Bạn đọc viết:

Báo động tình trạng mất vệ sinh tại bến xe Mỹ Đình

Khác những lần trước, lần này ra bến xe Mỹ Đình giờ đã rất đông đúc, chật chội... nhưng tệ hơn cả là có một mùi khai đến nồng nặc bao trùm lấy toàn bộ bến xe. Đứa con 5 tuổi của tôi hỏi: “Mùi gì mà kinh thế bố?” Mà tôi không biết trả lời sao…

Báo động tình trạng mất vệ sinh tại bến xe Mỹ Đình - 1


Đưa gia đình lên xe, tìm được chỗ ngồi yên vị tôi thử đi tìm nhà vệ sinh xem nó đã quá tải hay không? Nhưng thấy nhà vệ sinh của bến xe chưa đến mức quá tải, thậm chí lượng người ra vào còn khá thưa thớt. Như vậy việc bến xe mất vệ sinh có thể đổ lỗi hoàn toàn cho ý thức của con người?

Trao đổi với bác Đinh Đức Kiên - bảo vệ bến xe - bác cho biết: “Khoảng 1, 2 năm trở lại đây bến xe Mỹ Đình do phải tải lưu lượng người ra vào của cả phía Tây và phía Bắc Hà Nội nên đang dần trở nên quá tải. Mỗi ngày hàng trăm đầu xe ra vào bến, với hàng ngàn lượt khách qua lại. Rồi người của nhà xe, những người bán hàng quán và các đội xe ôm chở khách. Đội bảo vệ chúng tôi đã cố gắng kiểm soát, thậm chí phạt tiền khá nặng đối với hành vi phóng uế bừa bãi, song không thể kiểm soát nổi tình hình. Kỳ lạ là nhà vệ sinh có, khang trang sạch sẽ không đi.... Tôi có cảm giác với người dân mình việc đi vệ sinh mất 1.000đ là một việc khá vô lý!”.

Quay trở lại xe với câu trả lời khá đầy đủ, tôi không khỏi trăn trở với vấn đề vệ sinh này. Tôi không biết những người quản lý bến xe nghĩ sao khi họ để chính họ và những người khác sống cùng với sự ô nhiễm có thể kiểm soát được?

Thứ nhất:
cần xây thêm các nhà vệ sịnh vì hiện tại đang thiếu về số lượng. Bến xe có một nhà vệ sinh lớn nằm ở toà nhà trung tâm bến xe nhưng nhà vệ sinh này chỉ phục vụ tốt cho những khách chờ trong và gần tòa nhà đó. Còn lại đa số mọi người: hành khách, nhà xe, bán hàng, xe ôm lại ở khá xa tòa nhà, việc đi lại khá bất tiện.

Thứ hai: ý thức người dân là như vậy, song không phải là ta không có cách làm. Thử hỏi hàng ngày có hàng trăm đầu xe ra vào bến, với hàng ngàn lượt người qua lại mà mỗi người ta thu thêm 2.000đ thì một ngày ta thu được bao nhiêu tiền? Có đủ kinh phí cho việc xây nhà vệ sinh và trả lương cho lao công không? Tôi tin là dân tình không có ai là phản đối việc thu thêm phí này cả.

Đất nước ta vẫn còn đang trong giai đoạn kiến thiết về cơ sở hạ tầng và hoàn thiện về kỹ năng quản lý. Mỗi một người quản lý cấp cơ sở cần phát huy hơn nữa tính sáng tạo của mình để góp phần vào thành công chung của công cuộc xây dựng đất nước văn mình giàu đẹp. Tránh ý thức ỷ lại vào cấp trên, chờ kinh phí vì một người lãnh đạo giỏi trước hết là phải biết phát huy nội lực của đơn vị mình.

Hà Nội, 19/12/2010
Khôi Nguyên