người lao động đang bị vi phạm nghiêm trọng, với rất nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền rất lớn, trong thời gian dài.

Nợ BHXH, chuyện thường ngày

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Theo số liệu của BHXH Nghệ An, mặc dù đã dùng nhiều biện pháp, nhưng đến tháng 10/2010, tổng số tiền BHXH các doanh nghiệp còn nợ lên đến gần 80 tỷ đồng. Hiện có 42 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH tự nguyện trên 3 tháng với tổng số tiền lên tới hơn 22 tỷ đồng.

Trong đó có những doanh nghiệp nợ từ 20 đến 50 tháng, với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đơn cử như CT Nạo vét đường biển 2 nợ 21,2 tháng với số tiền hơn 2,9 tỷ đồng, CT CP Đầu tư và Xây dựng 24 nợ 13,2 tháng với hơn 2,7 tỷ đồng, CT Công trình giao thông miền Trung nợ 48 tháng với gần 1,9 tỷ đồng…Cá biệt có CT CP Công nghiệp ô tô Trường Sơn nợ đến hơn 176 tháng với hơn 1,48 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để trốn tránh nộp BHXH, các doanh nghiệp còn lách luật bằng cách không kí kết hợp đồng, hoặc kí kết hợp đồng ngắn hạn (dưới 3 tháng).

Các công trình xây dựng thường huy động lao động thời vụ, hầu hết không có hợp đồng. Một số công trình xây dựng kéo dài hàng năm, doanh nghiệp chỉ bảo đảm chế độ BHXH đối với lãnh đạo, kĩ sư, còn hầu hết người lao động không được đóng BHXH. Nếu chẳng may có rủi ro, người lao động chỉ được chủ doanh nghiệp đền bù theo thoả thuận. 

  Hà Nam, đến tháng 10/2010 các doanh nghiệp còn nợ hơn 20,3 tỷ đồng tiền BHXH. Hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đăng ký nộp BHXH chỉ chiếm 19,2%. Không ít doanh nghiệp không đăng kí  nộp BHXH đủ số người lao động.

Đến cuối tháng 11/2010, tỉnh Phú Thọ còn 110 ĐV là doanh nghiệp vi phạm chế độ trích nộp tiền BHXH với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp có thời gian nợ kéo dài 15 - 24 tháng với số tiền hàng tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/11/2010, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng còn nợ BHXH hơn 35 tỉ đồng.  BHXH Đà Nẵng đã lập hồ sơ khởi kiện 17 doanh nghiệp không chịu đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhiều năm liền, tổng số tiền nợ khoảng 11 tỉ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp nợ lớn như Công ty Công trình 5 (nợ hơn 1,7 tỉ đồng), Công ty liên doanh Xây dựng đường bộ 5 (gần 1,2 tỉ đồng), Công ty Cơ khí ôtô và thiết bị điện Đà Nẵng (hơn 720 triệu đồng)…(Pháp luật TP HCM 2/12).

Có thể nói tình trạng doanh nghiệp không đóng BHXH đúng, đủ cho người lao động rất phổ biến trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, tâm lí của người lao động. Người lao động không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tử tuất, nghỉ hưu, chuyển công tác…Có người đến tuổi nghỉ hưu nhưng không làm thủ tục được, có người sinh con đã 2 năm nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản…Người thì ốm đau không có chế độ bảo hiểm, mất việc không được trợ cấp… Ngoài ra, việc các doanh nghiệp trốn BHXH còn gây thất thu lớn cho cơ quan BHXH.

Nguyên nhân và giải pháp

Trước hết xuất phát từ ý thức pháp luật và đạo đức yếu kém của chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ muốn thu lợi nhuận tối đa, không quan tâm đến quyền lợi của người lao động, tìm cách trốn tránh, đối phó với cơ quan chức năng. Nhiều doanh nghiệp làm ăn phát đạt nhưng vẫn cố tình chây ỳ không đóng tiền BHXH. Nếu thực hiện chế độ BHXH, hàng tháng người lao động phải trích lại 8,5% lương để nộp BHXH, chủ sử dụng lao động nộp 20%. Khi trốn nộp BHXH, doanh nghiệp vừa không phải chi 20%, vừa chiếm luôn 8,5% lương của người lao động. Một số doanh nghiệp lại ra lí do kinh doanh, làm ăn khó khăn để trốn nộp BHXH cho người lao động.

Có doanh nghiệp lương cán bộ quản lý lên tới vài chục triệu đồng/tháng, nhưng người lao động chỉ nhận được chừng 1,5-2 triệu đồng/tháng và cũng không hề được nộp BHXH, BHYT. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp lại phân biệt cán bộ trong biên chế và ngoài biên chế. Chỉ có cán bộ trong biên chế mới được hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Trong khi đó theo Luật Lao động, Luật BHXH không hề có sự phân biệt này. 

Công tác thanh, kiểm tra chưa thường xuyên, chế tài xử lí chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ luật Lao động và luật BHXH. Lực lượng Thanh tra lao động của các địa phương rất mỏng, mỗi năm chỉ tiến hành thanh tra được cài chục doanh nghiệp.

Theo quy định, nếu người sử dụng lao động vi phạm luật BHXH sẽ bị xử phạt hành chính, và buộc phải nộp đủ, đúng số tiền còn thiếu theo quy định, cộng với tiền lãi ngân hàng số tiền nộp chậm. Nếu vi phạm với số lượng lớn, thời gian dài có thể bị khởi kiện tại toà án dân sự. Tuy nhiên, thủ tục khởi kiện tương đối phức tạp, và các doanh nghiệp thiếu hợp tác gây nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp dù đã bị khởi kiện, đã có phán quyết của toà án nhưng vẫn cố tình chây ỳ không thực hiện. Mặt khác, “chờ được vạ thì má đã sưng”, thiệt thòi bao giờ cũng nghiêng về phía người lao động.

Tổ chức Công đoàn của nhiều doanh nghiệp thiếu tính độc lập, chưa trở thành chỗ dựa tin cậy của người lao động. Bên cạnh đó, rất nhiều DN chưa có tổ chức Công đoàn, thậm chí Giám đốc kiêm luôn cả chức vụ Chủ tịch Công đoàn. Vì vậy, khi người lao động bị thiệt thòi không có tổ chức đứng ra bảo vệ.

Mặt khác, nhận thức về pháp luật lao động của người lao động còn rất nhiều hạn chế. Một số lao động không muốn tham gia tổ chức Công đoàn, không muốn trích nộp BHXH vì sợ thu nhập bị giảm đi. Hoặc người lao động không dám đấu tranh do tâm lí sợ bị trù dập, đuổi việc.

Do đó, để hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH cần tiến hành đồng bộ các giải pháp bao gồm tích cực thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh, hoàn thiện tổ chức công đoàn, tăng cường công tác tuyên truyền vận động đối với các doanh nghiệp và người lao động.

Trần Quang Đại

(Hà Tĩnh)

LTS Dân trí - Bản chất của chế độ chúng ta là luôn quan tâm đến lợi ích chính đáng của người lao động. Đấy cũng là tính ưu việt khiến cho người lao động phấn khởi và yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu tăng năng suất lao động đem lại lợi ích hài hòa cả cho doanh nghiệp và đội ngũ công nhân.

Tiếc rằng những năm gần đây, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm, thể hiện rõ rệt nhất là không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế như bài viết trên đây đã phản ảnh.

Mong rằng các cấp chính quyền, các Sở Công Thương cũng như công đoàn các cấp cần quan tam nhiều hơn đến việc thanh tra và chấn chỉnh kịp thời tình trạng các doanh nghiẹp nợ hoặc không đóng bảo hiểm cho người lao động.

Thực hiện nghiêm Luật lao động là trách nhiệm của mọi doanh nghiệp và người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc nợ đọng hoặc không đóng bảo hiểm cho đội ngũ công nhân chính là giám đốc doanh nghiệp.